Thiết bị có tên là E.free-WACO, hoạt động dựa trên nguyên lý của lá sen và sự va chạm các hạt sương trong không khí. Thiết bị có các tấm lưới bằng sợi Polypropylen, khi sương chạm vào bề mặt lưới, sương được tích tụ, hình thành các giọt nước lớn và chảy vào hệ thống kênh dẫn truyền của thiết bị. Trên bề mặt sợi Polypropylen, có các hạt nano bạc để khử khuẩn, chống rêu, mốc. Nước thu được có thể dùng làm nước ăn, uống, sinh hoạt hằng ngày. Với thiết kế ban đầu, mỗi đêm, thiết bị có thể thu từ 25 đến 30 lít nước sạch, nhóm đang tiếp tục hướng nghiên cứu để có thể thu được hơn 100 lít nước mỗi đêm. Nhóm cho biết, thiết bị phù hợp cho vùng cao, nơi khó khăn về nước sạch.
Công nghệ mô phỏng ánh sáng tự nhiên
Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) phát triển thành công công nghệ ánh sáng trong nhà mô phỏng ánh sáng tự nhiên. Hệ thống phát sáng gồm một tấm panel mỏng và khung dày 10 cm, có thể tái tạo ánh sáng tự nhiên thông qua ánh sáng đèn LED, có thể chuyển ánh sáng từ bình minh sang giữa trưa và hoàng hôn, thông qua việc điều chỉnh ánh sáng của đèn LED. Tập đoàn lên kế hoạch đưa công nghệ vào ứng dụng trong các văn phòng, khu vực công cộng và những nơi thiếu hoặc không có ánh sáng tự nhiên. Các công ty, văn phòng có thể lắp đặt công nghệ mới trong một vài năm tới.
Tàu chạy bằng hy-đrô đầu tiên trên thế giới
Vừa qua, những hành khách ở Đức đã được trải nghiệm chuyến tàu chạy bằng pin hydro đầu tiên trên thế giới. Con tàu đã chạy trên quãng đường dài 100 km, với tốc độ cao nhất 140 km/giờ. Pin hy-đrô là nguồn năng lượng sạch, được tạo ra điện nhờ phản ứng kết hợp hy-đrô và ô-xy, với sản phẩm phụ là nước. Chi phí sử dụng pin hy-đrô còn khá đắt tiền, do đó nhiều nghiên cứu mới trên thế giới đang tìm cách cắt giảm chi phí nghiên cứu nhiên liệu hy-đrô, để nhiên liệu hy-đrô ngày càng được sử dụng nhiều cho xe buýt và xe hơi.