Tin KHCN trong nước
Doanh nghiệp khoa học và công nghệ nhận nhiều ưu đãi mới (15/03/2019)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 20-3 này, Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp (DN) khoa học và công nghệ (KH-CN) sẽ có hiệu lực. Nhiều cơ hội mới cho DN KH-CN phát triển với hàng loạt chính sách ưu đãi như miễn/giảm thuế thu nhập DN, ưu đãi tín dụng, miễn/giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước…

Đơn giản hóa thủ tục thành lập DN KH-CN

Nghị định 13 ra đời thay thế cho Nghị định 80/2007/NĐ-CP vốn được xem là còn nhiều bất cập trước đây. Ra đời từ năm 2007, Nghị định 80 về DN KH-CN vốn dựa trên cơ sở Luật KH-CN năm 2000, trong bối cảnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) khi đó chưa thực sự được các DN coi trọng. Nghị định 80 có mục đích chủ yếu là hỗ trợ việc hình thành mạng lưới DN KH-CN từ các viện, trường, qua đó đẩy nhanh quá trình thương mại hóa các kết quả nghiên cứu từ những tổ chức công lập này.

Theo thống kê của Cục Phát triển thị trường và DN KH-CN (NATEC, thuộc Bộ KH-CN), tính đến đầu năm 2019, cả nước có khoảng 3.000 DN có đủ điều kiện để được coi là DN KH-CN, nhưng chỉ có trên 400 DN được cấp chứng nhận DN KH-CN. Theo ông Trần Xuân Đích, Phó cục trưởng NATEC, điều đó cho thấy, trước đây các DN có thể không mong muốn đăng ký trở thành DN KH-CN do ưu đãi chưa thực sự hấp dẫn hoặc do thủ tục quá rườm rà.

Về cơ bản, Nghị định 13 không thay đổi quá nhiều so với Nghị định 80 nhưng đã tạo điều kiện để giải quyết tốt hơn việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập DN KH-CN. Một số chính sách ưu đãi của Nhà nước cũng đã được quy định mạch lạc, rõ ràng và dễ đáp ứng cho DN hơn so với trước đây.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những vướng mắc đòi hỏi phải được điều chỉnh ở các văn bản quy định cao hơn (như Luật Thuế, Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước…) mà Bộ KH-CN và các cơ quan quản lý liên quan sẽ tiếp tục phải đề xuất và hoàn thiện trong quá trình sửa đổi hệ thống các văn bản luật.

Theo đại diện của NATEC (đơn vị thay mặt Bộ KH-CN xây dựng dự thảo Nghị định 13), trước đây, các tổ chức muốn đăng ký thành lập DN KH-CN phải thuộc một trong 7 lĩnh vực được quy định, phải có các kết quả KH-CN thường được hình thành từ các nhiệm vụ KH-CN, nhận chuyển giao hoặc nhập khẩu công nghệ và đồng thời phải giải trình quá trình làm chủ kết quả KH-CN. Nhưng trên thực tế, có khá nhiều DN tư nhân tự đầu tư KH-CN để ứng dụng theo nhu cầu tự thân mà không phải lúc nào cũng thuận tiện đăng ký sở hữu trí tuệ, do đó những đối tượng này khó có thể cung cấp bằng chứng về quyền sở hữu và quyền sử dụng hợp pháp kết quả của mình.

Bên cạnh đó, theo quy định cũ, để DN sau khi chứng nhận được hưởng các ưu đãi thuế thì cần có tỷ lệ doanh thu sản phẩm, hàng hóa hình thành từ kết quả KH-CN trong năm thứ nhất (năm bắt đầu có thu nhập chịu thuế) đạt tối thiểu 30% tổng doanh thu, năm thứ hai tối thiểu 50% và từ năm thứ ba trở đi đạt 70% trở lên. Điều này rất khó thực hiện bởi phần lớn các DN KH-CN đều nhỏ lẻ, tiềm lực chưa cao, hoặc kinh doanh đa ngành nghề mà sản phẩm KH-CN không đưa lại doanh thu chủ lực.

Mọi lĩnh vực đều có thể hưởng ưu đãi

Khắc phục những vấn đề trên, Nghị định 13 sẽ tạo thuận lợi hơn bằng việc cho phép DN thuộc mọi lĩnh vực đều có thể đăng ký và hưởng ưu đãi. Để chứng minh kết quả KH-CN, bên cạnh những sản phẩm KH-CN đã được cấp giấy tờ chứng minh rõ ràng (như các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giống cây trồng vật nuôi; chứng nhận chuyển giao hoặc nhập khẩu công nghệ...) thì DN tự đầu tư và phát triển công nghệ của mình có thể thực hiện theo Thông tư 02/2015 để đề nghị các sở KH-CN tổ chức hội đồng đánh giá kết quả, sản phẩm KH-CN không sử dụng ngân sách nhà nước làm bằng chứng hồ sơ.

Điểm nổi bật thứ hai trong Nghị định 13 là điều kiện hưởng ưu đãi thuế: chỉ cần tối thiểu 30% doanh thu hàng năm từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH-CN (ngoại trừ các DN mới thành lập dưới 5 năm). So với điều kiện 70% doanh thu trước đây thì con số mới này được coi là “khả thi” và phù hợp hơn rất nhiều. Các DN KH-CN sẽ được miễn thuế thu nhập trong 4 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Những điều kiện chứng nhận và ưu đãi thuế nêu trên cho phép DN vừa linh động xác lập mục tiêu kinh doanh sản phẩm KH-CN theo năng lực và biến động thị trường (nhưng vẫn cần đáp ứng mức tối thiểu 30% doanh thu), vừa có động cơ mở rộng đầu tư vào KH-CN để thu được lợi ích thuế cao hơn trên phần doanh thu sản phẩm KH-CN được ưu đãi. Các thay đổi này được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hơn nữa sự tham gia của khu vực tư nhân vào hoạt động nghiên cứu và phát triển KH-CN.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho biết, Nghị định 13 đã thể chế hóa được định hướng của Quốc hội và Chính phủ coi DN là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, với hàng loạt các giải pháp quan trọng như đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đăng ký công nhận DN KH-CN, chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm trong việc đánh giá hồ sơ đăng ký, cụ thể hóa quy trình thủ tục tiếp cận chính sách ưu đãi, khuyến khích DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đăng ký công nhận DN KH-CN...

Tại hội nghị triển khai công tác ngành KH-CN năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam từng nhấn mạnh rằng, mặc dù KH-CN được xác định là động lực phát triển tương lai của Việt Nam nhưng vẫn rất nhiều khu vực, địa phương chưa thực sự coi đó là quốc sách; vì vậy trong thời gian tới, các sở KH-CN từng địa phương sẽ càng phải nỗ lực khẳng định vai trò quan trọng của mình, trong đó có công tác chuyên môn để hỗ trợ DN… Cho nên có thể nói, Nghị định 13 đã tiếp tục thêm những điều mới mẻ và rộng rãi hơn để thúc đẩy DN KH-CN phát triển, tạo động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội.

 

Nguồn: sggp.org.vn

Số lượt đọc: 3936

Về trang trước Về đầu trang