Tin KHCN trong nước
Sản xuất thông minh: Mấu chốt vẫn là giáo dục (26/07/2018)
-   +   A-   A+   In  

Đứng trước viễn cảnh Công nghiệp 4.0, sẽ là hiệu quả hơn nếu các nước đang phát triển như Việt Nam biết hướng sự ưu tiên cho một số lĩnh vực hoặc khía cạnh cụ thể, chẳng hạn nền sản xuất thông minh.

Hiện nay, xu hướng tự động hóa và liên kết dữ liệu lớn (big data) trong khu vực sản xuất chế tạo thực sự đang gây ra những xáo trộn ghê gớm đối với lực lượng lao động, khi các chương trình phần mềm (software) dần làm chủ cuộc chơi - đồng nghĩa với chuột máy tính thay thế vị trí của mỏ lết trên sàn nhà máy.

Mặc dù Việt Nam được xếp vào nhóm các nước chưa sẵn sàng cho Công nghiệp 4.01 (tức ở trình độ sơ khởi) và có đến 62% doanh nghiệp công thương cho biết không xác định được các công việc cần phải làm2, nhưng sản xuất thông minh vẫn là xu thế tất yếu và không ai có thể đứng ngoài cuộc nếu không muốn bị đào thải.

Một tín hiệu đáng mừng là một số doanh nghiệp lớn tiên phong trong nước như Tập đoàn ô tô VinFast đã đầu tư mạnh mẽ cho mô hình sản xuất ứng dụng các công nghệ 4.0 để đi tắt đón đầu và nhằm đạt đến một nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị.

Theo báo cáo của ông Võ Quang Huệ - Phó Tổng giám đốc VinFast - tại Hội thảo “Phát triển nền sản xuất thông minh: Tầm nhìn và giải pháp công nghệ” diễn ra hôm 13/07/2018 tại Hà Nội, toàn bộ quy trình của hãng sẽ được thực hiện tại 5 nhà máy riêng biệt với những công nghệ đặc biệt trong chẩn đoán lỗi, giám sát hiệu suất theo thời gian thực hay tối ưu hóa tài nguyên,… tất cả đều được đặt hàng từ các đối tác và nhà cung cấp hàng đầu thế giới như Siemens, Bosch, ABB,… Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất để biến tương lai trên trở thành hiện thực, theo ông Huệ, vẫn nằm ở con người.

Không chỉ riêng VinFast, vấn đề cốt lõi đối với những tay chơi trong làn sóng Công nghiệp 4.0 chính là làm sao đặt được đúng con người vào đúng nơi cần thiết để có thể tận dụng hết các lợi thế do công nghệ mang lại, và hiện thực hóa tiềm năng của nền sản xuất thông minh.

Thế nhưng, rất nhiều tranh cãi đang nổ ra hiện nay chủ yếu vẫn xoay quanh sự thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực sản xuất, hay còn gọi là khoảng cách về kỹ năng (skill gap).

Theo dự báo của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ3, có đến 60% công việc mới trong thế kỷ 21 sẽ cần đến những kỹ năng được nắm giữ bởi chỉ 20% lao động hiện tại - dẫn đến đòi hỏi phải đổi mới hệ thống giáo dục. Hay như trong mô hình sản xuất thông minh mà VinFast đang chạy đua để hoàn thiện, tất cả các quy trình và công đoạn đều được thiết kế dựa trên cơ sở liên kết dữ liệu - không thể thiếu vai trò vận hành của những nhân sự có kỹ năng cao, được đào tạo bài bản, điều mà hệ thống giáo dục hiện nay (nhất là đào tạo nghề kỹ thuật) vẫn chưa thể đáp ứng.

Như vậy, trước hết chúng ta cần thay đổi nhận thức, đặc biệt từ bỏ lối suy nghĩ lệch lạc trước đây khi cho rằng các công việc trong ngành sản xuất là “dơ dáy” cũng như “đãi ngộ kém”. Điều này thực sự không đơn giản, bởi ngay cả những quốc gia công nghiệp tiên tiến như Mỹ vẫn có một tỷ lệ lớn sinh viên, chỉ đơn giản là không hứng thú với những vị trí trong các nhà máy. Theo Raj Batra - Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực tự động hóa của Siemens, thì “chúng ta cần khiến các sinh viên, phụ huynh và nhà quản lý hiểu được bản chất của những công việc này và sinh viên cần phải học gì, rồi sau đó mới cung cấp chương trình đào cho tạo phù hợp”.

Một nền sản xuất thông minh sẽ hướng tới cắt giảm chi phí hoạt động song vẫn đảm bảo nhu cầu tăng năng suất nhờ vào các quy trình được thiết kế theo hướng ngày càng tự động . Để đáp ứng được đòi hỏi này, các chương trình đào tạo phải được đổi mới và trang bị được cho người học những kỹ năng mở rộng toàn diện như: 1) Hiểu biết về quy trình sản xuất toàn diện; 2) Làm việc trên điện thoại và ứng dụng thông minh; 3) Tạo ứng dụng; 4) Hiểu cách nhận và trực quan hóa dữ liệu theo thời gian thực (như ứng dụng ActiveCockpit); 5) Tạo và triển khai video; 6) Tạo hình ảnh ảo; 7) Tạo và biết cách tương tác thực tế ảo; 8) Khai thác dữ liệu; 9) Hiểu và làm việc với cơ sở dữ liệu, …

Bên cạnh đó cũng không thể thiếu vắng vai trò của các kỹ năng mềm như: 1) Giải quyết vấn đề; 2) Xử lý những tình huống phức tạp; và 3) Tư duy phản biện… Một số đề xuất đáng chú ý, như của ông Guru Mallikarjuna (CEO Bosch Việt Nam), đó là chương trình đào tạo kỹ thuật viên của chúng ta nên ưu tiên hơn cho các lĩnh vực tự động hóa, hệ thống điều khiển và thiết kế đổi mới - tất cả đều được tích hợp trong chuyên ngành cơ điện tử (kết hợp giữa cơ khí và điện tử)5.

Để hoàn thành những nhiệm vụ trên, giữa các cơ sở giáo dục đào tạo với nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất chế tạo nhất thiết phải có sự hợp tác đủ sâu rộng và mạnh mẽ. Trong lúc chính sách giới thiệu và lồng ghép giáo dục STEM vào chương trình phổ thông (ngay từ cấp tiểu học) chỉ nên được xem là một chiến lược tương lai thì trong ngắn hạn, chúng ta rất cần những động thái quyết liệt để khai phá, mở đường - điều mà VinFast hay một số đơn vị khác như TVET6 đang làm. Chẳng hạn, VinFast đặt tham vọng xây dựng một trung tâm đào tạo kỹ thuật viên đáp ứng được nhu cầu của nền sản xuất 4.0 với quy mô lớn nhất Đông Nam Á.

Cuối cùng, Việt Nam chắc chắn sẽ không thể đứng ngoài xu hướng Công nghiệp 4.0 mà nền sản xuất thông minh là một đặc trưng tiêu biểu nhất. Dù đang ở mức xuất phát điểm tương đối thấp, cũng như phần lớn các doanh nghiệp trong nền kinh tế vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng, song với lợi thế của một nước đi sau, chúng ta vẫn còn dư địa rất lớn để phát triển. Tuy nhiên, nút thắt lớn nhất trên thực tế vẫn nằm ở công tác đào tạo nguồn nhân lực. Vì vậy, nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo cần chủ động, cùng nhau nỗ lực để chấm dứt vấn đề nan giải này.

Nguồn: Báo KH&PT

Số lượt đọc: 3878

Về trang trước Về đầu trang