Tin KHCN trong tỉnh
Cải thiện mảng xanh cho Bà Rịa - Vũng Tàu (03/12/2018)
-   +   A-   A+   In  

BR-VT là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp và du lịch. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ cây xanh trong các KCN, khu đô thị, du lịch… còn thấp. Do đó, trồng những loại cây xanh đặc trưng và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của BR-VT là việc làm cần thiết để cải thiện “mảng xanh” cho địa phương.

TỶ LỆ CÂY XANH CÒN THẤP

Thông tư 48/2011/TT-BTNMT ngày 28-12-2011 của Bộ TN-MT quy định, tỷ lệ diện tích đất được trồng cây, vườn hoa, sân cỏ trong hàng rào khu công nghệ cao (KCNC), khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) tối thiểu phải bằng 10% tổng diện tích của toàn bộ KCNC, KCN và CCN. Bên cạnh đó, Quy chuẩn 01/QCVN của Bộ Xây dựng cũng quy định diện tích đất cây xanh trong khuôn viên nhà máy tối thiểu 20% tổng diện tích đất xây dựng.

Theo Thạc sĩ Vũ Thị Quyền, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và dịch vụ sinh vật cảnh Việt Nam, hiện nay, nhiều KCN trên địa bàn tỉnh được quy hoạch không bảo đảm diện tích cây xanh và xử lý chất thải nên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Trên thực tế, tỷ lệ cây xanh tại nhiều KCN rất thấp, thậm chí nhiều khu vực không có cây xanh cách ly giữa nhà máy sản xuất với khu dân cư, dẫn đến nhiều hộ dân sống gần KCN phải hứng chịu khói bụi và tiếng ồn từ hoạt động sản xuất công nghiệp.

Không chỉ các KCN có tỷ lệ cây thấp, việc phát triển đô thị theo xu hướng “bê tông hóa” như hiện nay cũng khiến BR-VT thiếu hụt những mảng xanh cần thiết. Theo Sở KH-CN, tỉnh BR-VT hiện có khoảng 140.000 cây xanh các loại, phân bố ở hầu hết các tuyến đường, công viên, những điểm công cộng, các công sở thuộc 8 huyện, thành phố. Công tác đầu tư xây dựng và phát triển mảng xanh đô thị luôn được tỉnh BR-VT quan tâm, coi đó là một tiêu chuẩn của việc xây dựng môi trường sống trong lành cho đô thị biển BR-VT. Tuy nhiên, do cây xanh chưa được quy hoạch một cách bài bản và phân bố hợp lý nên mảng xanh đô thị tại BR-VT vẫn chưa phát huy hiệu quả. Một số tuyến đường, khu vực công cộng đang trồng những cây chưa phù hợp với khí hậu và cảnh quan. Một số tuyến đường ven biển từ Vũng Tàu đến Bình Châu dù rất đẹp nhưng không có những loại cây phù hợp với khí hậu miền biển và tạo ra điểm nhấn cho địa phương nhằm thu hút khách du lịch. Song song đó, các khu du lịch, các khách sạn hiện nay phần lớn mới chỉ chú trọng đầu tư phòng ốc, dịch vụ chứ chưa quan tâm đến việc cải thiện mảng xanh.

TĂNG ĐỘ CHE PHỦ CỦA RỪNG LÊN 10%

“Thử nghiệm một số giống cây xanh chịu mặn ven biển”, “Nghiên cứu sưu tập và gieo ươm một số loài cây gỗ bản địa quý của BR-VT” và “Nghiên cứu tuyển chọn một số loài cây thích hợp tạo cảnh quan cho Núi Lớn - Núi Nhỏ, TP. Vũng Tàu” là 3 đề tài nghiên cứu khoa học đã được Sở KH-CN thông qua và hiện đang được ứng dụng có hiệu quả tại BR-VT. Các đề tài này đã góp phần làm đa dạng sinh học cho vùng ven biển BR-VT trước điều kiện khí hậu khắc nghiệt.

Thống kê của Ban Quản lý các KCN cho biết, tỉnh BR-VT hiện có 15 KCN với tổng diện tích đất 8.150ha, nhưng tỉ lệ mảng xanh trong các KCN rất thấp, ước đạt 2,3%.

Từ những đề tài này, nhóm nghiên cứu thuộc Hội Sinh vật cảnh tỉnh đã xây dựng vườn ươm, tạo cây giống các loài đạt qui cách, phẩm chất cho trồng rừng, trồng vườn từ các loài cây gỗ bản địa như: Cẩm lai Bà Rịa, vên vên, dầu cát, dầu song nàng... Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã tìm ra giống cỏ lông heo có khả năng chống chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Bãi Sau, vừa tạo thành thảm phủ đất trống, làm đẹp cảnh quan vừa chống cát bay. “Nghiên cứu tuyển chọn một số loài cây thích hợp tạo cảnh quan cho Núi Lớn – Núi Nhỏ” với các loài cây trồng phủ xanh phổ biến như: keo lá tràm, keo tai tượng, bằng lăng, tếch, muồng đen, lim xẹt, gõ mật, giáng hương... đã che bớt những khiếm khuyết của các vách núi.

Bà Lê Thị Nga, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh cho biết, hiện nay địa phương đã thử nghiệm thành công nhiều giống cây có khả năng chịu mặn ven biển như: chiêu liêu, cẩm liên, cẩm lai Bà Rịa, vên vên, sến mù... Đặc biệt, Sở KH-CN và Hội Sinh vật cảnh đã xây dựng đề án “1 triệu cây xanh” giai đoạn 2018-2022 nhằm ứng dụng rộng rãi 3 đề tài đã được nghiên cứu, bảo vệ môi trường của tỉnh, giảm thiểu ô nhiễm khí thải, tái tạo hệ sinh thái cây trồng ở các KCN, khu du lịch, khu đô thị… phấn đấu làm tăng độ che phủ của rừng lên đến 10%.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 4478

Về trang trước Về đầu trang