Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu đề kháng insulin, giảm tiết insulin và tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bệnh nhân lớn tuổi (07/09/2018)
-   +   A-   A+   In  

Với mục tiêu tìm ra phương pháp điều trị dự phòng từ gian đoạn sớm, từ đó làm chậm sự xuất hiện của đái tháo đường tuýp 2, nhóm tác giả Nguyễn Đức Công, Nguyễn Văn Trí, Nguyễn Văn Thành (Bệnh viện Thống Nhất) và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu về đề kháng insulin, giảm tiết insulin và tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bệnh nhân lớn tuổi có nguy cơ cao bị đái tháo đường tại bệnh viện Thống Nhất.

Hiện nay nhóm người cao tuổi tại nước ta đang không ngừng gia tăng về số lượng, kéo theo nhiều vấn đề về sức khỏe hơn xảy ra ở nhóm dân số này. Trong đó, đái tháo đường tuýp 2 là một bệnh thường gặp ở người cao tuổi và khi bệnh diễn biến nặng có thể gây ra mù lòa, tàn phế suốt đời hoặc tử vong. Theo các nhà nghiên cứu, người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường có thể áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng nếu họ còn đang trong tình trạng tăng đường huyết kéo dài trước khi xuất hiện đái tháo đường tuýp 2 thực sự. Vì vậy, nếu xác định được tình trạng này, chúng ta hoàn toàn có thể làm chậm diễn biến và sự xuất hiện của đái tháo đường tuýp 2.

 

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là 600 bệnh nhân trên 60 tuổi có ít nhất một yếu tố nguy cơ đái tháo đường nhưng không mắc bệnh đái tháo đường đến khám tại phòng khám, hoặc nhập viện điều trị nội trú tại bệnh viện Thống Nhất. Các nhà nghiên cứu đã khảo sát về tỷ lệ kháng insulin, chức năng tiết insulin của tế bào beta tụy và tỷ lệ rối loạn dung nạp glucose máu trên đối tượng nghiên cứu. Đồng thời nghiên cứu thêm về mối liên quan giữa sự kháng insulin, giảm tiết insulin và tình trạng rối loạn dung nạp glucose với các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, béo phì,…

 

Kết quả cho thấy, người cao tuổi có yếu tố nguy cơ mắc đái tháo đường có tỷ lệ kháng insulin là 41,5%; tỷ lệ giảm tiết insulin của tế bào beta tuyến tụy là 28,8%; tỷ lệ rối loạn dung nạp glucose máu là 45%. Bên cạnh đó, các mối liên quan giữa sự tăng kháng insulin, rối loạn tiết insulin và rối loạn dung nạp glucose với các yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường ở người cao tuổi đều có ý nghĩa về mặt thống kê. Do đó, các nhà nghiên cứu đề nghị cần tiến hành tầm soát đái tháo đường và điều trị các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, chỉ số khối cơ thể (BMI) > 23 và tỷ lệ vòng eo trên vòng mông (WHR) cao.

Nguồn: cesti.gov.vn

Số lượt đọc: 2298

Về trang trước Về đầu trang