Thay đổi chiến lược đào tạo
Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường năng lực đón nhận làn sóng cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN này, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam sẽ có đội ngũ 1 triệu nhân lực công nghệ số trình độ cao.
Theo nhận định của PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi cơ cấu nguồn nhân lực và cơ cấu năng lực của người tốt nghiệp. Một số ngành công nghiệp truyền thống sẽ cần ít nhân lực hơn và những ngành công nghiệp mới nổi cần nhiều nhân lực hơn.
Do đó, năng lực của SV cũng cần thay đổi rất nhiều, năng lực về số, năng lực giải quyết vấn đề, hội nhập quốc tế, thích ứng về thay đổi của công nghệ, năng lực tư duy thiết kế...
Với mong muốn thúc đẩy các hoạt động GD, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong kỷ nguyên CMCN 4.0, trong những năm qua, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã thay đổi chiến lược đào tạo của trường, theo đó trường cải tiến xây dựng chuẩn đầu ra các môn học nhằm cung cấp cho SV những năng lực cốt lõi trong thời gian tới, đồng thời vào giảng dạy giúp sinh viên phát huy tối đa năng lực và độ sẵn sàng để hội nhập.
Sự kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp
Mới đây, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Tập đoàn SAP (Hãng phát triển hàng đầu về các phần mềm ứng dụng trong doanh nghiệp) đã ký kết bản ghi nhớ cùng hợp tác nhằm xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực và chuẩn bị cho SV gia nhập thị trường việc làm công nghệ thông tin.
Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, hợp tác chiến lược này sẽ phát huy công nghệ và cách tiếp cận chuyển dịch số bền vững của SAP, nhằm xây dựng một nền tảng công nghệ vững chắc trong những lĩnh vực đào tạo của nhà trường. SV của trường có cơ hội tiếp cận những công nghệ mới của CMCN 4.0 như Internet vạn vật (IoT), học máy (Machine Learning), đồng thời cung cấp những kỹ năng mềm như giải quyết vấn đề với phương pháp tư duy thiết kế...
Ông Scott Russell, Chủ tịch SAP khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chia sẻ quan điểm:Khi con người là yếu tố then chốt trong quá trình chuyển dịch số, việc trang bị cho giới trẻ các kỹ năng công nghệ số cần thiết để sáng tạo có mục đích sẽ giúp thế giới vận hành tốt hơn và cải thiện cuộc sống của mọi người. Để làm được điều này, các trường ĐH cũng cần tự chuyển dịch số hóa để thấy được sự thay đổi về nhận thức, thay đổi về kỳ vọng của sinh viên đối với nhà trường.
Trường ĐH Bách khoa HN là một trong 7 trường ĐH đào tạo công nghệ thông tin (CNTT) chính tại VN. Mỗi năm có 500 SV ngành Công nghệ thông tin tốt nghiệp từ đây và được các nhà tuyển dụng chào đón. Rất nhiều SV có việc làm trước khi tốt nghiệp (2 năm cuối ĐH) hoặc dễ dàng tìm kiếm viêc làm khi vừa tốt nghiệp.
Thống kê cho thấy, có khoảng 91% SV tốt nghiệp làm ở các công ty tư nhân và nước ngoài, bao gồm 10% làm việc ở nước ngoài, 18% làm việc cho công ty nước ngoài tại Việt Nam và 15% khởi sự công ty riêng;
Thu nhập trung bình của SV công nghệ thông tin của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là 10,6 triệu đồng/tháng, so với mức 8,2 triệu đồng/tháng của mặt bằng chung các SV của nhà trường sau khi tốt nghiệp, vượt trội so với mặt bằng 5 - 8 triệu đồng/tháng của SV tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin khác (theo thống kê của Vietnamworks).
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đẩy mạnh hợp tác đối tác với các tập đoàn doanh nghiệp và công nghiệp, đã hợp tác với các đối tác khác như VNPT, Siemens, Samsung và đã ký kết với rất nhiều các đối tác lớn tại Việt Nam. PGS Hoàng Minh Sơn hi vọng thông qua hợp tác, sinh viên có thể được trang bị những hiểu biết và những kỹ năng thực tế khi làm việc với doanh nghiệp.