Tin KHCN nước ngoài
Tụy nhân tạo thông minh, tương lai cho bệnh nhân tiểu đường (07/12/2018)
-   +   A-   A+   In  
Với thiết bị mới này, bệnh nhân tiểu đường loại 1 sẽ thoát khỏi chiếc ống tiêm, thoát khỏi mọi lo lắng về mức độ insulin gây ra nguy cơ hạ đường huyết

Diabeloop, một công ty khởi nghiệp của Pháp sắp đưa ra thị trường tuyến tụy nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Trong buổi ra mắt trước giới truyền thông mới đây, ông Erik Huneker, người sáng lập Diabeloop, cho biết thiết bị được thiết kế dành cho bệnh nhân tiểu đường loại 1 và hiện đã được châu Âu cấp chứng nhận CE. Đây là chứng nhận dành cho các sản phẩm thích hợp cho sức khỏe, an toàn và thân thiện với môi trường.

 

Toàn bộ tuyến tụy nhân tạo DBLG1, bao gồm máy bơm tự động điều chỉnh mức độ insulin, bộ cảm biến theo dõi đường máu và hệ điều hành bỏ túi chỉ nhỏ như một chiếc điện thoại

 

 

Được biết chỉ riêng tại Pháp, có tới 10 % bệnh nhân tiểu đường loại 1 trong tổng số những bệnh nhân tiểu đường, tức vào khoảng 300.000 người. Với thiết bị mới này, từ nay những người này sẽ thoát khỏi chiếc ống tiêm, thoát khỏi mọi lo lắng về mức độ insulin gây ra nguy cơ hạ đường huyết có thể dẫn tới hôn mê hoặc các nguy cơ biến chứng nghiêm trọng lâu dài.

 

Thiết bị có tên "Hệ thống DBLG1", bao gồm một máy bơm chỉ nhỏ như hộp diêm quẹt nhưng mỏng hơn dán trên cánh tay và một bộ cảm biến được đặt tại khoang bụng.

 

Thông qua kết nối Bluetooth, thông tin về đường máu được truyền đến phần thứ ba của tuyến tụy nhân tạo, nằm trong túi của bệnh nhân. Đây là một chiếc điện thoại thông minh tinh vi và được cá nhân hóa, có nhiệm vụ phân tích các thông tin từ cảm biến bằng các thuật toán phức tạp có tính đến các thông số khác nhau (trọng lượng của bệnh nhân, tác động của tốc độ insulin...) và lượng đường trong máu để máy bơm tự động điều chỉnh liều insulin cần thiết.

 

Thiết bị vô cùng đơn giản, chỉ cần gắn lên cơ thể và bỏ vào túi hệ điều hành

 

 

Trong thực nghiệm lâm sàng trên 36 bệnh nhân tiểu đường loại 1 ở 9 trung tâm y tế khác nhau tại Pháp cùng 60 bệnh nhân khác bên ngoài bệnh viện, DBLG1 đã chứng minh hiệu quả xuất sắc. GS. Eric Renard, điều phối viên của Khoa Nội tiết, Tiểu đường và Dinh dưỡng tại Bệnh viện Đại học Montpellier cho biết, các cuộc thực nghiệm này nhằm để bảo đảm rằng mọi bệnh nhân đều biết làm thế nào để sử dụng thiết bị đúng cách và dễ dàng.

 

Hiện Diabeloop đang có kế hoạch thương mại hóa DBLG1 vào quý 1/2019 không chỉ tại châu Âu mà còn ra cả quốc tế. Song song, họ cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển những phiên bản mới có bộ cảm biến đơn giản hơn để các bệnh nhân không chuẩn, không nhạy cảm với paracetamol... có thể sử dụng.

 

Ngoài ra, trong phiên bản đầu tiên, DBLG1 chỉ mới được thiết kế cho người lớn, do vậy họ sẽ điều chỉnh thuật toán, phát triển phần mềm cũng như thử nghiệm lâm sàng các phiên bản khác cho thanh thiếu niên từ 13 - 18 tuổi và kế tiếp là phiên bản cho độ tuổi 6 - 12.

 

Tuy nhiên, Diabeloop cũng cho biết thêm, để có được DBLG1, cần phải có toa của bác sĩ chuyên khoa tiểu đường và bệnh nhân phải tới bệnh viện để được thiết đặt.

Nguồn: khampha.vn

Số lượt đọc: 3927

Về trang trước Về đầu trang