Tin KHCN trong nước
3 Bộ phối hợp xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý (13/08/2018)
-   +   A-   A+   In  
Quy chế phối hợp giữa 3 Bộ về chỉ dẫn địa lý sẽ tập trung nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hỗ trợ các chỉ dẫn địa lý phát huy tối đa hiệu quả, giá trị của sản phẩm được bảo hộ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm Việt trong bối cảnh hội nhập thị trường quốc tế.

Ngày 8/8, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công Thương (CT) ký kết Quy chế phối hợp về xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý (CDĐL).


3 bộ ký kết quy chế phối hợp về quản lý chỉ dẫn địa lý. Ảnh: VGP/Thu Cúc

Quy chế phối hợp được đưa ra để bảo đảm sự phối hợp thống nhất, hiệu quả giữa Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT, Bộ CT trong công tác xây dựng và quản lý CDĐL của Việt Nam; góp phần tích cực trong quản lý nhà nước về CDĐL, hiệu quả kinh tế - xã hội của bảo hộ CDĐL, nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm mang CDĐL.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động sử dụng CDĐL của các tổ chức, cá nhân, hiệu quả trong hoạt động liên kết vùng để phát triển các sản phẩm chủ lực của liên tỉnh, liên vùng góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước; góp phần triển khai hiệu quả các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các tuyên bố chung của Việt Nam với các nước liên quan đến chỉ dẫn địa lý,

Theo đó, nội dung phối hợp giữa 3 Bộ bao gồm: Xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến CDĐL; tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ khác có liên quan đến CDĐL; phối hợp phát hiện, ngăn chặn, kiểm soát và xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với CDĐL trên thị trường; phối hợp hỗ trợ xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ và quản lý CDĐL; thành lập hội đồng tư vấn CDĐL nhằm tư vấn cho Bộ trưởng 3 Bộ và các cơ quan liên quan về xây dựng và quản lý CDĐL ở Việt Nam.

Trong thời gian qua nhiều chính sách, Chương trình, giải pháp hỗ trợ phát CDĐL đã được xây dựng và đưa vào triển khai trên thực tế như Chương trình “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ”, các Chương trình phát triển thương hiệu của Chính phủ và các Chương trình hỗ trợ phát triển đặc sản địa phương của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tính đến ngày 31/7/2018, Việt Nam đã bảo hộ được 68 CDĐL, trong đó có 62 CDĐL của Việt Nam và 6 CDĐL của nước ngoài với nhiều loại sản phẩm từ các sản phẩm tươi sống như: Trái cây, thủy sản, gạo… sản phẩm chế biến như nước mắm, mắm tôm, đến các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp như nón lá Huế, cói Nga Sơn, trúc sào Cao Bằng. CDĐL đang dần chứng minh vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn sự đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản của Việt Nam.

Quy chế phối hợp giữa 3 Bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở để các Bộ phối hợp, tập trung nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hỗ trợ các CDĐL phát huy tối đa hiệu quả, giá trị của sản phẩm được bảo hộ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm Việt trong bối cảnh hội nhập thị trường quốc tế.

Đặc biệt, sự phối hợp giữa 3 Bộ sẽ phát huy được ưu thế về năng lực chuyên môn, nguồn lực con người và tài chính của từng Bộ, đồng thời tạo ra sự thống nhất, bổ trợ lẫn nhau trong các hoạt động xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL và cũng là cơ sở để các địa phương xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Sở, ngành của địa phương mình trong xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL.

Sau Lễ ký kết, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) sẽ phối hợp với các đơn vị của 2 Bộ (NN&PTNN, CT) tổ chức các hội nghị giới thiệu, phổ biến nội dung của quy chế nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa 3 ngành (KH&CN, NN& PTNT, CT) ở các địa phương./.

Nguồn: Most.gov.vn

Số lượt đọc: 3126

Về trang trước Về đầu trang