Tin KHCN nước ngoài
Robot bọ rùa trị giá triệu đô giúp giám sát sức khỏe cây trồng (28/11/2018)
-   +   A-   A+   In  
Robot sử dụng năng lượng mặt trời sẽ di chuyển dọc theo từng luống để thu thập một loạt các dữ liệu về sức khỏe cây trồng bằng một công nghệ cảm biến vô cùng tinh vi

Thông thường thì nông dân theo dõi tình trạng cây trồng bằng cách thủ công nên tốn rất nhiều thì giờ và đòi hỏi nhiều công sức lao động, chưa kể đến việc do quan sát bằng mắt thường nên tính chính xác không cao. Trong khi đó, việc theo dõi sức khỏe cây trồng là một yếu tố quan trọng trong công việc canh tác.

 

Vì vậy mới đây, Alex Wendel, một nhà nghiên cứu tại Australia, cùng với một cộng sự, đã thiết kế thành công một robot để thay thế sức người trong công việc này.

 

Có tổng kinh phí 1 triệu đô, nguyên mẫu này là một thiết bị tự động, sử dụng năng lượng mặt trời và được định vị bằng vệ tinh, sẽ di chuyển dọc theo từng luống để thu thập một loạt các dữ liệu về sức khỏe cây trồng bằng một công nghệ cảm biến vô cùng tinh vi.

 

Do có hai tấm pin năng lượng gắn theo bản lề trên hai bên lưng có thể nâng lên hạ xuống để đón nhận ánh nắng mặt trời theo hướng tối ưu, giống như cặp cánh, lại có dáng khum khum nên robot được đặt tên một cách dí dỏm là Ladybird (Con bọ rùa).

 

Người cộng sự của Alex Wendel đang theo dõi Ladybird vận hành

 

Viện Nghiên cứu và Phát triển Nam Úc SARDI, Trung tâm Robotics của Đại học Sydney đã cùng Wendel tiến hành thu hoạch mùa màng trên cánh đồng lần đầu tiên được 'chăm sóc sức khỏe' bởi một robot.

 

Trước đó, Ladybird đã được thực hiện một loạt các cuộc thử nghiệm tại nhiều nơi ở miền bắc nhằm so sánh độ chính xác của robot với các nhà nghiên cứu, những người cũng đang thu thập các thông tin tương tự. Các cơ quan về an toàn sinh học cho cây trồng là CRC và GRDC cũng tham gia thử nghiệm.

 

Kết quả, tất cả các thử nghiệm đều cho thấy Ladybird có thể thu thập được một lượng lớn dữ liệu chính xác và nhanh chóng hơn chỉ trong một lần kiểm tra thực địa duy nhất kể cả trong điều kiện thời tiết khô ráo hay ẩm ướt, và vẫn di chuyển tới lui một cách nhẹ nhàng êm ái với vận tốc khoảng 5 km/giờ.

 

Theo đánh giá, một khi được sản xuất đại trà, Ladybird sẽ mang lại một tiềm năng lớn cho ngành nông nghiệp do giảm được công sức lao động, nhưng lại tăng được độ chính xác về dữ liệu sức khỏe cây trồng.

Nguồn: vista.gov.vn

Số lượt đọc: 1932

Về trang trước Về đầu trang