Tin KHCN trong nước
Sở KH&CN Lâm Đồng: Gây dựng những kết nối (06/04/2019)
-   +   A-   A+   In  

Nhiệm vụ của một cơ quan KH&CN ở địa phương là gì nếu không phải là tham gia hỗ trợ, thúc đẩy các thế mạnh của địa phương bằng chính tiềm lực KH&CN. Với suy nghĩ đó, Sở KH&CN Lâm Đồng đã chọn một cách làm mà họ cho là phù hợp với điều kiện của mình, đó là kết nối các ngành và tối ưu hóa những nguồn lực ở địa phương.

Trong cuộc trò chuyện với báo KH&PT tại phòng họp của Sở KH&CN Lâm Đồng, giám đốc Sở Võ Thị Hảo - “một người xuất thân là ‘dân nhân văn’ nhưng có tầm nhìn bao quát và am hiểu về công nghệ” như nhận xét của PGS. TS Phạm Văn Kết, Phó hiệu trưởng trường Đại học Đà Lạt - cho biết, với thế mạnh truyền thống của Đà Lạt với rau hoa và du lịch. Do đó, định hướng quan trọng của Sở KH&CN Lâm Đồng là tham gia tư vấn cho lãnh đạo tỉnh về chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao và thực thi các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân. “Sở KH&CN Lâm Đồng tập trung phát triển nông nghiệp theo từng giai đoạn. 60% ngân sách đầu tư cho ngành KH&CN đều dành cho các nghiên cứu về nông nghiệp”, bà Võ Thị Hảo nói. Trong nhiều năm qua, phần lớn các hoạt động của Sở KH&CN Lâm Đồng đều thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao phát triển theo những nét rất riêng của vùng đất cao nguyên này.

Kết nối các nhà, các ngành

Lâu nay người ta vẫn cho rằng, câu chuyện phát triển ở các địa phương xa trung ương là những phần rời rạc mà mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đều có những hướng đi riêng biệt và khó ăn nhập với nhau. Tuy nhiên ở Lâm Đồng lại là một câu chuyện khác, nơi từ các cá nhân, doanh nghiệp đến chính quyền cấp xã, huyện đến tỉnh đều bị cuốn theo những chuyển động của nông nghiệp công nghệ cao. Giám đốc Võ Thị Hảo giải thích thêm, mỗi ngành đều có phần việc của mình và có cách tiếp cận nhiệm vụ tùy theo yêu cầu của ngành nhưng theo kinh nghiệm mà chị rút ra,“khi bắt tay vào công việc thì chúng tôi vẫn luôn hình dung là mình phải vượt qua được những vấn đề mà ngành mình được chỉ định làm”.

Lối suy nghĩ phóng khoáng đó của ban lãnh đạo Sở KH&CN Lâm Đồng đã là cơ sở góp phần tạo ra nếp làm việc nhiều năm nay của sở: các đề tài và nhiệm vụ khoa học đều do các tổ chức KH&CN thực hiện nhưng theo giám đốc Võ Thị Hảo, “mình khác là có yêu cầu [khi triển khai đề tài] thì phải kết hợp với các đơn vị quản lý ngành”. Trong quá trình áp dụng cách làm này, sở KH&CN Lâm Đồng nhận thấy: dù các nhà khoa học đều có những cơ sở lý luận và phương pháp thực hiện tốt nhưng “họ sao gắn với địa bàn bằng mình”, do đó muốn triển khai tốt được đề tài, “họ cần phải gắn với cơ quan quản lý đặt hàng”. Rút cục, việc gắn kết giữa nhà quản lý và nhà khoa học trong quá trình thực hiện đề tài đã đem lại lợi ích cho cả hai bên: “Mình học hỏi được người ta về mặt phương pháp, họ lại được trải nghiệm về thực tế”, giám đốc Võ Thị Hảo nhận xét. Đây là một trong những lý do giải thích vì sao, các đề tài và nhiệm vụ mà Sở KH&CN Lâm Đồng phụ trách “đều rất có ý nghĩa với nông nghiệp Lâm Đồng và hiệu quả sử dụng cao trên thực tế”, chị cho biết thêm.

Những kết nối chặt chẽ không chỉ diễn ra giữa những nhà quản lý khoa học tỉnh và nhà nghiên cứu mà còn giữa ngành KH&CN với các ngành khác, đặc biệt là nông nghiệp. Mối liên kết đó diễn ra với tâm thế hết sức cầu thị như giải thích của bà Võ Thị Hảo, “nông nghiệp cần vấn đề gì thì đặt hàng khoa học” mà khoa học khi lập hội đồng tuyển chọn để xác nhận đơn vị thực hiện “cũng phải sử dụng hội đồng của ngành nông nghiệp”. Câu chuyện thông đồng bén giọt trong kết nối giữa hai sở không phải bởi họ cùng được đặt tại một nơi - Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng với Sở NN&PTNT tầng 4 còn Sở KH&CN tầng 9 – mà còn là sự trao đổi giữa hai bên luôn diễn ra một cách thường trực. bà Võ Thị Hảo lấy ngay một ví dụ “nóng hổi” là “hôm qua (ngày 28/3), đồng chí trưởng phòng Quản lý khoa học Quản Hành Quân mới chuyển văn bản sang Sở NN&PTNT [với nội dung] là Sở KH&CN kỳ này tiếp nhận 7 nhiệm vụ liên quan đến ngành nông nghiệp, hai bên có thể cùng phối hợp triển khai, sau nữa là xem ngành nông nghiệp có đặt hàng trở lại nhiệm vụ gì không”. Ngay trong quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng về kế hoạch thực hiện nghị quyết của tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giao đoạn 2011-2015, 8/9 nhiệm vụ phát triển sản xuất rau hoa và cây đặc sản là trách nhiệm chung của hai sở.

Với những cây cầu được thiết lập một cách tự nhiên như thế, việc cùng nhau thực hiện một nhiệm vụ hay một đề tài khoa học đã trở thành chuyện bình thường và theo đánh giá của giám đốc Võ Thị Hảo, tất cả “đều có sự tham gia của các bên” và “khi kết hợp lại, giá trị và hiệu quả sử dụng của đề tài đều cao hơn so với việc mình tự thực hiện”.

Tối ưu các nguồn lực địa phương

Trong câu chuyện riêng của Lâm Đồng, người ta thấy bóng dáng của nhiều địa phương khác, đó là mức đầu tư cho khoa học vẫn còn ở mức khiêm tốn. Ông Quản Hành Quân, trưởng phòng Quản lý khoa học, cho biết, dù theo luật KH&CN năm 2013, ngân sách dành cho khoa học thường được đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhưng “lâu nay đầu tư của Lâm Đồng vẫn ở quanh mức 0,6%”. Ông phân tích, “với mức đầu tư này thì trung bình mỗi năm, Sở KH&CN Lâm Đồng có thể thực hiện được từ 12 đến 15 nhiệm vụ, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ dao động từ 400 triệu đến khoảng hơn một tỉ đồng”.

Với các nhiệm vụ khoa học mang tính ứng dụng như vậy, quả thực đây là một con số khiêm tốn. Vậy cách giải quyết của Lâm Đồng là gì? Đó là triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ và mô hình trình diễn công nghệ với sự tham gia của các doanh nghiệp, “khi tham gia, doanh nghiệp sẽ bỏ một phần vốn đối ứng”, ông Quản Hành Quân nói. Ví dụ, trong dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2020”, tổng kinh phí thực hiện từ ngân sách sự nghiệp KH&CN tỉnh là hơn 7,3 tỷ đồng và 21 tỷ đồng từ vốn đối ứng của doanh nghiệp. Giải thích về việc vì sao người Lâm Đồng lại chấp nhận bỏ những khoản tiền lớn đầu tư cho nông nghiệp, giám đốc Võ Thị Hảo cho rằng, đây là nét riêng có, “chắc không có nơi nào người ta dám đầu tư kinh phí cho nông nghiệp công nghệ cao như ở đây, đơn cử hiện giá cho 1 sào nhà kính, nhà màng trồng rau hoa không rẻ, ít nhất 170 triệu đồng trở lên nhưng người dân sẵn sàng thực hiện, họ không làm một cách tản mạn mà làm trên diện tích lớn…”

Việc bỏ vốn đối ứng cho ứng dụng KH&CN mới chỉ là một phần của câu chuyện. Với Lâm Đồng còn có một yêu cầu khác: khi nguồn vốn đầu tư càng hạn hẹp thì càng phải sử dụng chúng thật hiệu quả, điều đó nghĩa là, các hội đồng khoa học ngành cần tuyển chọn các đề tài, nhiệm vụ một cách chuẩn xác, “đáng đồng tiền bát gạo”. Đây thực sự là vấn đề khó, bởi trong bài viết “Nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh: Phương thức tuyển chọn chưa thực sự hiệu quả” trên Tia Sáng năm 2015 có nêu những hiện tượng tiêu cực của hội đồng tuyển chọn như không đủ nhân lực, năng lực và chất lượng… Thật may là với cách làm việc nghiêm túc, điều đó khó có thể xuất hiện ở Lâm Đồng, giám đốc Võ Thị Hảo cho biết, “mỗi hội đồng đều được thành lập với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu từng lĩnh vực thuộc các đơn vị như trường Đại học Đà Lạt, Viện KH Tây nguyên, Viện KH Lâm nghiệp Nam bộ, Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ, Viện Nghiên cứu Hạt nhân… Nhiều người còn ‘ngại’ hội đồng do Lâm Đồng thành lập hơn các hội đồng khác”. Thậm chí, theo ông Quản Hành Quân, có những nhiệm vụ “Sở KH&CN mời chuyên gia từ 7 đơn vị vào ngồi hội đồng tuyển chọn” nhằm đảm bảo tính công bằng trong đánh giá.

Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho các hội đồng làm việc một cách độc lập, Sở KH&CN sẽ chỉ cử đại diện tham gia, “bao giờ giám đốc và phó giám đốc theo từng mảng công việc phụ trách, ngồi ghế phó chứ không phải như nhiều nơi, cứ giám đốc phải là chủ tịch hội đồng. Nguyên tắc của chúng tôi là không can thiệp vào công việc hội đồng mà chỉ góp ý quy trình làm việc. Việc tuyển chọn không hình thức, rất khách quan và công bố kết quả ngay tại chỗ, mọi người đều biết vì sao đơn vị này được chọn mà đơn vị kia lại không ”, bà Võ Thị Hảo cho biết.

Do đó, chị tự tin khẳng định: “Tới giờ phút này, chúng tôi có thể khẳng định là cách làm [của chúng tôi] khác nơi khác, việc lập hội đồng và tiến hành tuyển chọn rất độc lập và khách quan”.

Câu chuyện tối ưu nguồn lực địa phương của Sở KH&CN Lâm Đồng còn nằm trong tư duy của những người lãnh đạo, những người đã mạnh dạn tiến hành các công việc phức tạp như lập các bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, phân bố cây trồng và đánh giá nước ngầm – những dữ liệu tối quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp tỉnh trong việc xác định các tiểu vùng sinh thái, các đặc điểm thổ nhưỡng, tiềm năng cây trồng, nước phục vụ tưới tiêu… Do đây là những công việc tốn kém, mất nhiều công sức và thời gian nên “chúng tôi đã thực hiện theo cách làm ‘cuốn chiếu’ theo từng huyện, kinh phí mỗi năm chỉ có đầy 1 tỷ/huyện, làm đến đâu gọn đến đó vì đâu có kinh phí làm đồng loạt. Sau 10 năm mới xong 12 đơn vị hành chính”, bà Võ Thị Hảo chia sẻ. Và ngay cả với những công việc điều tra cơ bản triển khai từ 10 năm trước thì nguyên tắc của sở vẫn không thay đổi: mời nhiều bên, nhiều ngành tham gia, không chỉ chính quyền cấp huyện, cấp xã mà còn các đơn vị như Viện Nông hóa thổ nhưỡng, Đoàn Địa chất thủy văn công trình 707, Viện Nghiên cứu Hạt nhân… “Dù khó thì chúng tôi cũng phải làm. Nếu không có được các bản đồ đó thì chúng tôi khó có thể có diện mạo các vùng sinh thái như hôm nay”, giám đốc Võ Thị Hảo đánh giá.

Nguồn: khoahocphattrien.vn

Số lượt đọc: 4360

Về trang trước Về đầu trang