Tin KHCN trong nước
Tiềm năng trong chiết xuất các chất có hoạt tính sinh học từ nguyên liệu (như rong, tảo biển, hải sâm, cá ngựa….) thuộc vùng biển BR-VT (24/10/2018)
-   +   A-   A+   In  
 

I. MỞ ĐẦU

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những tỉnh có thế mạnh về điều kiện tự nhiên vùng biển, có lượng khách du lịch hàng năm tăng trưởng đều, ước tính 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đạt 6,5 triệu lượt khách trong nước và quốc tế. Nhiều nghiên cứu tiêu dùng đã chỉ ra, khách du lịch luôn có xu hướng tiêu dùng những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Như vậy, thấy rằng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có lượng khách tiêu dùng hàng đặc trưng của tỉnh rất lớn.

Thực tế cho thấy, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh có thế mạnh về điều kiện tự nhiên vùng biển, có nguồn lợi sinh học biển đa dạng và phong phú,  những nguồn lợi sinh học biển đang chứa đựng các hoạt chất sinh học vô giá có khả năng hỗ trợ con người làm đẹp, tăng cường sức khỏe, ngăn ngừa và chống lại nhiều loại bệnh tật khác nhau. Tuy nhiên, những nguồn hoạt chất này lại chưa được quan tâm và khai thác theo đúng giá trị cần có của chúng để phát triển kinh tế  phục vụ con người. Do vậy, bài tham luận này tập trung vào những tiềm năng trong chiết xuất các chất có hoạt tính sinh học từ nguyên liệu (như rong, tảo biển, hải sâm, cá ngựa….) thuộc vùng biển BR-VT.

II. CÁC YẾU TỐ KHÁCH QUAN PHẢN ÁNH TIỀM NĂNG TRONG CHIẾT XUẤT CÁC CHẤT CÓ HOẠT TÍNH SINH HỌC TỪ NGUYÊN LIỆU (NHƯ RONG, TẢO BIỂN, HẢI SÂM, CÁ NGỰA….) THUỘC VÙNG BIỂN BR-VT

1. Điều kiện tự nhiên và dân số

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Nam Bộ - Việt Nam. Phía bắc tiếp giáp tỉnh Đồng Nai, phía tây giáp thành phố Hồ Chí Minh, phía đông giáp tỉnh Bình Thuận, phía nam giáp Biển Đông. Điều này cho thấy sự thuận lợi giao thương trong sự phát triển hàng hóa, du lịch. Khí hậu của Tỉnh có đặc điểm nhiệt đới gió mùa, năm chia hai mùa rõ rệt. Nhiệt độ hàng năm dao động từ 24,8°C đến 28,6°C và trung bình là 27°C. Số giờ nắng rất cao, trung bình khoảng 2400 giờ và lượng mưa trung bình là 1500mm. Đặc biệt là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ở vùng ít có bão.

Bà Rịa - Vũng Tàu có huyện Côn Đảo, có bán đảo hải đảo, vùng đồi núi bán trung du (Thị xã Phú Mỹ, Châu Đức, Xuyên Mộc) và vùng thung lũng đồng bằng ven biển (một phần đất của Thị xã Phú Mỹ và các huyện Long Điền, Bà Rịa, Đất Đỏ). Hải đảo bao gồm quần đảo Côn Lôn và đảo Long Sơn. Khu vực này có những đồng lúa nước, xen lẫn những vạt đồi thấp và rừng thưa có những bãi cát ven biển. Thềm lục địa rộng trên 100.000 km2.

Theo tổng cục thống kê, dân số toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là 1.150.200 người vào năm 2016 với mật độ 581 người/ km2. Dân số nam là 513.410 người, nữ là 513.800 người. Tỷ lệ dân số tăng tự nhiên là 8,9 ‰, 53% dân số sinh sống ở vùng đô thị và  dân số sống ở vùng nông thôn là 47%.

Điều này cho thấy, khí hậu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu rất ôn hòa, điều kiện tự nhiên đẹp, dân số đông, hòa toàn có thể là nơi nuôi trồng, khai thác, sản xuất phục vụ cho du lịch, hay nói một cách khác là thiên thời địa lợi nhân hòa trong việc phát triển các nguồn vật liệu sinh học thông qua nguồn lợi hữu cơ từ vùng biển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

2. Nguồn lợi thủy sản

2.1. Thực vật biển (rong biển, cỏ biển)

Các loài rong có ở vùng biển Côn Đảo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Rong nâu thuộc các chi Hypnea, Laurencia và Galaxaura (Rhodophyta); Padina, Dictyota, Hormophysa, Turbinaria, Colpomenia, ChnoosporaHormophysavà Sargassum (Phaeophyta); Halimeda (Chlorophyta) và bốn loài cỏ biển Thalassia hemprichii, Halophila ovalis, Syringodium isoetifolium và Cymodocea serrulata trong mùa khô và mùa mưa ở vịnh Côn Sơn, Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu). 14 loài tảo Hai Roi sống đáy: Gambierdiscus pacificus, G. toxicus, Ostreopsis ovata, O. siamensis, O. lenticularis, O. marinus, Coolia monotis, Prorocentrum lima, P. concavum, P. emarginatum, P. rhathymum, Prorocentrum sp., Bymastrum caponii và Sinophysis canaliculata. [Hồ Văn Thệ, Nguyễn Ngọc Lâm - Tuyển Tập Nghiên Cứu Biển, 2009, XVI: 215-224]. Ước tính khoảng rong biển 127 loài rong biển [Báo cáo khoa học Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất hệ thống Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, 2011 - http://www.botanyvn.com/cnt.asp?param=news&newsid=1356].
Các loài tảo 2 cộng sinh với rong biển và cỏ biển ở Côn Đảo thuộc ba chi Ostreopsis, Coolia và Prorocentrum chiếm ưu thế về mật độ trong cả mùa khô và mùa mưa.

Khoảng 200 ha cỏ biển ở Côn Đảo với khoảng 10 loài cỏ biển như H. pinifolia, H. uninervis, H. ovalis, T. hemprichii, C. serrulata, S. isoetifolium, H. decipiens, and H. ovalis, H. decipiens and C. serrulata are often found at depths of 15 to 20m (Loo 1994). Như vậy Hồ Văn Thệ đã phát hiện thêm được 4 loài cỏ biển so với Loo 1994.

2.2. Động vật

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho năm 2018 của Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT). Tính đến 14/12/2017, tàu đánh bắt hải sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là 6.282 chiếc, trong đó tàu công suất trên 90CV là 3.090 chiếc. Tính đến ngày 15-11-2017, sản lượng tỉnh đánh bắt được 300.358 tấn thủy hải sản, tăng 3,24% so với cùng kỳ năm 2016. Trong tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 7.502ha, tương đương năm 2016. Tổng sản sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 17.398 tấn, tăng 5,33% so với 2016 [http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/201712/san-luong-danh-bat-nuoi-trong-thuy-hai-san-tang-771784/].

Tính từ năm 2010 đến nay, tổng sản lượng khai thác hải sản luôn tăng đều (bình quân 3,48%/năm), chiếm khoảng 39% tổng sản lượng vùng Đông Nam bộ và gần 11,30% tổng sản lượng khai thác thủy sản cả nước.

“Ngoài thế mạnh về đánh bắt hải sản, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn có nhiều tiềm năng trong việc nuôi trồng thủy sản. Hệ thống sông Thị Vải, Sông Dinh, Sông Ray, Sông Đu Đủ và 03 hồ chứa nước lớn là hồ Đá Đen, hồ Sông Ray, hồ Châu Pha đã tạo nên một số vùng nuôi trồng thuỷ sản rộng lớn. Tỉnh đã quy hoạch hình thành các vùng nuôi thủy sản lồng bè, nuôi tôm công nghiệp, nuôi cá nước lợ trong ao, đầm và nuôi cá lồng bè, nuôi ngọc trai, với diện tích tiềm năng 16.153 ha để phát triển sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản trên sông, trên biển. Sản lượng nuôi thuỷ sản tăng bình quân trên 16,34%/năm. Trong những năm qua, nuôi trồng thủy sản đã thay đổi các vùng đất hoang hóa thành các vùng đất tạo ra các loại thực phẩm thủy sản có giá trị dinh dưỡng cao và đang trở thành một trong những lĩnh vực sản xuất quan trọng của ngành” [https://tongcucthuysan.gov.vn/en-us/News/-Nghề-cá-trong-nước/doc-tin/010882/2018-06-27/ba-ria-vung-tau-tiem-nang-the-manh-trong-phat-trien-nuoi-trong-danh-bat-che-bien-va-tieu-thu-thuy-san].

Theo số liệu chính thức của Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT), tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt 8.178 tấn, tăng 8,89 % so với cùng kỳ và đạt 47,8% so với kế hoạch của cả năm tính đến tháng 6/2017. Sản lượng tôm sú đạt 1.081 tấn, tăng 31,06 %, tôm thẻ đạt 623,5 tấn, tăng 109,02%;  cá mặn lợ đạt 904 tấn [http://sonnptnt.baria-vungtau.gov.vn/web/guest/thong-tin-can-biet/-/brvt/extAssetPublisher/content/6476702/san-luong-nganh-nuoi-trong-thuy-san-tinh-br-vt-trong-6-thang-dau-nam-2017].

Điều này cho thấy sự đa dạng, thế mạnh về nguồn lợi động vật, thực vật ở vùng biển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và vùng đất tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung trong việc nuôi trồng, khai thác nguồn lợi động thực vật nước.

2.3. Cơ sở hạ tầng phục vụ thủy sản

“Đối với lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản, toàn tỉnh hiện có 419 doanh nghiệp, cơ sở, hộ cá thể sản xuất và kinh doanh chế biến thủy sản; trong đó có 42 nhà máy chế biến xuất khẩu đạt tiêu chuẩn HACCP, trong số này có 33 nhà máy được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện để xuất khẩu vào thị trường Châu Âu. Hầu hết các nhà máy còn lại đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazil, Nga…, với tổng công suất chế biến trung bình hàng năm khoảng 250.000 tấn thành phẩm/năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 350 triệu USD/năm.

Bên cạnh đó, thời gian qua tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư 05 khu neo đậu tránh trú bão (gồm 02 Khu cấp vùng và 03 Khu cấp tỉnh) với khả năng đáp ứng cho hơn 5.000 tàu cá có công suất trên 600CV vào neo đậu tránh trú khi có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra” [https://tongcucthuysan.gov.vn/en-us/News/-Nghề-cá-trong-nước/doc-tin/010882/2018-06-27/ba-ria-vung-tau-tiem-nang-the-manh-trong-phat-trien-nuoi-trong-danh-bat-che-bien-va-tieu-thu-thuy-san].

Điều này cho thấy, cơ sở hạ tầng phục vụ thủy sản ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khá tốt, thị trường xuất khẩu sản phẩm thủy sản đã có, hoàn toàn có thể bổ sung quy trình sản xuất chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ thủy sản ở các cơ sở thủy sản hiện có ở tỉnh.

2.4. Thành phần hóa học, hoạt tính sinh học và khả năng tái tạo nguồn lợi biển

2.4.1. Thành phần hóa học, hoạt tính sinh học và khả năng tái tạo nguồn lợi biển
STT Nguồn lợi Thành phần hóa học Hàm lượng
(% so với chất khô)
Hoạt tính sinh học
1 Rong nâu Fucoidan 1 – 3 Chống oxy hóa, ức chế tế bào ung thư, kháng khuẩn, kháng nấm, chống đông tụ máu, nâng cao hệ miễn dịch, kháng virus, kháng HIV, chống rối loạn lipid máu ….
2 Alginate 16 – 24 Bảo vệ dạ dày, chống oxy hóa, kháng khuẩn
3 Phlorotannin 0,2 – 0,8 Chống oxy hóa, ức chế tế bào ung thư, kháng khuẩn, kháng nấm, chống đông tụ máu, nâng cao hệ miễn dịch, bảo vệ da trước tia cực tím, kháng virus, chống rối loạn lipid máu….
4 Laminarin 4 – 8 Chống oxy hóa
5 Iodine 0,15 – 0,8 Ngăn ngừa rối loạn tuyến giáp
6 Chlorophyll 0,2 – 0,4 Đào thải độc tố, nâng cao hồng cầu trong máu, chống oxy hóa, ức chế tế bào ung thư, kháng khuẩn, kháng nấm, chống đông tụ máu, nâng cao hệ miễn dịch, bảo vệ da trước tia cực tím, kháng virus, chống rối loạn lipid máu….
7 Rong lục Ulvan 32 – 48 Chống oxy hóa, ức chế tế bào ung thư, kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus,….
8 Protein 12 – 15 Bổ sung hàm lượng đạm và amino acid thiết yếu
9 Chlorophyll 0,3 – 0,5 Đào thải độc tố, nâng cao hồng cầu trong máu, chống oxy hóa, ức chế tế bào ung thư, kháng khuẩn, kháng nấm, chống đông tụ máu, nâng cao hệ miễn dịch, bảo vệ da trước tia cực tím, kháng virus, chống rối loạn lipid máu….
10 Celulose 48 – 53 Bổ sung chất sơ
11 Rong đỏ Agar 20 – 40 Bổ sung chất sơ
12 Carrageenan 30 – 55 Bổ sung chất sơ
13 Phycoerythrin Ppm Chống oxy hóa
14 Cellulose 1 – 9 Bổ sung chất sơ
15 Lectin 0,0023 – 0,0302 Kháng khuẩn, kháng HIV, kháng virus, liên kết đường,….
16 Hải sâm Protein 40 – 62 Bổ sung hàm lượng đạm và amino acid thiết yếu
17 Polysaccharide sulfate 5 – 8 Chống oxy hóa, kháng khuẩn, kháng nấm,….
18 Lectin <0,001 Kháng khuẩn, kháng HIV, kháng virus, liên kết đường,….
19 Hải miên Polyphenol 0,2 – 3  
20 Lectin 0,002 – 0,03
 
Kháng khuẩn, kháng HIV, kháng virus, liên kết đường,….
21 Cá ngựa Peptide 68 – 70 Bổ sung amino acid thiết yếu
22 Giáp xác Chitin 25 – 40 Chống oxy hóa, kháng khuẩn,….
23 Carotenoprotein 18 – 20 Chống oxy hóa, bổ sung đạm,….
24 Động vật có xương sống Calci 16 – 19 Bổ sung calci
25 Gelatin 13 – 19 Bổ sung thành phần amino acid, tăng khả năng liền xương,….
26 Colagen da 9 – 21 Tăng khả năng tái tạo da, mô sẹo,….
 
Rong biển là một trong những nguồn lợi sinh vật biển quan trọng đã được khai thác và ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực sản xuất và đời sống. Các nghiên cứu về thành phần sinh hóa và dinh dưỡng cung cấp nhiều dữ liệu quan trọng cho các nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ. Trong nghiên cứu thành phần dinh dưỡng của rong khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, chúng tôi đã đánh giá về hàm lượng protein, lipid và tro từ 4 loài rong có tiềm năng kinh tế thu được,Thành phần hoạt chất tồn tại trong các ngành rong

1. Ngành rong nâu: Fucoidan, alginate, phlorotannin, laminarin, iodine,….

2. Ngành rong lục: Chlorophyll, Ulvan,….

3. Ngành rong đỏ: Agar, Carrageenan, phycobiliprotein,….

Những hoạt chất này có hoạt tính sinh học cao, được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực thực phẩm chức năng, thực phẩm dược và y học.

Thành phần hoạt chất tồn tại trong giáp xác

Carotenoprotein, chitin. Chitin là nguồn nguyên liệu điều chế chitosan, glucosamine.

Thành phần hoạt chất tồn tại trong hải miên

Trong hải miên tồn tại lượng lớn polyphenol, amino acid và lectin có hoạt tính sinh học trong dược.

Thành phần hoạt chất tồn tại trong hải sâm

Trong hải sâm tồn tại lượng lớn polyphenol, polysaccharide sulfate, lectin và protein có hoạt tính sinh học cao.

Thành phần hoạt chất tồn tại trong cá ngựa

Hiện nay, trên thế giới người ta đang quan tâm đến chất lượng peptide trong cá ngựa.

Thành phần hoạt chất tồn tại trong động vật không xương sống

Trong động vật không xương sống tồn tại lượng lớn calci hữu cơ – nguyên liệu sản xuất calci hydroxy apatide, gelatin và collagen tác dụng cho da người.

Hoạt tính sinh học của các chất chiết từ rong biển

Kháng khuẩn, kháng nấm, kháng ung thư, kháng viêm, ức chế tế bào ung thư, ức chế virus HIV, chống oxy hóa, ức chế enzyme chuyển hóa tiểu đường, hỗ trợ điều trị bệnh mất trí, ….

Ngoài ra, một số thành phần hóa học cơ bản của Cheatomorpha sp., Ulva intestinalis, Ulva lactuca, Gracilariopsis heteroclada được xác định, hàm lượng protein dao động trong khoảng 11,2 - 15,8% khối lượng khô; Hàm lượng lipid dao động khoảng 0,65 - 1,48% khối lượng khô; và hàm lượng khoáng dao động trong khoảng 33,6% khối lượng khô. Nhóm rong biển nghiên cứu cũng chứa nhiều loại acid amin thiết yếu với hàm lượng cao, như: Alanine, Cystine và Glicine [http://m.tapchicongthuong.vn/nghien-cuu-thanh-phan-dinh-duong-cua-mot-so-loai-rong-co-tiem-nang-kinh-te-o-ba-ria-vung-tau-20180807124145732p0c488.htm].

Ngoài ra, ở các nghiên cứu cụ thể của chúng tôi (PGS. TS. Vũ Ngọc Bội, TS. NCVC. Đặng Xuân Cường, và cộng sự (từ năm 2008 – 2018) với hơn 60 công bố (bài báo và sách chuyên khảo ở các tạp chí có uy tín về khoa học, các đề tài cấp Viện, cấp tỉnh và cấp Bộ cũng như các bằng sáng chế) đã cho thấy nguồn lợi thủy sản rất giàu các hoạt chất sinh học có giá trị cao, đặc biệt là nguồn lợi thực vật biển. Nguồn lợi này hoàn toàn có lợi thế trong khai thác và sử dụng phục vụ sự phát triển bền vững về kinh tế và môi trường đối với người dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và cộng đồng người Việt nói chung.

2.4.2. Khả năng tái tạo nguồn lợi biển

Nghề nuôi trồng, khai thác và chế biến rong biển ở Việt Nam được đánh giá là triển vọng kinh tế rất lớn, đồng thời rong biển có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái biển, rong biển giúp bảo vệ, cải tạo môi trường nước ở các vùng nuôi trồng thủy sản vốn đang bị ô nhiễm và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hệ sinh thái rong biển giúp tái tạo nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh cảnh, hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái, đa dạng hóa sản phẩm. Hiện nay, hầu hết các loài rong biển phổ biến ở Việt Nam đều có thể được nuôi trồng, nên nguồn lợi rong biển đảm bảo cho nguồn nguyên liệu sản xuất sản phẩm sinh học giàu hoạt chất góp phần phát triển kinh tế biển.

Nhiều loài giáp xác, động vật có xương sống, hải sâm đã được nuôi trồng ở Việt Nam nên nguồn nguyên liệu này cũng có thể coi là nguồn nguyên liệu tái tạo.

Đối với hải miên, hải miên đã được nuôi trồng ở nhiều nước trên thế giới với thời gian hàng trăm năm nay để phục vụ dân sinh và khoảng 200 chất chuyển hóa thứ cấp mới đã được phát hiện ở hải miên.

Như vậy, thấy rằng nguồn nguyên liệu biển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hoàn toàn có khả năng tái tạo, nên nguồn nguyên liệu ổn định cho việc chiết xuất các hoạt chất sinh học từ nguồn liệu tái tạo, đặc biệt là rong biển hoàn toàn khả thi và phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong xu thế phát triển của thời đại.

2.5. Bệnh tật và khách hàng tiềm năng

Hiện nay, có khoảng 415 triệu người mắc bệnh đái tháo đường trên thế giới, và 90% người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2. Ở Việt Nam có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường và có thể tăng tới 6,1 triệu người vào năm 2040. Những người chưa được chẩn đoán bệnh lên tới gần 70%. Do vậy, các biến chứng xuất hiện ở người bệnh, bệnh đái tháo đường ở người bệnh mới được phát hiện.

PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật, nguyên Trưởng khoa Hóa sinh, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh lý đái tháo đường có thể coi là đại dịch, bởi vì chúng có nguy cơ gây ra gánh nặng bệnh tật gấp 20-40 lần so với những bệnh lây nhiễm khác. Số người trưởng thành tử vong liên quan tới đái tháo đường trên toàn cầu vào khoảng 5 triệu người, trong khi con số tử vong do HIV/AIDS chỉ 1,1 triệu người; do lao là 1,4 triệu người và do sốt rét là 438 nghìn người [http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/34936702-viet-nam-co-hon-3-5-trieu-nguoi-mac-dai-thao-duong.html].

Năm 2000, có khoảng 69.000 ca ung thư mắc mới ở Việt Nam, sau 15 năm, 150.000 ca mắc mới. Ước tính đến năm 2020,xấp xỉ 200.000 người ở Việt Nam sẽ mắc ung thư. Số ca ung thư mắc mới sẽ tăng dần theo từng năm.

Hiện nay, bình quân mỗi năm có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư ở Việt Nam. Phần lớn người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém. Đối với bệnh ung thư, điều trị càng sớm càng đơn giản [https://vietnammoi.vn/ung-thu-o-viet-nam-nhung-con-so-dang-ngai-87794.html].  Chính vì vậy, con người ở các nước phát triển luôn có xu hướng tầm soát và ngăn ngừa bệnh tật trước khi bệnh tật đến với bản thân và ở các nước phát triển, các sản phẩm thực phẩm chức năng chứa hoạt chất sinh học luôn được bán rất chạy. Qua số liệu thống kê một số căn bệnh ở Việt Nam cho thấy, người Việt Nam nên được tầm soát, ngăn ngừa và điều trị bệnh tật tốt hơn. Những số liệu này cũng thể hiện các sản phẩm giàu hoạt chất sinh học sẽ có thị trường rất lớn tại Việt Nam.

2.6. Lý do sử dụng hoạt chất sinh học trong ngăn ngừa và điều trị bệnh ở con người

PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm- Bộ Y tế cho biết: “Gốc tự do được y học hiện đại xem là nguồn gốc của sự lão hóa và rất nhiều bệnh tật.” Năm 1954, bác sĩ Denham Harman (Đại học Berkeley, California) đã trở thành nhà khoa học đầu tiên công bố về sự nguy hiểm của gốc tự do. Gốc tự do tấn công cơ thể con người và gây ra hơn 100 bệnh tật trên cơ thể, trong đó, não chịu sự tấn công dữ dội nhất so với các bộ phận còn lại của cơ thể người. Não bộ con người là nơi bị gốc tự do tấn công dữ dội nhất, bởi bộ phận này chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể nhưng lại tiêu thụ đến 20-25% năng lượng toàn cơ thể. Não bộ con người cũng là cơ quan béo nhất với hơn 60% thành phần chất béo chưa bão hòa. Chính vì vậy, quá trình chuyển hóa tại não diễn ra mạnh mẽ, làm sản sinh nhiều gốc tự do. Khả năng chống gốc tự do ở não lại rất kém, chỉ bằng 1/10 so với gan.

Tế bào là đơn vị cấu trúc cơ bản nhất của cơ thể. Cơ thể người cần phải chuyển hóa vật chất và tạo điều kiện để các quá trình nhường - nhận điện tử diễn ra trong cơ thể, đồng nghĩa gốc tự do được sinh ra. Gốc tự do sinh ra liên tục trong quá trình chuyển hóa vật chất của cơ thể và hình thành dưới tác động của các yếu tố bên ngoài như ô nhiễm môi trường, stress, rượu bia, thuốc lá…. Do bị mất điện tử, nên gốc tự do luôn có xu hướng tìm kiếm điện tử khác từ các chất đã ở trạng thái ổn định để cân bằng lại. Khi đi tìm điện tử, gốc tự do tấn công vào tế bào khiến tế bào bị tổn thương hoặc chết.

Dưới sự tấn công của gốc tự do, não bộ bị tổn thương, và não bộ có thể bị mạch máu não và thoái hóa thần kinh. Gốc tự do gây tổn thương thành mạch, các mảng xơ vữa và huyết khối được hình thành và tạo ra bệnh mạch máu não. Bệnh mạch máu não làm hẹp động mạch khiến lưu lượng máu đến nhu mô não bị giảm, thiếu máu não, đột quỵ não, đau nửa đầu…. Ở nhóm bệnh thoái hóa thần kinh, cấu trúc tế bào thần kinh bị gốc tự do làm xơ hóa, số lượng lẫn chất lượng liên kết giữa các tế bào bị suy giảm, thậm chí gây chết tế bào, từ đó chức năng não bị rối loạn dẫn đến suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, bệnh Alzheimer, Parkinson….

Tình trạng thiếu máu não sẽ gây ra các triệu chứng như: đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, nghe kém, rối loạn giấc ngủ, rối loạn cảm giác… Bệnh lý thoái hóa thần kinh luôn kèm theo các triệu chứng giảm trí nhớ, hay quên, kém tập trung, giảm khả năng tư duy, căng thẳng (stress)….

Khi còn trẻ, các chất chống oxy hóa trong cơ thể con người được tạo ra do nguyên nhân khách quan và chủ quan đủ sức chống lại gốc tự do, và điều này có xu hướng giảm theo thời gian. Vì thế, từ sau tuổi 30, cơ thể con người cần được bổ sung các chất chống gốc tự do để tăng cường và ngăn ngừa bệnh tật, đặc biệt là bệnh ở não. Theo PGS. TS Trần Đáng khẳng định: “Bên cạnh duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh thì việc bổ sung các chất chống gốc tự do từ thiên nhiên là một cách tốt để chăm sóc sức khỏe não bộ”. Các chất chống gốc tự do tốt cho cơ thể là Polyphenol, chlorophyll, fucoidan, alginate, laminarin, anthocyanin, pterostilbene, beta-carotene, vitamin C, E….

Chất chống oxy hóa có tác dụng chống gốc tự do ở não cực mạnh, chúng có khả năng cân bằng điện tử cho hàng ngàn gốc tự do. Đặc biệt, Polyphenol còn kích hoạt cơ thể sản sinh ra các chất chống gốc tự do nội sinh. Các chất này làm chậm quá trình thoái hóa thần kinh, hỗ trợ tốt trong phòng ngừa, điều trị các bệnh suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, Alzheimer, Parkinson…. Đồng thời, các hoạt chất tự nhiên này làm giảm hiện tượng xơ vữa, giúp giãn mạch để tăng lượng máu tưới cho não, cải thiện các tình trạng đau đầu, chóng mặt, ù tai, mất ngủ và giảm nguy cơ đột quỵ[https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/nguy-co-dot-quy-mat-tri-boi-goc-tu-do-2805214.html].

2.7. Ứng dụng hoạt chất sinh học trong cuộc sống
 
  1. Ứng dụng làm đồ uống dạng lỏng, dạng viên nén, dạng con nhộng với hoạt tính sinh học.
  2. Ứng dụng trong thực phẩm chức năng (viên nén, bột, viên nang).
  3. Ứng dụng trong bảo quản thực phẩm và đồ uống hoạt tính.
  4. Ứng dụng sản xuất thuốc điều trị bệnh ở gia súc, thủy sản.
  5. Ứng dụng sản xuất thuốc hỗ trợ điều trị bệnh ở người, ví dụ alginate.
 
2.8. Công nghệ chiết xuất đặc trưng các chất có hoạt tính sinh học từ nguyên liệu thủy sản tái tạo

 

Hình 1. Sơ đồ chuỗi sản xuất các sản phẩm hoạt chất, giá trị gia tăng từ nguồn lợi biển có khả năng tái tạo

Theo quy trình công nghệ này, chuỗi sản xuất các sản phẩm hoạt chất, giá trị gia tăng từ nguồn lợi biển có khả năng tái tạo được hình thành, sự ô nhiễm môi trường là giảm thiểu, hiệu quả sử dụng nguồn lợi gia tăng, chuỗi sản xuất khép kín được hình thành và có thể nhân rộng mô hình ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

2.9. Một số sản phẩm hoạt chất sinh học từ nguồn lợi biển đã thương mại hóa
 

 

 
2.10. Doanh thu từ thực phẩm chức năng

Theo thống kê cho thấy, doanh thu tạo ra từ thị trường thực phẩm chức năng trên toàn cầu ước tính đạt 441,56 tỷ đô la Mỹ tính đến năm 2022. Số liệu thực tế cho thấy, doanh thu từ thị trường thực phẩm chức năng trên toàn cầu năm 2017là 299,32 tỷ USD.

Bảng 1. Doanh thu thật và ước tính mặt hàng đồ uống chức năng ở thị trường Úc
Hạng mục Doanh thu (tính theo tỷ đô Úc)
  Năm 2013 Năm 2014 Năm 2019
Đồ uống năng lượng 578 593 632
Đồ uống thể thao 433 432 458
Đồ uống sức khỏe 96 110 174
Total 1,107 1,135 1,264
 
 
Theo thống kê thị trường Úc cho thấy, doanh thu đồ uống chức năng đạt 1,264 tỷ đô Úc vào năm 2019.


Hình 12. Doanh thu được tạo ra bởi thị trường thực phẩm chức năng trên toàn thế giới trong năm 2017 và 2022 (tính theo tỷ đô la Mỹ)

Như vậy, thấy rằng, thị trường thực phẩm đồ uống chứa các hoạt chất sinh học rất tiềm năng.

2.11. Chủ trương của Tỉnh và Nhà nước

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo sát sao, các sở ban ngành và chính quyền các địa phương đã có sự quyết tâm cao để đạt các chỉ tiêu của Ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực nuôi thủy sản (diện tích, sản lượng nuôi trồng thủy sản) để từng bước góp phần ổn định và bảo đảm các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng ngành nuôi phát triển bền vững, truy xuất nguồn gốc dễ dàng đối với các sản phẩm thủy sản khi thương mại hóa, gỡ khó và từng bước xây dựng, khẳng định thương hiệu sản phẩm thủy sản có nguồn gốc của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu [http://sonnptnt.baria-vungtau.gov.vn/web/guest/thong-tin-can-biet/-/brvt/extAssetPublisher/content/6476702/san-luong-nganh-nuoi-trong-thuy-san-tinh-br-vt-trong-6-thang-dau-nam-2017].

Đặc biệt, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương triển khai công việc chuẩn bị hình thành Trung tâm nghề cá lớn, gắn kết với các ngư trường trọng điểm theo Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16/8/2013 về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, Trung tâm nghề cá Bà Rịa – Vũng Tàu gắn với ngư trường Đông Nam Bộ. Chọn lựa địa điểm đã được UBND hoàn tất và UBND đang triển khai quy hoạch đầu tư xây dựng Trung tâm nghề cá tại Đảo Gò Găng, TP.Vũng Tàu. Hình thành Trung tâm nghề cá lớn hiện đại, bao gồm các phân khu chức năng đồng bộ sẽ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, là động lực thúc đẩy bền vững nghề cá tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và toàn vùng Đông Nam Bộ [https://tongcucthuysan.gov.vn/en-us/News/-Nghề-cá-trong-nước/doc-tin/010882/2018-06-27/ba-ria-vung-tau-tiem-nang-the-manh-trong-phat-trien-nuoi-trong-danh-bat-che-bien-va-tieu-thu-thuy-san].

Điều này cho thấy, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Nhà nước đã có những chủ trương và hành động quyết liệt cho việc hình thành khu nghề cá hiện đại, và điều này sẽ được hiện thực hóa khi các công nghệ nuôi trồng, khai thác và chế biến các sản phẩm thủy sản được theo chuỗi, không ô nhiễm môi trường, nhằm phục vụ cộng đồng.

Kết luận và kiến nghị

Như vậy thấy rằng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu rất giàu tiềm năng và thế mạnh trong việc khai thác nguồn lợi nông nghiệp nói chung, nguồn lợi thủy sản nói riêng, cụ thể là khai thác hoạt chất sinh học từ nguồn lợi biển phục vụ cộng đồng.

Quy trình công nghệ khai thác hoạt chất sinh học từ nguồn lợi biển, đặc biệt là rong biển sẽ theo công nghệ chuỗi góp phần phát triển kinh tế biển bền vững.

Kính đề nghị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tạo điều kiện và cho phép thực hiện công nghệ chuỗi trong chiết xuất các chất có hoạt tính sinh học từ nguyên liệu (như rong, tảo biển, hải sâm, cá ngựa….) thuộc vùng biển BR-VT, đặc biệt là từ nguồn nguyên liệu rong biển.
 
TS. Đặng Xuân Cường

Nguồn: Viện NC&ƯD Công nghệ Nha Trang, VHLKHCNVN

Số lượt đọc: 7385

Về trang trước Về đầu trang