Tin KHCN trong nước
Phát triển đô thị thông minh đang trở thành xu thế tất yếu (21/08/2018)
-   +   A-   A+   In  

Chiều 18/8/2018, tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra Hội thảo “Xây dựng và Phát triển đô thị thông minh gắn với bảo vệ môi trường”.

Hơn 200 đại biểu đến từ các địa phương đã và đang triển khai việc xây dựng đô thị thông minh, các chuyên gia (Nhật Bản và Việt Nam), các DN nghiên cứu về thành phố thông minh.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Theo Liên Hợp Quốc, hiện nay hơn một nửa dân số thế giới tập trung sống và làm việc ở các đô thị. Dự báo đến năm 2050 sẽ có khoảng trên 70% dân số sẽ tập trung ở các thành phố. Mật độ dân số cao ở các thành phố gây ra sức ép ngày càng lớn cho các cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề: ô nhiễm môi trường; thiếu hụt nước sạch, tài nguyên đất đai; quá tải hạ tầng giao thông.

Sự phát triển của các công nghệ mới mà đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo... đã đưa công nghệ TT&TT đóng vai trò quan trọng như là một giải pháp then chốt để giải quyết các áp lực mà các đô thị gặp phải thông qua các giải pháp như: Giao thông thông minh, quản lý nguồn nước thông minh, quản lý năng lượng thông minh…

Từ đó, khái niệm đô thị thông minh hoặc thành phố thông minh ra đời và phát triển. Nhiều thành phố trên thế giới đã và đang triển khai xây dựng các mô hình thành phố thông minh cho riêng mình. Việc phát triển thành phố thông minh, gắn với bảo vệ môi trường đang trở thành xu thế phát triển của thời đại.

Tính đến cuối năm 2017, nước ta có trên 800 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh từ 23,7% năm 1999 lên 37,5% năm 2017. Mặc dù số lượng đô thị tăng nhanh nhưng đa số đều đối mặt với các thách thức như: Chất lượng đô thị chưa bảo đảm, hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp tốc độ phát triển dẫn đến những vấn đề cần phải giải quyết như kẹt xe, thiếu nước sinh hoạt, ngập úng, ô nhiễm môi trường...

Tại Quảng Nam, việc phát triển đô thị theo hướng bền vững đã được quan tâm từ sớm tại Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 17/5/2011 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 4, khóa XX về phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Một số địa phương đã bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu về đô thị thông minh, bền vững. Tuy nhiên, việc triển khai thực tế của các địa phương vẫn còn hạn chế. Việc tiếp cận và thực hiện đô thị thông minh chủ yếu lấy “Xây dựng chính quyền điện tử các cấp” làm trọng tâm, chưa có những nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện về xây dựng đô thị thông minh và cách thức triển khai đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh, chưa ban hành được các đề án, các dự án để cụ thể hóa chủ trương đã được ban hành.

TP. Tam Kỳ là địa phương được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm cho phép đề xuất nghiên cứu triển khai xây dựng thí điểm đô thị thông minh tại Quảng Nam. Tam Kỳ là một đô thị loại 2 với vai trò là thành phố tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế và khoa học kỹ thuật của tỉnh.

Hội thảo lần này là dịp để các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế chia sẻ những mô hình, kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh, sinh thái được áp dụng thành công trên thế giới và các tỉnh, thành phố của Việt Nam. Từ đó, đưa ra các giải pháp thích hợp để xây dựng và phát triển mô hình đô thị thông minh tại TP. Tam Kỳ và các đô thị khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP. Đà Nẵng cho biết: TP. Đà Nẵng đã sớm nhận ra vai trò của CNTT trong cải cách hành chính và đóng góp của phát triển các ngành, lĩnh vực phát triển KT-XH; phát triển đô thị thông minh. Từ năm 2008, Thành phố đã bắt đầu triển khai đề án “Đà Nẵng-Thành phố môi trường” và từ năm 2014 bắt đầu triển khai Đề án “Đà Nẵng-Thành phố thông minh hơn”.

“Để thực hiện thành công thành phố thông minh, Đà Nẵng đã ban hành Khu kiến trúc tổng thể xây dựng thành phố thông minh để định hướng mô hình phù hợp với địa lý, hiện trạng CNTT và KT-XH của Đà Nẵng. Đặc biệt, chủ trương, phương pháp trong triển khai xây dựng thành phố thông minh Đà Nẵng là ‘đa đối tác - một nền tảng - một hạ tầng - một chính sách - đa ứng dụng’ với công nghệ xanh, bền vững”, ông Trần Ngọc Thạch chia sẻ.

Ông Tomoaki Tokusa, Phó Giám đốc nghiên cứu Qũy FMMC (Nhật Bản) cho rằng, trong bối cảnh này, việc tìm ra giải pháp để vừa đáp ứng nhu cầu nhà ở của con người, đồng thời vẫn bảo đảm được sự thân thiện với môi trường, đã trở thành một vấn đề quan trọng. Sự xuất hiện của mô hình đô thị thông minh (smart town) được xem là một giải pháp hữu hiệu để giải quyết bài toán mở rộng đô thị và bảo vệ môi trường, mà Nhật Bản là một trong những quốc gia đi đầu.

“Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, để có thiết kế xây dựng kế hoạch xây dựng thành phố thông minh thì phải thu thập ý kiến của người dân, chuyên gia bằng các việc tổ chức các hội thảo, cuộc gặp gỡ, chia sẻ. Khởi động hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ thông minh, có các giải pháp tận dụng tận dụng tối đa năng lượng Mặt Trời, giảm mạnh lượng khí thải CO2 tại đô thị”.

Nguồn: Báo điện tử chính phủ

Số lượt đọc: 2917

Về trang trước Về đầu trang