Tin KHCN trong nước
Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam xây dựng Biểu tượng chỉ dẫn địa lý quốc gia (25/02/2019)
-   +   A-   A+   In  

Việt Nam chưa có Biểu tượng chỉ dẫn địa lý quốc gia. Đây là những vấn đề mà Việt Nam cần giải quyết trong thời gian tới để đảm bảo vai trò của chỉ dẫn địa lý nhằm thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.

Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ đã khẳng định như vậy tại buổi làm việc với Đoàn chuyên gia Hiệp hội Xúc tiến Sáng chế Hàn Quốc (KIPA) tối ngày 23/02/2019 tại Hà Nội trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng biểu tượng chỉ dẫn địa lý quốc gia” đã và đang triển khai.

Theo Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ, Việt Nam có thế mạnh về sản xuất các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt 31 tỷ đôla và ước đạt 40 tỷ đôla trong năm 2018. Để đảm bảo phát triển bền vững và mở rộng thị trường hơn nữa cho các sản phẩm này, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao và phát huy vai trò của chỉ dẫn địa lý.

Tính đến hết năm 2018, đã có 63 sản phẩm của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Để tăng cường phối hợp trong công tác này, ngày 08/8/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã ký kết Quy chế phối hợp về xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý.

Tuy vậy, công tác quản lý và quảng bá về chỉ dẫn địa lý của Việt Nam còn gặp một số vấn đề như số lượng chỉ dẫn địa lý còn ít, đặc biệt là chưa có Biểu tượng chỉ dẫn địa lý quốc gia. Đây là những vấn đề mà Việt Nam cần giải quyết trong thời gian tới để đảm bảo vai trò của chỉ dẫn địa lý nhằm thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, giúp các sản phẩm này được khai thác và quảng bá trên cả các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Với quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam - Hàn Quốc nói chung và giữa các Cơ quan Sở hữu trí tuệ của hai nước nói riêng, lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị KIPA hỗ trợ xây dựng Biểu tượng chỉ dẫn địa lý quốc gia bởi hiện nay, Biểu tượng chỉ dẫn địa lý quốc gia sẽ là cơ sở để người tiêu dùng xác định nguồn gốc các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, là phương tiện hỗ trợ các nhà quản lý trong việc quản lý, giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cũng là công cụ quảng bá, thương mại hóa các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bà Won Huiae - Trưởng đoàn KIPA khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Cục Sở hữu trí tuệ xây dựng và triển khai Dự án “Xây dựng logo chỉ dẫn địa lý quốc gia”. KIPA sẽ làm việc chi tiết với các đơn vị chức năng của Cục và các Bộ, ngành để có đủ cơ sở đánh giá về sự cần thiết, bối cảnh, cơ sở pháp lý và tiến trình để xây dựng Dự án trình Chỉnh phủ Hàn Quốc hỗ trợ và tổ chức triển khai.

Trước đó, KIPA đã hỗ trợ cho Việt Nam một số Dự án phát triển tài sản trí tuệ như Dự án “Hỗ trợ phát triển các sản phẩm lụa Quảng Nam” và Dự án “Phát triển công nghệ xử lý nước thải tại Công ty Busadco của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”./.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 4436

Về trang trước Về đầu trang