Tin KHCN trong nước
Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ kết nối nhà sáng chế, doanh nghiệp (30/06/2018)
-   +   A-   A+   In  
Nhằm hỗ trợ nhà sáng chế Phạm Văn Hát mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm máy gieo hạt, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Viện SCCN) đã tổ chức chuyến đi nghiên cứu thực nghiệm tại Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) tại Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vào tháng 06 năm 2018.

Tham gia đoàn công tác gồm có các cán bộ thuộc bộ phận Mô phỏng công nghệ và Phát triển sản phẩm - Viện SCCN; ông Nguyễn Chí Hưng - Phó giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí chính xác Bách Khoa và nhà sáng chế Phạm Văn Hát.
 

Buổi trao đổi giữa Viện SCCN, công ty Vinasoy, doanh nghiệp và nhà sáng chế. Ảnh: Mạnh Hùng.
 

Hiện tại nhu cầu chế biến đậu nành của Vinasoy là rất lớn. Vinasoy có 3 nhà máy với công suất khoảng 200 triệu lít sữa đậu nành trong một năm và công ty có kế hoạch mở rộng sản xuất trong tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường trong và ngoài nước. Ngoài sản xuất sữa đậu nành, nguyên liệu đậu nành còn được sử dụng để chế biến thành nhiều sản phẩm khác. Tuy nhiên, theo công ty Vinasoy, 80% nguồn nguyên liệu đậu nành được công ty sử dụng là nhập khẩu đông lạnh từ nước ngoài. Điều này dẫn đến khóa khăn trong vấn đề cạnh tranh giá thành, chất lượng sản phẩm của công ty.

 

Để khắc phục vấn đề này, Công ty Vinasoy đã có các giải pháp thúc đẩy nguồn cung nguyên liệu trong nước như: làm chủ nguồn giống gieo trồng, phát triển các vùng trồng đậu nành thông qua người nông dân và có chính sách hỗ trợ họ.
 

Các bên khảo sát thực địa, cách thức trồng đậu nành xen canh.Ảnh: Mạnh Hùng.
 

Từ trước đến nay, việc gieo trồng đậu nành của nông dân được thực hiện thủ công, đa số bằng tay. Do vậy, cây đậu nành mọc không đều, khó chăm sóc, khó thu hoạch, và năng suất không cao. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất, chất lượng và giá thành của nguồn nguyên liệu đậu nành trong nước. Theo đại diện của công ty Vinasoy, các máy móc gieo hạt đậu nành nhập khẩu từ nước ngoài không thể áp dụng được tại Việt Nam. Lý do là cánh đồng của nước ngoài rộng, không có bờ, còn cánh đồng ở Việt Nam có diện tích nhỏ, lại trồng xen canh. Hơn thế nữa, máy nhập nước ngoài thì chỉ có một loại quy chuẩn kỹ thuật và giá thành cao,  không phù hợp với cách trồng xen canh của bà con nông dân. Hiện tại, Vinasoy đang có chương trình hỗ trợ nông dân thông qua việc nghiên cứu chế tạo máy gieo hạt phù hợp với điều kiện thực tế.


Đoàn công tác nghiên cứu thực nghiệm máy gieo hạt nhập từ nước ngoài.Ảnh: Mạnh Hùng
 

Trong chuyến công tác, các chuyên gia của Viện SCCN và nhà sáng chế Phạm Văn Hát đã chỉ ra các vấn đề kỹ thuật còn tồn tại của các máy gieo hạt nhập khẩu và trình bày giải pháp khắc phục hiệu quả. Từ những phân tích này, Vinasoy đã đồng ý đặt hàng chế tạo thử nghiệm máy gieo hạt đậu nành với nhà sáng chế Phạm Văn Hát và Viện SCCN. Nếu máy thử nghiệm thành công, Vinasoy sẽ đặt hàng sản xuất hàng loạt và công ty Cổ phần cơ khí chính xác Bách Khoa đã cam kết hỗ trợ trong khâu sản xuất hàng loạt cũng như quá trình nghiên cứu sản xuất thử nghiệm.

 

Kết quả của chuyến làm việc là ví dụ điển hình cho hoạt động phối hợp nghiên cứu giữa Viện, doanh nghiệp và nhà sáng chế.

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 3454

Về trang trước Về đầu trang