Tin KHCN trong nước
Chính sách đối với Cách mạng công nghiệp 4.0 của châu Âu và hàm ý cho Việt Nam (06/07/2018)
-   +   A-   A+   In  
Kể từ khi xuất hiện trong một báo cáo của chính phủ Đức năm 2011, cụm từ “Cách mạng công nghiệp 4.0” đã trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Châu Âu vốn được xem là chiếc nôi, khởi nguồn của các cuộc cách mạng công nghiệp đang lại một lần nữa đứng trước một thời điểm đầy thách thức, mang đến một cơ hội đặc biệt, một thông điệp hy vọng và lạc quan cho người dân châu Âu. Tuy nhiên, để phát huy được những cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Ủy ban châu Âu (EC) đã có những chính sách, bước đi phù hợp. Đây cũng là kinh nghiệm thực tiễn mà Việt Nam có thể tham khảo.

Chính sách của châu Âu đối với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
 

Năm 2014, trong báo cáo “Vì sự phục hưng của nền công nghiệp châu Âu” (For a European Industrial Renaissance), EC tuyên bố rằng, các công nghệ số (bao gồm điện toán đám mây, dữ liệu lớn, các ứng dụng internet, các nhà máy thông minh, robot và in 3D) có vai trò thiết yếu trong nâng cao năng suất của châu Âu thông qua việc xác định lại mô hình kinh doanh và tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới. Cũng trong báo cáo về chính sách công nghiệp năm 2012, EC đã xác định 6 vấn đề ưu tiên trong lĩnh vực công nghiệp, ba trong số đó liên quan trực tiếp đến ngành công nghiệp 4.0, cụ thể là công nghệ chế tạo tiên tiến; công nghệ then chốt (ví dụ: Pin, vật liệu thông minh và quy trình sản xuất tạo hiệu suất cao); mạng lưới thông minh và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Báo cáo này cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ sản xuất trong tổng giá trị gia tăng ở EU lên 20% vào năm 2020 [1]. Bên cạnh đó, EU tổ chức Diễn đàn Chính sách chiến lược về khởi nghiệp công nghệ số, tập trung thảo luận về sự chuyển đổi kỹ thuật số của ngành công nghiệp và của các doanh nghiệp châu Âu. Tại diễn đàn này, đã có nhiều ý kiến đề xuất thực hiện các mục tiêu quốc gia, thành lập các trung tâm ưu tú, tăng cường tiêu chuẩn, cung cấp tài chính và thúc đẩy phát triển kỹ năng kỹ thuật số [2].
 

Cũng trong báo cáo “Vì sự phục hưng của nền công nghiệp châu Âu” năm 2014, EC đã đưa ra các ưu tiên đối với chính sách công nghiệp châu Âu và kêu gọi các nước châu Âu nhận thức được tầm quan trọng của ngành công nghiệp trong việc tăng trưởng và tạo ra việc làm. EC cũng tuyên bố việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số (điện toán đám mây, dữ liệu lớn, các ứng dụng internet, các nhà máy thông minh, robot và in ấn 3D…) là vô cùng cần thiết để tăng năng suất lao động của châu Âu thông qua việc xác định lại mô hình kinh doanh, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới.
 

Tháng 5/2015, EC đã công bố bản kế hoạch chi tiết để thành lập một “Thị trường kỹ thuật số chung” [3]. Mục tiêu của thị trường này là dỡ bỏ các rào cản và biến 28 thị trường quốc gia thành một thị trường duy nhất, tạo ra một khu vực tự do di chuyển hàng hóa, con người, dịch vụ và vốn được đảm bảo, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận hàng hóa và truy cập dịch vụ trực tuyến một cách liền mạch và không phân biệt quốc tịch. “Thị trường kỹ thuật số chung” có thể đóng góp 415 tỷ Euro cho nền kinh tế châu Âu, thúc đẩy tăng trưởng việc làm, cạnh tranh, thúc đẩy đầu tư và đổi mới. 
 

Ngoài ra, EU thúc đẩy thực hiện chương trình eSkills để giảm sự thiếu hụt lao động có kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), đặc biệt là tạo ra một quan hệ đối tác nhiều bên gọi là Liên minh toàn diện về việc làm trong ngành kỹ thuật số để việc đào tạo ICT trở nên hấp dẫn và phù hợp hơn với nhu cầu của ngành. EC đã đưa ra kêu gọi đổi mới hơn trong ngành kỹ thuật số và điều khiển dữ liệu trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, cũng như sử dụng các nguồn tài trợ từ Quỹ kiến trúc và đầu tư châu Âu (ESIF) để hỗ trợ giáo dục công nghệ thông tin và đào tạo nghề [2]. Bên cạnh đó, EC còn đưa ra sáng kiến “Dòng chảy dữ liệu miễn phí". Sáng kiến này hứa hẹn sẽ giải quyết vấn đề quyền sở hữu dữ liệu và khả năng tương tác trong các hoạt động business to business (mô hình kinh doanh thương mại điện tử trong đó giao dịch xảy ra trực tiếp giữa các doanh nghiệp với nhau) và machine to machine (công nghệ cho phép các thiết bị có thể trao đổi với các hệ thống thông qua mạng vô tuyến hoặc hữu tuyến), cũng như khuyến khích các nước áp dụng các tiêu chuẩn số hóa vào lĩnh vực công nghiệp và phát triển kỹ năng số.
 

Như là một phần của chương trình thúc đẩy nền kinh tế số, EU hỗ trợ một chương trình hành động kéo dài từ năm 2008 tới năm 2014, tập trung vào việc sử dụng ICT thông minh và tích hợp các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào các chuỗi giá trị số, đặc biệt chú trọng đến thị trường toàn cầu. Trong giai đoạn 2014-2020, chương trình nghiên cứu Hoziron của EU sẽ cung cấp gần 80 tỷ Euro cho nghiên cứu và đổi mới, bao gồm cả hỗ trợ phát triển các công nghệ chủ chốt. Chương trình nghiên cứu Hoziron cũng tài trợ cho các dự án nguyên mẫu và trình diễn [4]. Một số dự án tiêu biểu như: "Dự án Nhà máy tương lai” là một chương trình theo hình thức hợp tác công tư với ngân sách dự kiến khoảng 1,5 tỷ Euro; “Công nghiệp chế biến bền vững thông qua hiệu quả nguồn tài nguyên” được cấp ngân sách 0,9 tỷ Euro. Cùng với đó, sáng kiến khung lần thứ 7 “Sáng tạo ICT cho các doanh nghiệp chế tạo vừa và nhỏ (I4MS)” đã được EU dành ngân sách 77 triệu Euro để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp sản xuất chế biến trung bình nắm vững công nghệ chuyển đổi kỹ thuật số trong các lĩnh vực như điện toán đám mây, robot và mô phỏng. Ngoài ra, ít nhất 100 tỷ Euro từ Quỹ đầu tư và xây dựng châu Âu (ESIF) được dành cho các quốc gia thành viên để khuyến khích các nước này đầu tư vào đổi mới, thúc đẩy các nước tập trung vào lợi thế của mình và tạo ra những thay đổi về giá trị của EU.
 

Gợi ý chính sách cho Việt Nam
 

Để tận dụng những cơ hội, hạn chế thách thức, rủi ro của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần phải có những chính sách, cơ chế và sự đầu tư phù hợp, thỏa đáng. Từ kinh nghiệm của châu Âu về vấn đề này, xin đưa ra một số khuyến nghị:
 

Một là, Chính phủ tạo hành lang pháp lý, sửa đổi các quy định của pháp luật và chính sách công nghiệp mới trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến các yếu tố như cải thiện điều kiện khung, thực thi các quy tắc cạnh tranh, mở cửa thương mại, kỹ năng chuyên môn. Hỗ trợ các liên kết, hoạt động đổi mới dựa trên các hình thức khác nhau giữa các doanh nghiệp, trường đại học, cá nhân; tăng cường hỗ trợ kinh doanh trong các lĩnh vực công nghệ mới; thu hút các công ty đa quốc gia nước ngoài và tăng cường vai trò của các công ty trong nước trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả quản lý an ninh mạng, hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ khi các công nghệ mới làm mờ ranh giới giữa các quốc gia, châu lục, thúc đẩy tối đa mức độ chia sẻ thông tin khắp mọi nơi. Tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp sáng tạo và coi doanh nghiệp là trung tâm của sự phát triển.
 

Hai là, tăng cường đầu tư và phân bố hợp lý nguồn vốn đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) kết hợp thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực. Xây dựng chiến lược phát triển ngành tự động hóa và công nghệ cao, chú trọng hợp tác giữa KH&CN và sản xuất, kinh doanh, triển khai ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt trong khu vực doanh nghiệp tư nhân. Tăng cường các nghiên cứu công nghệ cao, đầu tư nghiên cứu, tiếp cận nhanh với xu hướng KH&CN trong các lĩnh vực như vật liệu mới, năng lượng mới, kỹ thuật số, công nghệ thông tin, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học. 
 

Ba là, gắn kết KH&CN với các động lực quan trọng khác trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng, hướng tới hội nhập và số hóa. Gắn kết thị trường KH&CN với thị trường hàng hóa, dịch vụ; gắn kết giáo dục - đào tạo với nhu cầu của kinh tế thị trường; xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia nhằm đưa các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò trung tâm trong phát triển kinh tế số, biến KH&CN và giáo dục - đào tạo thực sự trở thành động lực và mục tiêu của phát triển.
 

Bốn là, thực hiện các giải pháp hỗ trợ như tuyên truyền, tăng cường nhận thức cho toàn xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp về xu hướng tất yếu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu - phát triển và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến nền kinh tế số như: Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain… và đầu tư, tài trợ cho các tổ chức, cá nhân có ý tưởng đổi mới sáng tạo xuất sắc.
 

Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh vai trò kiến tạo, đẩy mạnh cải cách thể chế, tăng cường đầu tư tạo môi trường kinh doanh năng động để thúc đẩy lan tỏa công nghệ, cải thiện thị trường lao động, hệ thống giáo dục và đào tạo, nâng cao kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực thích ứng với biến đổi nhanh của công nghệ và sự phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, do đó cần phải có những nghiên cứu sâu sắc để nhận thức đầy đủ, kịp thời điều chỉnh chiến lược và chính sách một cách hiệu quả nhất.

PGS.TS Nguyễn An Hà, ThS Trần Đình Hưng
Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Nguồn: khoahocvacongnghevietnam

Số lượt đọc: 3070

Về trang trước Về đầu trang