Tin KHCN trong nước
Thử nghiệm sử dụng ong ký sinh để khống chế mọt thuốc lá gây hại thức ăn nuôi cá bảo quản trong kho (10/09/2018)
-   +   A-   A+   In  
Tác giả Nguyễn Thị Oanh (trường Đại học Đồng Tháp) thực hiện nghiên cứu thử nghiệm sử dụng ong Anisopteromalus calandrae kiểm soát loài sâu mọt thuốc lá Lasioderma serricorne gây hại thức ăn nuôi cá (dạng viên) và một số loại nông sản trong kho bảo quản.

Ong Anisopteromalus calandrae là loài ong ngoại ký sinh đã được ghi nhận phổ biến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, có khả năng hạn chế số lượng sâu non của nhiều loài sâu mọt thuộc bộ cánh cứng gây hại cho nông sản và thức ăn thủy sản trong kho. Nghiên cứu tiến hành với ong Anisopteromalus calandrae và mọt thuốc lá Lasioderma serricorne được thu từ các kho bảo quản nông sản như lúa, gạo, ngô, đậu và kho chế biến thức ăn chăn nuôi tại một số tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long.

 

Các thí nghiệm (được đăng trên Tạp chí Bảo vệ thực vật, số 6-2017) được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của không gian và khối lượng nông sản/thức ăn được bảo quản đến khả năng khống chế mọt thuốc lá Lasioderma serricorne của ong Anisopteromalus calandrae như sau: 2 túi thức ăn nuôi cá dạng viên (mỗi túi chứa 2,5kg) được đặt vào thùng giấy carton, thả 50 cặp mọt thuốc lá trưởng thành chia đều vào các túi thức ăn trong thùng giấy, sau 21 – 22 ngày thả trưởng thành ong ký sinh. Quá trình theo dõi được tiến hành trong 3 tháng sau khi thả trưởng thành ong ký sinh. Sau mỗi tháng kiểm tra mẫu, lấy ra 100g thức ăn từ 2 túi đựng thức ăn trong thùng giấy và đếm số mọt trưởng thành, đồng thời thay thay thế vào thùng giấy một hộp nhựa đựng 100g thức ăn đã bị nhiễm mọt thuốc lá ở giai đoạn sâu non tuổi 3, tuổi 4.

 

Kết quả cho thấy, ở cùng một số lượng trưởng thành ong ký sinh được thả, đối với hai trường hợp khác nhau về không gian và lượng nông sản/thức ăn bảo quản, khả năng khống chế mọt thuốc lá của ong là khá tốt và gần như tương đương nhau. Cụ thể, cùng với nghiệm thức thả 40% cặp trưởng thành ong ký sinh, tỷ lệ khống chế mọt của ong là 74,83% (ở lượng thức ăn nuôi cá mỗi túi 2,5kg) và 72,22% (ở lượng thức ăn nuôi cá 100g trong hộp nhựa). Các tỷ lệ này là 82,33% và 80,89% khi thả 50 cặp trưởng thành ong ký sinh. Ong Anisopteromalus calandrae có thể được sử dụng như là một tác nhân sinh học kiểm soát mọt thuốc lá Lasioderma serricorne gây hại thức ăn nuôi cá trong điều kiện bảo quản ở các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

 

Tác giả đề xuất bổ sung biện pháp phòng trừ côn trùng gây hại trong kho nông sản ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung. Cụ thể, điều tra kho nông sản định kỳ 2 lần/tháng để theo dõi biến động mật độ quần thể các loài mọt phổ biến trong suốt chu kỳ bảo quản; xác định các đỉnh cao số lượng của các loài mọt đó và thời điểm mật độ đạt tới ngưỡng thiệt hại (22–25 kg/con) để xem xét, lựa chọn và quyết định áp dụng biện pháp phòng trừ thích hợp nhất ở từng thời kỳ bảo quản khác nhau. Đối với một số kho bảo quản nhỏ lẻ, kho nông hộ, trong khoảng 3 tháng đầu tiên, mật độ một số quần thể mọt phổ biến thường chưa cao và ít khi đạt tới giá trị ngưỡng thiệt hại, có thể sử dụng ong ký sinh thảo vào kho với số lượng phù hợp tùy theo khối lượng nông sản..

Nguồn: cesti.gov.vn

Số lượt đọc: 2678

Về trang trước Về đầu trang