Vệ tinh Microdragon là sản phẩm được phát triển bởi Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, một đơn vị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam có sự đóng góp bởi các sinh viên Việt Nam đã và đang theo học tại 5 trường đại học hàng đầu Nhật Bản.
Trong ảnh là mô hình của vệ tinh Microdragon. Nó có kích thước 50x50x50 cm, nặng 50kg và có quỹ đạo 500km.
Microdragon sử dụng nguồn năng lượng được cung cấp bởi những tấm pin mặt trời với công suất phát lớn nhất của pin là 140W.
Vệ tinh này có thể mang theo mình một loạt các thiết bị viễn thám giúp chụp hình ảnh từ không gian, từ đó theo dõi được chất lượng nước biển ven bờ. Các hình ảnh này sau đó sẽ được truyền về cho trung tâm xử lý dưới mặt đất.
Cách đây 5 năm, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam từng phóng thành công một vệ tinh khác với tên gọi PicoDragon. Đây là sản phẩm đầu tay của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Nó được tạo ra với mục đích đo đạc thông số chụp ảnh vệ tinh, đo đạc thông số môi trường vũ trụ.
Với trọng lượng chỉ 1kg và kích thước chưa bằng một quả bóng, PicoDragon có thể cầm nắm dễ dàng chỉ với một bàn tay. Đây cũng là vệ tinh nhỏ nhất mà Việt Nam từng phát triển.
PicoDragon chính là tiền đề và là sản phẩm thử nghiệm để Trung tâm Vũ trụ Việt Nam có thể phóng lên không gian những vệ tinh với kích thước lớn hơn sau này. Do là sản phẩm thử nghiệm, tuổi thọ của vệ tinh này chỉ có 3 tháng sử dụng.
Vào đầu năm 2020, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ tiếp tục phóng lên không gian vệ tinh thứ 3 với tên gọi NanoDragon. Nhiệm vụ của vệ tinh này là tiến hành nhận dạng tự động tàu thuỷ AIS. Nó cũng được thiết kế, tích hợp thiết bị chụp ảnh quang học nhằm xác định chất lượng bộ điều khiển tư thế vệ tinh.
Cùng với PicoDragon và MicroDragon, NanoDragon là minh chứng cho nền tảng công nghệ đang ngày càng lớn mạnh của Việt Nam. Đây chính là một nhân tố quan trọng và là động lực thúc đẩy sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.