Tin KHCN trong nước
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương: "Thung lũng Silicon sẽ xuất hiện ở Việt Nam" (19/06/2018)
-   +   A-   A+   In  
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương cho rằng, với tốc độ phát triển như hiện nay, các khu công nghệ cao có thể nhanh chóng thành các "thung lũng Silicon".

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc (Hà Nội) trả lời VnExpress về những khởi sắc trong thu hút đầu tư tại khu công nghệ cao Hòa Lạc và kỳ vọng về mô hình phát triển khu công nghệ cao quốc gia.

 

Khởi sắc nhưng chưa như kỳ vọng

 

- Mô hình khu CNC được Chính phủ xây dựng cách đây 20 năm với kỳ vọng tạo ra các “Thung lũng Silicon”. Đến nay, kết quả đạt được từ mô hình này trên cả nước như thế nào thưa ông?

 

- Đúng là mô hình khu CNC được bắt đầu bằng việc thành lập Khu CNC Hòa Lạc (1998) và sau đó là TPHCM (2002) và Đà Nẵng (2010). Ngoài các khu công nghệ cao quốc gia này, một số địa phương cũng lập các khu nông nghiệp, sinh học công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung… 

 

Dù được khởi xướng 20 năm, nhưng thực tế triển khai mới trên 10 năm vì chúng ta mất nhiều thời gian học kinh nghiệm, xây dựng mô hình, hoàn thiện cơ sở pháp lý. Phải khẳng định, mô hình hiện nay là đúng đắn. Chính phủ đã có những chỉ đạo và các khu cũng kiên trì theo đuổi mô hình đặt ra.

 

Đến nay, các khu CNC cả ở cấp độ quốc gia và địa phương bước đầu có những đóng góp đáng kể giúp Việt Nam tiếp cận với những công nghệ mới để chuyển giao, ứng dụng vào thực tế, thu hút nhà đầu tư tên tuổi trên thế giới.  
 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương. Ảnh: Lê Loan.
 

- Kết quả này có tương xứng với kỳ vọng và chi phí đầu tư đổ vào các khu công nghệ?

 

-Tất nhiên, kỳ vọng của Chính phủ rất lớn khi quyết định thành lập các khu công nghệ cao. Thực tế tại thời điểm này, kỳ vọng chưa đạt được vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, những kết quả ban đầu cũng đã góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế đất nước.

 

- Những năm qua, hình ảnh của Khu công nghệ cao Hòa Lạc là các dự án treo bỏ hoang đất, giải phóng mặt bằng chậm tiến độ, là giải ngân nhỏ giọt… Bộ đã làm gì để cải thiện ấn tượng không mấy tích cực này?

 

- Ngoài những nguyên nhân khách quan, Khu Hòa Lạc phải đối mặt với giải phóng mặt bằng chậm, vốn đầu tư hạ tầng hạn chế, chính sách chưa hoàn thiện, ưu đãi đầu tư chồng chéo và chưa thuận lợi thu hút đầu tư… 

 

Để thay đổi, nhiều năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu Hòa Lạc tập trung mọi nguồn lực giải quyết những khó khăn này. 

 

Đến nay, các vấn đề trên cơ bản đã được giải quyết. Mặt bằng đã được giải phóng, các văn bản pháp luật được hoàn thiện. Các bộ luật về đất đai, xây dựng, đầu tư, môi trường, thuế và hướng dẫn thi hành đã có những nội dung cụ thể. Đặc biệt, sự ra đời của Nghị định 74/2017 của Chính phủ với nhiều ưu đãi đã tháo gỡ khó khăn cho Khu Hòa Lạc. 

 

Hạ tầng tại đây đang được đầu tư bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản và sẽ hoàn thành vào quý I năm 2019, giúp tạo ra một hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ.

 

Song song đó, Ban Quản lý cũng rà soát các dự án để đảm bảo đúng tiến độ, tránh lãng phí đất. Dự án chậm tiến độ hoặc không có khả năng triển khai đã bị thu hồi và giảm quy mô diện tích đất sử dụng.

 

Ban Quản lý cũng kêu gọi đầu tư hạ tầng như nhà ở, trường học, nhà hàng, khách sạn… UBND Thành phố Hà Nội đã bố trí các tuyến xe buýt đi lại giữa trung tâm thành phố và Hòa Lạc.

 

- Sự thay đổi này giúp Hòa Lạc khởi sắc ra sao, thưa ông?

 

- Các nhà đầu tư đang tin tưởng hơn vào mô hình của Khu Hòa Lạc. Mới đây Tập đoàn Nidec Nhật Bản đã đăng ký thành công hai dự án với tổng vốn 400 triệu USD trong tổng số năm dự án cam kết vốn một tỷ USD. Một số công ty của Nhật Bản, Hàn Quốc đã nộp hồ sơ đề nghị đầu tư vào Khu Hòa Lạc.

 

Ngày 17/6 tới, tại Hội nghị Hà Nội 2018 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển của Thành phố Hà Nội, Ban Quản lý Khu Hòa Lạc sẽ trao giấy chứng nhận đầu tư cho những doanh nghiệp này.

 

Trong 5 tháng đầu năm nay, bốn dự án đã được cấp phép với tổng vốn gần 11.000 tỷ đồng trên diện tích 15,4 ha, bình quân 31,5 triệu USD vốn đầu tư trên một ha đất. So với các năm trước (19 triệu USD năm 2017 và 13 triệu USD năm 2016), vốn đầu tư bình quân mỗi ha đất Hòa Lạc tăng khá nhanh.

 

Đến nay, tổng số dự án còn hiệu lực là 83 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 3,4 tỷ USD trên diện tích gần 370 ha.
 

Toàn cảnh Khu CNC Hòa Lạc. Ảnh: BQL Khu CNC Hòa Lạc.
 

- Tỷ lệ lấp đầy Khu Hòa Lạc hiện là bao nhiêu?

 

- Hiện nay, một phần ba Khu Hòa Lạc đã được lấp đầy. Con số này có vẻ ít so với 20 năm hình thành và phát triển. Tuy nhiên, chúng tôi không quá nôn nóng thu hút đầu tư với mục tiêu lấp đầy mà tập trung thu hút doanh nghiệp có năng lực công nghệ, tài chính, giải ngân nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế xã hội.

 

Mục tiêu thành lập Khu Hòa Lạc không dừng ở việc thu hút đầu tư, mà còn nhằm phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ tại phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung. 

 

Thực tế mục tiêu này đã đạt được kết quả tích cực. Nhiều đại học và viện nghiên cứu được Chính phủ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp hỗ trợ đã và đang được triển khai như Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST), Trung tâm Nghiên cứu của Công ty Nissan Techno…

 

Một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã đầu tư với vai trò dẫn dắt công nghệ đạt tầm quốc tế như FPT Software, Viettel, VNPT Technology...
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nghe báo cáo về thu hút đầu tư tại Hòa Lạc.

Ảnh: Lê Loan.
 

Khác biệt để hấp dẫn

 

- Đâu là sự khác biệt của Hòa Lạc so với các khu công nghiệp, khu CNC khác khiến nhà đầu tư chấp nhận "xuống tiền"?

 

- Trước hết, những vướng mắc trước đây đã được tháo gỡ. Đại lộ Thăng Long đi vào hoạt động giúp quãng đường từ trung tâm Hà Nội lên Hòa Lạc chỉ có 20 phút. 

 

Một quy hoạch thông minh biến Hòa Lạc không chỉ là khu công nghiệp thông thường mà đúng nghĩa thành phố khoa học công nghệ, vệ tinh của Hà Nội. Quy hoạch đã xây dựng kết hợp các khu chức năng tạo thành vòng khép kín từ đào tạo nguồn nhân lực đến triển khai, thương mại hóa sản phẩm. Cách xây dựng này tạo thành cộng đồng cho các nhà khoa học, người nghiên cứu và doanh nghiệp. 

 

Tôi nghĩ rằng quy hoạch tốt hạ tầng đồng bộ, hiện đại là điểm cộng trong mắt nhà đầu tư. 

 

Tuy nhiên, đó mới là hạ tầng “cứng” và chưa đủ với họ. Do đó, chúng tôi đang xây dựng thêm hạ tầng “mềm” như nhà ở, trường học, bệnh viện, nhà hàng, chuỗi cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao… Nếu làm tốt việc này, Hòa Lạc sẽ có thêm điểm cộng.

 

Cùng với đó, cơ chế đặc thù ban hành năm 2017 đã giải quyết tất cả vướng mắc về chính sách, thẩm quyền của Ban Quản lý cho đến các ưu đãi nhà đầu tư. Cơ chế này bắt đầu phát huy hiệu quả, giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục hành chính và chi phí cho các nhà đầu tư. 

 

- Với sự thay đổi này, trong hình dung của ông, bao giờ Việt Nam có "thung lũng Silicon" ngang tầm thế giới?

 

- Với xu thế hiện nay, trong bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0, chắc chắn nhu cầu về phát triển công nghệ trong nước sẽ rất lớn. Song, để hiện thực hóa một "thung lũng Silicon" ngang tầm thế giới tại Việt Nam, tôi nghĩ còn rất nhiều việc phải làm và cần sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương .

 

Tôi tin tưởng rằng, với sự quyết tâm hiện nay của Chính phủ, một “thung lũng Sillicon” sẽ xuất hiện tại Việt Nam trong tương lai không xa.    
 

Khu CNC Hòa Lạc đã xây dựng ngân hàng số về thông tin khoa học và công nghệ với khoảng 10.000 chuyên gia, 22.500 đề tài, dự án các cấp, 3.500 bằng phát minh, 900 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ; 400 phòng thí nghiệm nhằm hỗ trợ cho hoạt động chuyển giao công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp…

 

Nguồn: Vnexpress

Số lượt đọc: 2497

Về trang trước Về đầu trang