Tin KHCN trong tỉnh
Đầu tư công nghệ sẽ thay đổi ngành thủy sản (17/10/2018)
-   +   A-   A+   In  
BR-VT là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế trong hoạt động khai thác và chế biến thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay các tàu đánh bắt và các hộ kinh doanh, DN chế biến thủy sản vẫn chưa chú trọng đầu tư công nghệ trong việc bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và chế biến.

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ BẢO QUẢN, CHẾ BIẾN CÒN THẤP

 

Các đại biểu tìm hiểu máy sấy thủy sản của Công ty CP máy nông nghiệp Satavi (TP. Hồ Chí Minh) tại Hội thảo  “các giải pháp ứng dụng trong bảo quản, chế biến thủy sản” do Sở KH-CN tỉnh BR-VT tổ chức.

 

Các đại biểu tìm hiểu máy sấy thủy sản của Công ty CP máy nông nghiệp Satavi (TP. Hồ Chí Minh) tại Hội thảo “các giải pháp ứng dụng trong bảo quản, chế biến thủy sản” do Sở KH-CN tỉnh BR-VT tổ chức.

 

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có 6.276 tàu đánh bắt hải sản, trong đó có 3.200 tàu đánh bắt xa bờ với tổng công suất hơn 1 triệu CV. Trữ lượng khai thác hàng năm lên đến 250.000 tấn hải sản các loại. Từ năm 2010 đến nay, tổng sản lượng khai thác hải sản của BR-VT luôn tăng đều với mức tăng bình quân 3,48%/năm, chiếm khoảng 39% sản lượng vùng Đông Nam bộ và gần 11,3% tổng sản lượng khai thác của cả nước.

 

Tuy nhiên, lĩnh vực bảo quản, chế biến thủy sản của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Thể hiện ở cơ cấu sản phẩm chế biến vẫn chủ yếu dưới dạng thô. Ngoài ra, công tác ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, nghiên cứu phát triển, đổi mới sản phẩm chưa được đầu tư đúng mức. Đặc biệt, trong chế biến mặt hàng khô. Hiện nay, các cơ sở chế biến thủy sản chủ yếu vẫn đang sử dụng phương pháp phơi nắng. Chỉ có một số ít cơ sở trang bị máy sấy nhưng lạc hậu và không thường xuyên vận hành. Chế biến surimi chủ yếu dừng lại ở việc sản xuất surimi thô dưới dạng bán thành phẩm sau đó xuất khẩu. Tỷ trọng các sản phẩm mô phỏng có giá trị tăng cao còn thấp, nên giá trị xuất khẩu chưa cao.

 

Tại hội thảo “Các giải pháp ứng dụng công nghệ trong bảo quản, chế biến thủy sản” do Sở KH-CN tổ chức (12-10), Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thi, Phân viện trưởng Phân viện nghiên cứu hải sản phía Nam nhận định, hiện nay công nghệ bảo quản thủy sản sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh BR-VT chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế, nhiều tàu khai thác chủ yếu dùng phương pháp ướp đá trong các hầm chứa với các dụng cụ đơn giản như: Túi PE, túi vải, khay nhựa và một số vật dụng khác tùy nghề khai thác. Theo số liệu thống kê, thủy sản sau khai thác hiện nay tổn thất lên đến 20% ở khâu bảo quản, thậm chí có khi lên đến 30%. Đối với các sản phẩm được đánh bắt từ tàu lưới kéo, giã cào, sản lượng hải sản đưa vào chế biến chỉ đạt 40-50% tổng sản lượng khai thác.

 

NHỮNG GIẢI PHÁP MANG LẠI HIỆU QUẢ CAO

 

Trước đây, mỗi chuyến ra khơi, con tàu có công suất hơn 600CV của ông Thái Thuần Tốt, xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) thường mang theo 2.000 cây đá xay để bảo quản hải sản. Nhưng vì hầm bảo quản được làm sơ sài từ các tấm xốp mút ghép với nhau nên giữ không giữ lạnh được lâu. Trung bình mỗi chuyến biển kéo dài 30 ngày, thì đến những ngày cuối cùng đã hết đá, độ lạnh giảm. Từ năm 2016, ông Thái đầu tư hầm chứa bằng vật liệu PU, mỗi chuyến biển đem theo đá ít hơn chỉ khoảng 1.500 cây nhưng đến ngày cuối cùng vẫn còn dư đá. Mặt khác, độ lạnh trong hầm được bảo đảm nên cá, mực tươi đạt chất lượng. “Hầm bảo quản ứng dụng công nghệ PU không những giảm được 500 cây đá xay, mà độ lạnh của đá được sử dụng đến 95% nên hải sản bảo đảm độ tươi và đồng đều. Nếu tàu về trễ 3 đến 4 ngày cũng không ảnh hưởng đến chất lượng hải sản”, ông Tốt cho hay.

 

Theo tính toán của các ngư dân, hầm bảo quản bằng công nghệ PU tiết kiệm được khoảng 30% lượng đá hao hụt và kéo dài thời gian bảo quản, làm tăng chất lượng nguyên liệu thủy sản sau khai thác. Trung bình mỗi chuyến biển thu nhập tăng thêm khoảng 15 triệu đồng.

 

Từ đó có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ trong việc bảo quản, chế biến thủy sản góp phần làm gia tăng giá trị sản phẩm. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, theo các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực thủy sản, ngư dân và DN nên sử dụng các giải pháp mới như: Thu hồi protein từ nước rửa trong quá trình chế biến thuỷ sản; ứng dụng kỹ thuật sấy bằng bơm nhiệt để cải thiện chất lượng và tiết kiệm năng lượng cho quá trình sản xuất các sản phẩm khô thủy sản; ứng dụng công nghệ gài nén để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất đối với các cơ sở chế biến nước mắm truyền thống; ứng dụng công nghệ sấy bằng hiệu ứng nhà kính để bảo quản sản phẩm thủy sản…

 

Nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng hiệu quả khai thác cho ngư dân, thời gian qua, tỉnh đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân đầu tư máy móc thiết bị và hình thành các đội tàu dịch vụ hậu cần, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân bám biển dài ngày, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm thiểu tổn thất trong quá trình bảo quản hải sản… Đến nay, toàn tỉnh có 129 tàu cá dịch vụ hậu cần hoạt động 3-5 ngày trên biển, làm đầu mối thu mua hải sản từ biển chuyển vào đất liền cung ứng cho các đại lý, chủ vựa. Toàn tỉnh có 419 DN, cơ sở, hộ cá thể sản xuất và kinh doanh chế biến thủy sản trong đó có 42 nhà máy chế biến xuất khẩu đạt tiêu chuẩn HACCP. Công suất chế biến trung bình hàng năm khoảng 250.000 tấn thành phẩm/năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt 350 triệu USD/năm.

 

Nguồn: Báo BRVT

Số lượt đọc: 5719

Về trang trước Về đầu trang