Tin KHCN nước ngoài
Công nghệ quét mắt giúp chẩn đoán sớm bệnh Parkinson (21/11/2018)
-   +   A-   A+   In  
Chẩn đoán bệnh Parkinson đang là một thách thức đối với các bác sĩ. Những biện pháp kiểm tra thần kinh phức tạp có thể giúp nhận biết căn bệnh này sau khi các triệu chứng xuất hiện. Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh sớm là rất quan trọng để chiến đấu tốt hơn với hiện tượng thoái hóa thần kinh

Một loạt nghiên cứu hiện nay đang tập trung tìm kiếm một dấu ấn sinh học (biomarker) hiệu quả và đáng tin cậy để giúp chẩn đoán bệnh Parkinson. Xét nghiệm máu, kiểm tra khứu giác và phân tích nước mắt đều là các giải pháp tiềm năng, hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh trong những giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) phát hiện đôi mắt có thể tiết lộ những dấu hiệu rõ ràng về sự khởi phát của bệnh Parkinson.

 

Các nhà khoa học nhận thấy, sự biến mất các tế bào não sản xuất dopamine [đặc điểm chính của bệnh Parkinson] dẫn đến sự thưa thớt dần các tế bào thần kinh tại những lớp bên trong của võng mạc. Để khám phá mối tương quan này, nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn 49 người gần đây được chẩn đoán là mắc bệnh Parkinson nhưng chưa bắt đầu dùng thuốc. Họ được so sánh với một nhóm kiểm soát khỏe mạnh – những người ở cùng độ tuổi nhưng không mắc bệnh.

 

Nhóm nghiên cứu tiến hành quét mắt với độ phân giải cao trên tất cả những người tham gia. Họ phát hiện những người mắc bệnh Parkinson có các lớp võng mạc mỏng hơn so với đối tượng khỏe mạnh. Mức độ mỏng của võng mạc có liên quan trực tiếp đến mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Neurology.

 

“Chúng tôi nhận thấy võng mạc càng mỏng thì mức độ nghiêm trọng của bệnh Parkinson càng lớn. Trong tương lai, các nhà thần kinh học có thể sử dụng phương pháp quét mắt đơn giản để phát hiện bệnh Parkinson trong những giai đoạn sớm nhất, trước khi xuất hiện các vấn đề nghiệm trọng về cử động, thăng bằng và kiểm soát cơ của bệnh nhân”, Jee-Young Lee, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.

 

Nghiên cứu này đã bổ sung thêm nhiều chứng cứ thuyết phục cho thấy một số bệnh thoái hóa thần kinh như Parkinson, Alzheimer, có thể được phát hiện thông qua biện pháp kiểm tra mắt đơn giản.

 

Các nhà khoa học dự kiến sẽ tiến hành xác minh kết quả trong một nhóm người lớn hơn và theo dõi các đối tượng trong một thời gian dài hơn. Họ hy vọng rằng, công nghệ quét mắt không chỉ giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh Parkinson, nó còn giúp đánh giá dễ dàng mức độ hiệu quả của các phương pháp điều trị Parkinson trong tương lai.

 

Bệnh Parkinsonthường gặp ở người lớn tuổi, chỉ 10% trường hợp khởi phát bệnh ở độ tuổi dưới 40. Tỷ lệ phát hiện bệnh Parkinson trong giới trẻ ngày càng gia tăng. Thống kê hiện nay trên thế giới có khoảng 6,3 triệu người mắc bệnh Parkinson

Nguồn: khoahocphattrien.vn

Số lượt đọc: 2475

Về trang trước Về đầu trang