Tin KHCN trong nước
Cuộc thi Sáng chế 2018: Sáng tạo công nghệ cho cuộc sống hằng ngày (17/08/2018)
-   +   A-   A+   In  
Với chủ đề "Sáng tạo cho cuộc sống hằng ngày", cuộc thi Sáng chế 2018 khuyến khích các hoạt động sáng chế, sáng tạo nhằm tạo ra các công nghệ, giải pháp kỹ thuật mới có tính ứng dụng rộng rãi, tiết kiệm chi phí, và đáp ứng các nhu cầu thiết thực của cuộc sống.

Sáng 16/8/2018, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổng cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) và Ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam tổ chức lễ công bố Cuộc thi Sáng chế năm 2018 với chủ đề "Sáng tạo công nghệ cho cuộc sống hằng ngày".
 
Phát biểu tại lễ công bố, Cục trưởng Cục Sở Hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí nhấn mạnh: “Việc tham gia cuộc thi không chỉ là cơ hội để thể hiện năng lực sáng tạo của chính tổ chức và cá nhân đó, mà còn là cơ hội để quảng bá các giải pháp kỹ thuật và kết nối cơ hội kinh doanh với các nhà đầu tư tiềm năng.”
 
Với chủ đề năm nay, cuộc thi khuyến khích các hoạt động sáng chế, sáng tạo nhằm tạo ra các công nghệ, giải pháp kỹ thuật mới có tính ứng dụng rộng rãi và tiết kiệm chi phí để đáp ứng các nhu cầu thiết thực của cuộc sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 
Theo đó, mọi công dân Việt Nam đang cư trú, sinh sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam tạo ra giải pháp kỹ thuật là đối tượng được bảo hộ sáng chế thuộc mọi lĩnh vực kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, đời sống kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng..., có thời điểm bộc lộ công khai lần đầu (ở trong nước hoặc ở nước ngoài) hoặc áp dụng lần đầu tại Việt Nam sau ngày 31/5/2013 và chưa tham dự Cuộc thi Sáng chế do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức các năm 2013 và 2014 đều có quyền đăng ký tham dự cuộc thi.
 
Cuộc thi được bắt đầu từ tháng 8/2018; vòng chung khảo, hội thảo tổng kết và lễ trao giải dự kiến được tổ chức vào tháng 4/2019.
 
 
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí phát biểu tại lễ công bố. Ảnh: Đoàn Dung
 
Cuộc thi Sáng chế là sự kiện thường niên do WIPO, KIPO và Cơ quan Sở hữu trí tuệ của các quốc gia đang phát triển phối hợp tổ chức nhằm thúc đẩy tinh thần sáng tạo để đưa ra các giải pháp kỹ thuật nhằm cải thiện cuộc sống cộng đồng ở chính các quốc gia đó.

Tại Việt Nam, cuộc thi Sáng chế đầu tiên được tổ chức vào năm 2013 dành cho một số tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam. Kết quả đã có 146 giải pháp dự thi thuộc nhiều lĩnh vực kỹ thuật khác nhau như cơ khí chế tạo, tự động hóa, vật liệu mới, công nghệ môi trường, công nghệ sinh học... Cuộc thi tiếp theo tổ chức vào năm 2014 có 173 giải pháp kỹ thuật dự thi.
 
Nhiều giải pháp dự thi có tính ứng dụng cao, điển hình như giải pháp Máy gặt đập lúa (giải nhất cuộc thi năm 2013) của Công ty TNHH Nhựa Hoàng Thắng (Cần Thơ). Với các tính năng công suất cao, tiết kiệm nhân lực và nhiên liệu, giảm tỷ lệ hao hụt lúa và có giá rẻ chỉ bằng một nửa so với các loại máy nhập ngoại cùng loại, máy đã được bà con nông dân sử dụng rộng rãi tại Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung.
 
Các chuỗi sự kiện của Cuộc thi Sáng chế 2018:

- Lễ công bố cuộc thi: 16/8/2018

- Nhận hồ sơ dự thi: Từ khi công bố đến hết ngày 31/12/2018

- Hội thảo định hướng: Các hội thảo sẽ được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM (dự kiến trong tháng 8/2018) nhằm hướng dẫn, đào tạo về sử dụng thông tin sáng chế cho các đối tượng quan tâm.

- Vòng chung khảo, hội thảo tổng kết và lễ trao giải dự kiến được tổ chức vào tháng 4/2019. Tại vòng chung khảo, 10 tác giải có các giải pháp xuất sắc nhất được chọn ra từ vòng sơ khảo sẽ trình bày nội dung giải pháp của mình trước hội đồng giám khảo gồm 5 chuyên gia trong nước và 2 chuyên gia quốc tế.

- Cơ cấu giải thưởng gồm: 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba và 7 giải khuyến khích.

Nguồn: Khoahocphattrien

Số lượt đọc: 4190

Về trang trước Về đầu trang