Tin KHCN trong nước
Dây chuyền xử lý phân gà vi sinh đầu tiên tại Việt Nam (23/11/2018)
-   +   A-   A+   In  

Nhóm tác giả ThS. Đào Vĩnh Hưng, ThS. Nguyễn Trọng Minh Khiêm (Phòng nghiên cứu máy và thiết bị nông nghiệp - Phân viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch) vừa thành công trong việc thiết kế chế tạo dây chuyền xử lý phân gà vi sinh

Đây là phương pháp hiện đại và là mô hình đầu tiên do Việt Nam sản xuất (đầu tháng 5/2018), năng suất xử lý 14 tấn phân tươi/ngày giúp tạo ra môi trường thuận lợi cho hệ thống vi sinh phân hủy các hợp chất hữu cơ trong phân, tăng cường lượng vi khuẩn có lợi, tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn có hại.

 

Xuất từ thực tế hiện nay, việc chăn nuôi gia cầm tồn tại nhiều qui mô khác nhau, các qui mô vừa và lớn trên 100.000 gia cầm hàng ngày thải ra môi trường hàng tấn phân (0,2 - 0,3 kg/con/ngày) nhưng gần như chưa có biện pháp pháp xử lý, do đó tồn tại nhiều vấn đề ảnh hưởng về khoa học, kinh tế,  môi trường, y tế. 

 

Hiện nay, đã có một số đơn vị sản xuất phân bón thu mua phân gà và xử lý phân bằng phương pháp vắt khô bằng trục vít và sấy khô bằng máy sấy thùng quay hoặc băng tải. Tuy nhiên, cách làm này gặp phải các vấn đề do việc sấy phân ở nhiệt độ 140 - 2000C đã làm tất cả hệ thống vi khuẩn có lợi và hại trên phân chết (với nhiệt độ trên 800C, các vi khuẩn có lợi đã chết). Hơn nữa, việc sấy phân không giúp hợp chất hữu cơ trong phân không được phân hủy và chuyển hóa mà chủ yếu được làm khô.

 

Về vấn đề khoa học, nếu dùng phân hữu cơ tươi bón trực tiếp cho cây trồng lại gây ra nhiều vấn đề như: cây có khả năng bị ngộ độc hữu cơ, bị héo do trong phân tươi còn chứa các thành phần amoniac; cây dễ bị nhiễm các loại bệnh vì phân chưa xử lý có chứa rất nhiều thành phần nấm có hại.

 

Từ những vấn đề thực tế trên, nhóm đã bắt tay vào công trình nghiên cứu và chế tạo thành công hệ thống máy làm phân vi sinh bằng phương pháp ủ phân để làm phân vi sinh trên cả qui mô lớn và nhỏ.

 

Đại diện nhóm tác giả, ThS. Đào Vĩnh Hưng cho biết, qui trình ủ phân theo các bước gồm: phân tươi được phối trộn thêm các phụ phẩm nông nghiệp như vỏ trấu nghiền nhỏ, rơm nghiền nhỏ theo một tỉ lệ nhất định. Sau đó hỗn hợp tiếp tục được trộn thêm vôi (có thể thêm lân, rỉ đường và một số loại vi sinh thực hiện các chức năng khác nhau). Thời gian ủ diễn ra 5 - 7 ngày, phân đầu vào độ ẩm 70 - 80%, sau khi xử lý độ ẩm còn 20 - 25%.

 

Dây chuyền xử lý phân vi sinh gồm các bộ phân chính như sau: hệ thống phễu và  trục vít định lượng để định số lượng chính xác các thành phần phối trộn. Máy trộn có kiểu trộn liên tục có nhiệm vụ trộn đều các thành phần với nhau và hệ thống đảo trộn phân.

 

Theo đó, sau khi phân được trộn đều với các thành phần phụ gia và phụ phẩm nông nghiệp, phân được đưa tới buồng ủ. Chiều cao lớp phân ủ cao 0,8 - 1m, chiều dài buồng ủ dài từ 80 - 100m. Máy đảo phân hoạt động theo nguyên lý như máy phay đất. Máy được thiết kế theo kiểu dáng công nghiệp, có mức độ tự động hóa cao, có thể điều chỉnh được tốc độ di chuyển, vận tốc trục, tự động đảo chiều và hoạt động 24/24. Nhiệm vụ của máy đảo tạo ra môi trường thông thoáng cho hệ thống vi khuẩn sống và phát triển. Khi đó vi khuẩn sẽ phân hủy các hợp chất hữu cơ và sinh nhiệt làm cho nước bay hơi dẫn đến độ ẩm của phân giảm. Nhiệt độ ủ nằm trong khoảng 60 - 800C.

 

Hiện máy đang được ứng dụng tại trại gà Đồng Tâm (Trảng Bom – Đồng Nai), chủ sở hữu là công ty CTBIO Việt Nam (Khu công nghệ cao, quận 9, TP.HCM).

 

Đánh giá tính hiệu quả của hệ thống, ThS. Hưng cho biết thêm, công trình nghiên cứu đã đem lại hiệu quả vô cùng to lớn về nhiều mặt đời sống xã hội khi đã giải quyết tận gốc vấn đề môi trường do các trang trại gây ra; giúp cải thiện sức khỏe của người dân. Phân sau xử lý là phân chất lượng đạt tiêu chuẩn về số lượng vi sinh, giúp tăng năng suất trong trồng trọt, tăng sức đề kháng, giảm trừ sâu bệnh, giảm việc sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, dẫn đến bảo vệ sức khỏe và môi trường, tạo ra một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Giá thành xử lý phân cũng được tăng cao nhiều lần so với phân chưa xử lý. Cụ thể phân sau xử lý bán sỉ khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg, bán lẻ 7.000 đồng/kg. Do đó, ngoài lợi nhuận thu được từ chăn nuôi, từ việc không bị phạt do gây ô nhiễm môi trường … các chủ trang trại và người đầu tư hệ thống còn được thu lợi nhuận từ phân đã qua xử lý.

 

Về hướng nghiên cứu tiếp theo trong thời gian tới, nhóm dự định sẽ tiếp tục hoàn thiện các thiết bị với mức tự động hóa cao hơn, giảm tối đa chi phí và mức độ sử dụng năng lượng; tạo ra môi trường xanh sạch theo hướng phát triển bền vững. Phối hợp tốt với đội ngũ nghiên cứu để tạo ra các chủng loại vi sinh có tốc độ phân hủy mạnh để rút ngắn thời gian xử lý.

Nguồn: khoahocphothong.com.vn

Số lượt đọc: 2768

Về trang trước Về đầu trang