Tin KHCN trong nước
Phát triển Hoạt động KH&CN tại các Viện nghiên cứu và Trường đại học quốc tế – Kinh nghiệm từ các quốc gia trong Khu vực (05/04/2019)
-   +   A-   A+   In  

Người học, người dạy, người nghiên cứu là trung tâm của Trường, triển khai mô hình hỗ trợ hiệu quả cho các “Techno Producer”, tạo ra số lượng lớn các sản phẩm nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ dựa trên quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp… là những kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực để phát triển hoạt động Khoa học và Công nghệ (KH&CN).

Các kinh nghiệm này được chia sẻ tại Hội thảo quốc tế "Phát triển hoạt động khoa học và công nghệ tại các viện nghiên cứu và trường đại học quốc tế – Kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực” được tổ chức tại Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN diễn ra giữa tháng 3 vừa qua.

Hội thảo được đồng tổ chức bởi Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN (ĐHVN); Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu Châu Á, ĐHQGHN (ARC); Trường Đại học Kỹ thuật Malaysia (Universiti Teknologi Malaysia) và Trường Đại học Ritsumeikan. Mục tiêu của hội thảo là: Chia sẻ kinh nghiệm phát triển các hoạt động khoa học công nghệ, nhất là các hoạt động R&D; Thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp; Phát triển mạng lưới và tăng cường hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu quốc tế trong khu vực.

Hoạt động Khoa học và Công nghệ từ góc nhìn của trường đại học định hướng nghiên cứu

Khai trường năm 2016 với các hoạt động đào tạo và nghiên cứu chú trọng vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến và khoa học liên ngành, Trường ĐHVN nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ Việt Nam và Nhật Bản, Đại học Quốc gia Hà Nội và các Trường ĐH đối tác Nhật Bản. Mỗi chương trình đào tạo và nghiên cứu đang triển khai tại Trường được cùng xây dựng và vận hành với ít nhất 1 đối tác là trường ĐH đồng điều phối danh tiếng ở Nhật Bản: Trường ĐH Tokyo, Trường ĐH Osaka, Trường ĐH Tsukuba, Trường ĐH quốc lập Yokohama, Trường ĐH Ritsumeikan, Trường ĐH Waseda, Trường ĐH Ibaraki.

Là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường ĐHVN, GS. Furuta Motoo (nguyên Phó giám đốc thường trực Đại học Tokyo) đồng thời là Chủ tịch Hội Nhật Bản nghiên cứu Đông Nam Á, Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam. Qua nhiều năm nghiên cứu lịch sử Việt Nam, GS. Furuta Motoo là chuyên gia hàng đầu thế giới về lịch sử hiện đại và chính trị Việt Nam với công trình tiêu biểu “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam – Những chứng tích lịch sử” đồng chủ biên cùng GS. Văn Tạo đã được Giải thưởng nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2010. Ông cũng đã được nhận bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2003 và cũng là người có đóng góp cơ bản cho việc thúc đẩy ý tưởng thành lập Trường ĐHVN.

Chia sẻ về Trường ĐHVN - trường ĐH định hướng theo Mô hình ĐH nghiên cứu, GS. Furuta Motoo cho biết: Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản cùng hợp tác để tạo nên một ngôi trường mang lại những giá trị mới cho thế giới, trên cơ sở hợp tác song hành giữa một Nhật Bản phát triển cùng với một Việt Nam sôi động - một quốc gia phát triển mạnh mẽ cả về chính trị, kinh tế, xã hội trong những năm qua. 

Các hoạt động của Trường đều hướng đến mục tiêu chung là thúc đẩy sự phát triển bền vững của mỗi thực thể trong xã hội, mỗi quốc gia hay xã hội loài người nói chung. Trường ĐHVN nghiên cứu và phát triển lĩnh vực 1 lĩnh vực khoa học mới là Khoa học bền vững để thúc đẩy sự phát triển bền vững ấy. Trong đào tạo, Trường phát huy triết lý Giáo dục khai phóng để đào tạo nguồn nhân lực phù hợp thích ứng được với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại. 

Người học, người dạy, người nghiên cứu là trung tâm của Trường

TS. Nguyễn Hoàng Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHVN cho biết người học, người dạy, người nghiên cứu được đặt ở trung tâm trong các hoạt động của Trường. Tất cả các chương trình đào tạo của Trường đều đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo chất lượng đào tạo và thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu của học viên là một trong những biện pháp căn cốt để học viên tự đào tạo mình và có định hướng phát triển bản thân tốt sau tốt nghiệp. 

Trường ĐHVN không chỉ đào tạo theo chương trình đào tạo được ban hành mà còn tổ chức rất nhiều các hoạt động ngoại khóa như bài giảng đặc biệt, bài giảng khách mời với diễn giả là các nhà khoa học nổi tiếng, các chính trị gia và doanh nhân trên khắp thế giới hoặc đưa học viên đi thực tập tại các trường, viện, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đặc biệt học viên của VJU có cơ hội được đi thực tập tại Nhật Bản với học bổng toàn phần từ 1 đến 4 tháng.

Trường cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho các bạn học viên được tham gia trực tiếp vào các đề tài, dự án nghiên cứu của các GS Nhật Bản và Việt Nam làm việc tại VJU hoặc tại các ĐH đối tác của VJU.

Thời lượng dành cho luận văn Thạc sĩ chiếm tỉ trọng cao trong mỗi chương trình đào tạo tại trường. Yêu cầu đối với luận văn Thạc sĩ tại VJU tương đương với yêu cầu của các ĐH đối tác danh giá ở Nhật Bản. 

Ngoài ra, hàng năm Trường cấp cho học viên một số đề tài nghiên cứu dạng “seeding” để các bạn khởi động các hoạt động nghiên cứu của mình.

Hợp tác phát triển hoạt động khoa học – công nghệ với Nhật Bản và Malaysia

Đến từ Viện Công nghệ Quốc tế Malaysia – Nhật Bản (MJIIT), Trường ĐH Công nghệ Malaysia, một đơn vị hợp tác giữa Malaysia và Nhật Bản để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, GS. Ali Selamat đã có nhiều chia sẻ về mô hình phát triển cũng như góc nhìn về một ASEAN gắn kết, cùng nhau phát triển các hoạt động khoa học công nghệ.

GS. Ali Selamat chia sẻ, MJIIT được thành lập từ năm 2010, là một thành viên của Trường ĐH Công nghệ Malaysia (UTM). MJIIT được định hướng phát triển dựa trên sự kết hợp của nền giáo dục Malaysia cùng với các hướng nghiên cứu tiên tiến từ nền giáo dục Nhật Bản. 

Dù quá trình phát triển chưa dài, MJIIT đã thành lập được 20 phòng thí nghiệm với các trang thiết bị hiện đại, cung cấp môi trường học tập và nghiên cứu tốt cho sinh viên. Tại đây, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia, GS Nhật Bản và Malaysia, sinh viên lĩnh hội được kiến thức tổng hợp và hiểu được mình cần phải trau dồi thêm điều gì cho sự phát triển của bản thân.  

Đến với Hội thảo lần này, GS. Ali Selamat hy vọng rằng từ những góc nhìn về phát triển khoa học công nghệ khác nhau tại các trường đại học và viện nghiên cứu tham dự, sẽ có thêm nhiều mô hình phát triển được triển khai. Bên cạnh đó, GS hy vọng trong cộng đồng các nước ASEAN sẽ có thêm sự tăng cường trao đổi để cùng phát triển. 

Trường ĐH Ritsumeikan, một trong 3 trường ĐH tư thục hàng đầu Nhật Bản về chất lượng đào tạo và nghiên cứu. GS. Yoshihiko NAKATANI, Phó giám đốc điều hành, Ban Chiến lược Hợp tác Nghiên cứu thuộc Trường ĐH Ritsumeikan cho biết, Trường hiện nay đang triển khai mô hình hỗ trợ hiệu quả cho các “Techno Producer” (nhà nghiên cứu và phát triển công nghệ), tạo ra số lượng lớn các sản phẩm nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ dựa trên quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp. 

Rất nhiều ý kiến tham luận đã được trao đổi và chia sẻ tại Hội thảo từ các nhà khoa học đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu như Đại học Ritsumeikan (Nhật Bản), Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại sứ của Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) tại Hà Nội. Với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, sự kết nối giữa các nhà khoa học đến từ những khu vực, quốc gia khác nhau với những góc nhìn đa chiều sẽ giúp gắn kết và tạo nên sự phát triển bền vững cho xã hội.  

Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn

Số lượt đọc: 4819

Về trang trước Về đầu trang