3 nội dung chính được nhóm nghiên cứu triển khai trong đề tài gồm: kỹ thuật tuyển chọn ốc bố mẹ; kỹ thuật nuôi vỗ, kích thích ốc đụn cái sinh sản và biện pháp ương nuôi ấu trùng lên ốc giống.
Trong thời gian từ tháng 7/2017 đến tháng 2/2019, nhóm tác giả đã triển khai 5 đợt thu mẫu với 2.640 cá thể bố mẹ được tuyển chọn phục vụ nghiên cứu. Ở giai đoạn này, thức ăn được lựa chọn là tảo đáy kết hợp với các loài rong biển. Qua nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ ốc bố mẹ tham gia sinh sản cao nhất qua việc kết hợp 3 phương pháp: phơi khô, kích nhiệt và chiếu đèn cực tím (đạt 80,5%).
Các thí nghiệm nhằm nghiên cứu biện pháp ấp trứng ốc đụn cái chỉ ra rằng, về nhiệt độ, tỷ lệ nở của trứng ra ấu trùng cao nhất (90%) ở ngưỡng nhiệt độ 28-300C; ấp trứng ở độ mặn 32‰ cho kết quả tỷ lệ nở trung bình cao nhất là 88,89%.
Kỹ thuật ương nuôi ấu trùng lên ốc giống liên quan đến tỉ lệ thức ăn, mật độ. Trong đó, công thức thức ăn tối ưu là 50% thức ăn tảo khô + 50% thức ăn tươi hoặc 100% thức ăn khô. Bên cạnh đó, đề tài cũng lựa chọn mật độ 10 ấu trùng/ml để đưa vào quy trình nghiên cứu. Số ốc thí nghiệm này sau khi tiến hành thả, mật độ trung bình tăng từ 24 cá thể lên 57,33 cá thể/500m2. Qua đó, nhóm tác giả đã đề xuất quy trình sinh sản nhân tạo ốc đụn cái tại Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ nhằm bảo tồn, phục hồi nguồn lợi thủy hải sản địa phương.