Tin KHCN trong nước
Diễn đàn Mô hình liên kết thúc đẩy và phát triển thị trường khoa học và công nghệ (04/09/2018)
-   +   A-   A+   In  
Ngày 30/8/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI tổ chức sự kiện Diễn đàn Mô hình liên kết thúc đẩy và phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Tham dự Diễn đàn có ông, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc.

Các hoạt động liên kết và xúc tiến nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại hóa công nghệ rất quan trọng để góp phần phát triển thị trường KH&CN, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần tham gia thị trường. Hiện nay, những mô hình về tổ chức trung gian đang tạo nên những cơ hội để các nhà đầu tư tìm kiếm các sáng chế, kết quả nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa trong mọi lĩnh vực để ứng dụng phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Diễn đàn “Mô hình liên kết nhằm thúc đẩy và phát triển thị trường khoa học và công nghệ” được chia làm 3 phiên với sự tham gia, giới thiệu của nhiều mô hình tiêu biểu trong nước và quốc tế như: mô hình ươm tạo công nghệ và chuyển giao công nghệ từ trường đại học, mô hình gắn kết giữa các doanh nghiệp với các viện nghiên cứu hay việc hình thành các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ ngay trong doanh nghiệp.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, hiện tại, về cơ bản môi trường pháp lý cho thị trường KH&CN đã đầy đủ nhưng chưa thực sự hoàn thiện. Sự kết nối giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp KH&CN với cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, phân phối, thương mại còn hạn chế, tổ chức trung gian chưa đủ mạnh để cung cấp các dịch vụ kết nối, hỗ trợ bên cung, bên cầu và các bên khác trong các giao dịch liên quan đến công nghệ, tài sản trí tuệ. Các sàn giao dịch công nghệ hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa khẳng định được vai trò là đầu mối trong việc thu hút, tập hợp công nghệ trong nước và quốc tế. Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, Diễn đàn là nơi chia sẻ cởi mở và thảo luận sâu sắc về những vấn đề thực tế đang vướng mắc để có được những tư vấn tư các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế để có những giải pháp cụ thể cho từng mô hình của các chuyên gia nước ngoài. Qua đó, sẽ có sự cam kết cộng tác và thực hiện của các bên tham gia phát triển thị trường KH&CN.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, kết quả khảo sát của VCCI năm 2016 tại 10 ngành, trong đó có 7 ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo cho thấy, có đến gần 60% doanh nghiệp đang sử dụng các công nghệ có tuổi đời trên 6 năm. Như vậy, đổi mới công nghệ là đòi hỏi cấp thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế và đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Rất nhiều các doanh nghiệp đã nhận thức được vấn đề này nên đã và đang triển khai các hoạt động để đổi mới công nghệ.

Để thực hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, Bộ KH&CN đã có nhiều các chương trình, dự án hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ. Tuy nhiên, một thực tế là hiện nay thị trường khoa học công nghệ ở Việt Nam chưa thực sự phát triển để giúp các doanh nghiệp có thể tìm kiếm và mua các công nghệ hay bí quyết mà họ cần. Theo kết quả khảo sát đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp thuộc dự án FIRST-NASATI thực hiện mới đây, có tới gần 85% các doanh nghiệp tự thực hiện các hoạt động nghiên cứu phát triển để có được các sản phẩm mới, chỉ có gần 14% các doanh nghiệp đã phối hợp với các đơn vị bên ngoài để triển khai nghiên cứu đổi mới sản phẩm. Còn để đổi mới quy trình, chủ yếu các doanh nghiệp thực hiện thông qua phương thức đầu tư vào công nghệ mới hay nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ hiện tại, trong khi các hoạt động chuyển giao từ các tổ chức KH&CN đến doanh nghiệp lại rất thấp (dưới 1%). Do đó, vấn đề liên kết chuyển giao tri thức, kết quả nghiên cứu giữa các nhà khoa học, viện, trường cho các doanh nghiệp có thể được coi là yếu tố quyết định giúp phát triển thị trường KH&CN, nhằm nâng cao trình độ KH&CN ở Việt Nam.

Thông qua chương trình hợp tác với Bộ KH&CN, từ năm 2007 tới nay, VCCI đã tổ chức hơn 60 chương trình hội thảo/diễn đàn nhằm phổ biến thông tin công nghệ, kết nối nhu cầu công nghệ cho các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Theo ông Vũ Tiến Lộc, trong thời gian tới, để đưa sản phẩm khoa học công nghệ gắn trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ cần có một mô hình chuỗi liên kết cụ thể, đi vào chiều sâu, phát huy tối đa vai trò của các nhân tố trong thị trường khoa học công nghệ như các tổ chức viện, trường, tổ chức trung gian, doanh nghiệp KHCN, doanh nghiệp. VCCI mong muốn sẽ thành lập được một hiệp hội tập hợp các doanh nghiệp KHCN, các tổ chức trung gian giúp phát triển thị trường thị trường khoa học công nghệ.

Theo các chuyên gia, để thị trường khoa học công nghệ phát triển, Việt Nam cần tạo môi trường thuận lợi, đẩy mạnh các hoạt động liên kết và xúc tiến những hoạt động thương mại hóa công nghệ, tài sản trí tuệ. Các doanh nghiệp nước ngoài có thể hỗ trợ xây dựng hệ thống vườn ươm, chuyển giao tri thức, đào tạo chuyên gia, nhà quản lý để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, gắn kết vào mạng lưới nghiên cứu toàn cầu để có thể tiếp cận nhanh chóng với xu hướng mới nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 1441

Về trang trước Về đầu trang