Tin KHCN trong nước
Hội nghị Thượng đỉnh về thành phố thông minh (ASOCIO 2018 - Hà Nội) (24/09/2018)
-   +   A-   A+   In  
Ngày 18/9/2018, UBND TP. Hà Nội, Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á-châu Đại Dương (ASOCIO), Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về thành phố thông minh (ASOCIO 2018 - Hà Nội). Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành của Trung ương; các tỉnh, thành phố có kế hoạch xây dựng thành phố thông minh (TPTM); các hội, hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp chuyên ngành CNTT; gần 70 đại biểu quốc tế từ 20 quốc gia và nền kinh tế.

Hội nghị được tổ chức nhằm chia sẻ tầm nhìn, chiến lược, chính sách và kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh; thúc đẩy xây dựng phát triển các đô thị thông minh tại Việt Nam và các quốc gia trong khu vực thông qua việc triển khai các ứng dụng trên nền tảng công nghệ mới: IoT, big data, AI, AR…
 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2020 tại Việt Nam, ít nhất 3 đô thị được phê duyệt Đề án tổng thể về phát triển đô thị thông minh và tổ chức thực hiện đầu tư hạ tầng và phát triển ứng dụng các tiện ích đô thị thông minh. Hà Nội là một trong số những siêu đô thị trên thế giới về diện tích và quy mô dân số. Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến rất nhiều thách thức trong vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường. 

Theo ông Nguyễn Đức Chung, Hà Nội lựa chọn mục tiêu xây dựng đô thị thông minh. Việc thực hiện mục tiêu này trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng với những công nghệ nổi bật như: In 3D, thực tế ảo, điện toán đám mây, robot, big data, block chain, trí tuệ nhân tạo,... đòi hỏi các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia công nghệ cùng nhau lựa chọn phương thức và các bước đi thích hợp để xây dựng đô thị hay thành phố có thể cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội. Hà Nội mong muốn hướng tới một mô hình thành phố thông minh mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu và thảo luận nhiều câu hỏi được đặt ra với Hà Nội nói riêng và các thành phố, các đô thị nói chung, đó là: Mô hình nào, phương thức nào để triển khai đô thị thông minh, tính bền vững của đô thị thông minh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0? Cần hoạch định xây dựng các chính sách như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng TPTM? Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp,... sẽ được thực hiện như thế nào? Tại hội nghị này, những vấn đề nêu trên đã phần nào được giải đáp thông qua chia sẻ kinh nghiệm từ các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, các tham luận của diễn giả là nhà nghiên cứu, nhà khoa học, từ các tổ chức và doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế.

 

 
Hội thảo “Các ứng dụng, giải pháp cho thành phố thông minh” trong khuôn khổ Hội nghị

Trong khuôn khổ Hội nghị, có các hội thảo chuyên đề: Chính quyền số và chiến lược xây dựng TPTM; TPTM hơn với ít giao dịch tiền mặt hơn; hạ tầng, nền tảng - cơ sở quan trọng cho các TPTM; dữ liệu định hướng: Thu thập, phân tích dữ liệu và lập kế hoạch cho các thành phố; công nghiệp thông minh; các ứng dụng và giải pháp cho TPTM. Ngoài ra còn có các hoạt động xúc tiến hợp tác như triển lãm giới thiệu sản phẩm, giải pháp công nghệ tiên tiến liên quan.

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 2970

Về trang trước Về đầu trang