Tin KHCN trong nước
Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh: Phân lập 4 chủng vi tảo xử lý nước thải nuôi tôm (26/04/2019)
-   +   A-   A+   In  

Các chủng vi tảo này không chỉ xử lý được nước thải trong ngành nuôi tôm mà còn tạo ra sinh khối để sản xuất nhiên liệu sinh học và làm thức ăn chăn nuôi.

Thông tin trên được PGS.TS. Lê Hùng Anh, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường thuộc Trường Đại học Công nghiệp TPHCM (IUH) cho biết tại Hội thảo "Môi trường và phát triển bền vững: Ưu tiên hợp tác đối tác giữa Việt Nam và Wallonie - Bruxelles (Cộng hòa Bỉ)" diễn ra ngày 22/4 tại TPHCM. Đây cũng là một trong các dự án hợp tác giữa IUH và Trường Đại học Liège (Bỉ) được thực hiện từ năm 2016 - 2020.

Theo TS. Hùng Anh, nước thải trong quá trình nuôi tôm chứa nhiều dinh dưỡng, nên khi thải ra môi trường sẽ gây ô nhiễm nguồn nước. Hiện nay, chỉ một số ít các nhà máy nuôi tôm hiện đại có hệ thống xử lý nước thải và tái sử dụng một phần nước thải đã qua xử lý, còn hầu hết các hộ nông dân đều xả thải trực tiếp ra môi trường. 

“Do khối lượng nước thải quá lớn, chi phí xử lý nước thải bằng các nghệ quá cao nên người dân không đủ điều kiện để đầu tư” - TS. Hùng Anh nói và cho biết, trước thực tế đó, dự án đã đi theo hướng nghiên cứu dùng vi tảo để xử lý chất dinh dưỡng trong nước thải nuôi tôm.

Sau khi nghiên cứu thành công trong phòng thí nghiệm, hiện Dự án đang thử nghiệm thực tế ở quy mô lớn hơn tại Ninh Thuận. Kết quả, bước đầu Dự án đã giải quyết được vấn đề nước thải nuôi tôm và phân lập được 4 chủng vi tảo. Trong đó, có 2 chủng tạo ra sinh khối có tiềm năng sản xuất dầu sinh học, 2 chủng khác thì tạo ra sinh khối có thể làm thức ăn chăn nuôi.

TS. Hùng Anh cho biết thêm, ngoài Dự án nói trên, IUH còn thực hiện Dự án cải thiện chất lượng không khí trong nhà cho bệnh nhân bệnh phổi tại Việt Nam. Đây cũng là dự án hợp tác với Trường Đại học Liège và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Theo nghiên cứu, chất lượng không khí trong nhà ở Việt Nam ngày càng ô nhiễm do giao thông, đối lưu không khí, ô nhiễm từ các môi trường khác,… Chính vì vậy, số lượng bệnh nhân mắc bệnh phổi đang tăng liên tục, đặc biệt ở các thành phố lớn. TS. Hùng Anh cho biết, không chỉ ở các tòa nhà hiện đại mà ngay ở các nhà nông thôn, mức độ ô nhiễm không khí cũng rất đáng lo ngại. Không khí trong nhà đang bị ô nhiễm từ xe máy, ô tô, khói khi thắp hương tạo ra bụi PM2.5 rất khó đào thải từ phổi, ô nhiễm từ ngoài vào, do nấu ăn,… Trong khi nhiều nhà không có hệ thế thông gió, hút khí, diện tích nhỏ hẹp,… Từ kết quả nghiên cứu, Dự án đưa ra các giải pháp để cải thiện tình trạng ô nhiễm trong nhà cho một số đối tượng mắc bệnh hô hấp như lắp thêm quạt thông gió, hút mùi, thiết bị lọc không khí, thay đổi cấu trúc trong nhà,…

Tại Hội thảo, các diễn giả của hai nước cũng giới thiệu nhiều nghiên cứu khác về lĩnh vực môi trường và phát triển bền vững như tái tạo năng lượng từ nguồn rác thải, kinh tế vòng tròn và phát huy các sản phẩm phụ, phát triển môi trường bền vững, thông qua các kinh nghiệm thực hiện dự án tại Bỉ… 
TS. Nguyễn Thiên Tuế - Hiệu trưởng IUH - cho biết, trong giai đoạn 2019-2021, Chính phủ vùng Wallonie-Brussel đã ký kết hiệp định hợp tác với chính phủ Việt Nam thông qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư với 25 dự án được hai nước thực hiện. Trong đó, IUH làm chủ nhiệm 2 dự án (Thiết lập Đài Quan sát hạn hán ở miền Trung, và Chương trình đào tạo thạc sĩ liên kết quốc tế về khoa học và quản lý môi trường - IMES). Đồng thời, IUH còn tham gia 2 dự án khác với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Trà Vinh trong lĩnh vực môi trường và phát triển bền vững. IUH cũng sẽ tổ chức kết nối các doanh nghiệp Bỉ và Việt Nam nhằm đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thương mại giữa hai nước trên lĩnh vực môi trường nói riêng và các ngành công nghiệp thế mạnh khác của vùng Wallonie-Brussels.

Nguồn: vista.gov.vn

Số lượt đọc: 1037

Về trang trước Về đầu trang