Tin KHCN nước ngoài
Hệ thống biến đổi rác thải thành nhiên liệu và giảm khí nhà kính (28/09/2018)
-   +   A-   A+   In  

Nhu cầu về một giải pháp quản lý chất thải chưa bao giờ cấp thiết hơn. Các số liệu thống kê về rác thải đáng kinh ngạc: mọi người đang mua chai nhựa với tốc độ một triệu chai/phút. Đến năm 2050, ước tính đại dương sẽ chứa khối lượng nhựa lớn hơn trọng lượng của cá. Và dù nỗ lực giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế có thể làm giảm con số đó, thì 91% số nhựa vẫn chưa được tái chế. Rác thải tại các bãi chôn lấp gây nhiễm độc bầu không khí của chúng ta và rác thải dưới đại dương cũng đang tiêu diệt các sinh vật biển.

Việc tìm ra giải pháp bền vững cho vấn đề rác thải không phải là nhiệm vụ đơn giản. Nhưng Synova, một công ty có trụ sở tại Mỹ với các văn phòng công nghệ và kinh doanh ở châu Âu và châu Á đang giải quyết vấn đề trực tiếp bằng cách biến rác thải thành năng lượng hoặc hóa chất xanh. Phương pháp mới vừa giải quyết được vấn đề về quản lý chất thải và vừa đáp ứng nhu cầu đang gia tăng của con người về nguồn điện và hóa chất sạch hơn.

 

Chuyển đổi chất thải thành năng lượng không phải là một ý tưởng mới. Khái niệm đằng sau giải pháp này rất đơn giản: loại bỏ khỏi chất thải các thành phần hóa học và biến chất thải thành nhiên liệu để đáp ứng nhu cầu điện năng của con người đang gia tăng. Về lý thuyết, quá trình này sẽ làm giảm lượng rác thải đi đến bãi chôn lấp và tạo ra một nguồn nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường hơn là dầu mỏ, khí đốt hoặc than đá.

 

Vấn đề với các giải pháp truyền thống biến chất thải thành năng lượng dường như đơn giản nhưng không dễ thực hiện. Ngay cả những phương pháp có mục tiêu tốt nhất cũng gây tốn kém, không hiệu quả và độc hại. Trực tiếp đốt chất thải để khai thác năng lượng dưới dạng hơi hoặc nhiệt (đốt cháy) có thể giải phóng các chất ô nhiễm độc hại, CO2 và tro độc vào trong bầu không khí mỏng manh - thường làm cho việc đầu tư cho quy trình này trở nên rủi ro và quá tốn kém. Một kỹ thuật khác sử dụng một bộ khí hóa để tạo ra loại khí tổng hợp từ chất thải. Quá trình đó sinh ra hắc ín và các phương pháp xử lý thông thường để giảm thiểu hắc ín không hiệu quả hoặc tốn kém và nhìn chung không khác biệt so với đốt chất thải. Việc kết hợp giải pháp xử lý chất thải thành năng lượng sạch và hiệu quả về chi phí dường như sẽ không đạt được.

 

Vì thế, công ty Synova đã nghiên cứu kỹ lưỡng các bộ khí hóa trên khắp hành tinh và cố gắng đưa ra một giải pháp hiệu quả và hợp lý. MILENA-OLGA, hệ thống sử dụng bốn bước để chuyển đổi chất thải thành nhiên liệu và giảm khí nhà kính trong quá trình này, đã được phát triển.

 

Thứ nhất, chất thải được xử lý nhẹ: nước, cát, kim loại hoặc các chất tái chế được loại bỏ khỏi chất thải để sản xuất nguyên liệu. Tiếp theo, nguyên liệu này được khí hóa trong bộ khí hóa MILENA, sinh ra khí tổng hợp dày đặc. Sau đó, khí tổng hợp được làm sạch trong hệ thống OLGA, loại bỏ chất gây ô nhiễm như hắc ín. Cuối cùng, khí sạch được sử dụng để sản xuất điện thông qua động cơ hoặc tuabin khí, hiệu quả hơn nhiều so với lò hơi ở mọi quy mô. Loại bỏ các tạp chất trước khi sử dụng cho phép khí được sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Các đơn vị để tổng hợp khí tự nhiên hoặc khai thác nguyên liệu nhựa tái tạo hoặc nhiên liệu cũng được chứng minh và sẽ sớm được thương mại trên thị trường.

 

Hệ thống này kết hợp các công nghệ mà công ty Synova đã nghiên cứu để đổi mới. Một phần của hệ thống OLGA đã được phát triển trong nhiều thập kỷ bởi một nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu năng lượng của Hà Lan (ECN), trước đây do Bram van der Drift dẫn đầu, giờ là giám đốc công nghệ của công ty SYNOVA.

Hệ thống gồm bốn bước khiến cho quy trình trở nên hơi phức tạp. Nhưng việc phân chia quy trình và các bộ phận thực tế có thể quản lý đã làm cho kỹ thuật này hiệu quả hơn 50% so với hiệu quả trung bình của một nhà máy xử lý chất thải thành năng lượng, làm giảm chi phí. Điều đó làm cho hệ thống của công ty Synova trở thành sự kết hợp chi phí-hiệu quả và sạch, có triển vọng áp dụng cho nhiều nơi trên hành tinh đang chịu gánh nặng của sự gia tăng số lượng các bãi chôn lấp và các tảng rác thải. Tại các nước đang phát triển, đây là giải pháp thực tế đầu tiên để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm đất và nước đáng báo động.

Nguồn: Vista

Số lượt đọc: 1263

Về trang trước Về đầu trang