Tin KHCN trong nước
Cái nôi của phong trào sáng tạo kỹ thuật (04/03/2014)
-   +   A-   A+   In  

Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 (2012-2013) thu hút sự tham gia của hàng nghìn người say mê nghiên cứu khoa học. Có 45 bộ, ngành, tỉnh, thành phố tổ chức hội thi và gửi 552 giải pháp về Ban tổ chức Hội thi toàn quốc.

Ngày 14-7-2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 165/2006/QÐ-TTg về tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật trong phạm vi cả nước. Triển khai quyết định nói trên, các tỉnh, thành phố và bộ, ngành đã thành lập Ban tổ chức hội thi. Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 (2012 - 2013) đã có 45 bộ, ngành và tỉnh, thành phố tổ chức hội thi. Ban tổ chức các địa phương và các bộ, ngành đã xét hàng nghìn giải pháp tham gia hội thi cấp cơ sở, cấp tỉnh, thành phố và chọn ra được 552 giải pháp gửi cho Ban tổ chức Hội thi toàn quốc. Các giải pháp dự thi được chia theo sáu lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải; vật liệu, hóa chất, năng lượng; nông, lâm, ngư nghiệp, tài nguyên môi trường; y, dược; giáo dục, đào tạo và các lĩnh vực khác. Các tỉnh có nhiều giải pháp dự thi như tỉnh Quảng Nam có 47 giải pháp, TP Ðà Nẵng có 39 giải pháp, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 34 giải pháp, TP Hồ Chí Minh có 31 giải pháp, tỉnh Ðồng Tháp có 24 giải pháp, TP Cần Thơ có 23 giải pháp, tỉnh Hải Dương có 17 giải pháp,... Sau khi nhận được các giải pháp do các tỉnh, thành phố gửi về hội đồng giám khảo xem xét, đánh giá các giải pháp một cách trung thực, khách quan. Căn cứ vào kết quả chấm điểm của hội đồng giám khảo, Ban tổ chức Hội thi toàn quốc đã ký quyết định trao giải thưởng cho 88 giải pháp bao gồm: 5 giải nhất; 11 giải nhì; 24 giải ba; 48 giải khuyến khích thuộc sáu lĩnh vực.

Trong số các tỉnh, thành phố tham dự hội thi có 33 tỉnh, thành phố và Bộ Quốc phòng có giải pháp đoạt giải. Ðiển hình các tỉnh, thành phố đoạt nhiều giải thưởng như: TP Hồ Chí Minh đoạt bảy giải, TP Ðà Nẵng đoạt bảy giải, tỉnh Quảng Ninh đoạt bảy giải, tỉnh Thanh Hóa đoạt năm giải, tỉnh Lâm Ðồng đoạt năm giải, tỉnh Hải Dương đoạt bốn giải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đoạt bốn giải, tỉnh Quảng Nam đoạt bốn giải...

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ trao Bằng khen tặng 14 cá nhân là chủ nhiệm của năm giải pháp đoạt giải nhất. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao Bằng lao động sáng tạo tặng các chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm có các công trình đoạt giải nhất, nhì, ba. Các tác giả trẻ được T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng bằng khen và Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng đề nghị Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trao Giải thưởng WIPO cho các giải pháp theo lĩnh vực: Giải pháp xuất sắc nhất: "Sử dụng tàu định vị động lực học DP2 lắp đặt ống dẫn dầu trạm rót dầu không bến - FSO" của tác giả Ðỗ Văn Phúc thuộc xí nghiệp xây lắp, khảo sát và sửa chữa các công trình khai thác dầu khí - Vietsovpetro; giải tác giả nữ xuất sắc nhất: Mai Thị Bích Nguyệt, Trường THCS An Vũ, Quỳnh Phụ, Thái Bình là chủ nhiệm của giải pháp "Nghiên cứu, xây dựng phần mềm từ điển tiếng Việt, đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa và tổ chức"; giải các tác giả trẻ xuất sắc nhất: Phạm Văn Phương, Ðặng Quốc Khanh, Trần Phúc Quỳnh, Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Trung - Tổng công ty Ðiện lực miền Trung, Ðà Nẵng là các đồng chủ nhiệm của giải pháp "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hộp bộ đa năng OLTC CM&TA phục vụ công tác thí nghiệm máy biến áp lực cao áp".

Theo nhận xét của GS. TSKH. NGND Nguyễn Thiện Phúc, Chủ tịch hội đồng chấm giải lĩnh vực cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải: Hội thi ngày càng góp phần thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của quần chúng trong việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Hội thi đã trở thành “cái nôi” của phong trào lao động sáng tạo. Vai trò của Hội thi Sáng tạo kỹ thuật sẽ ngày càng quan trọng hơn một khi các cấp chính quyền nhận thức rằng, trong nền kinh tế phát triển và hội nhập thì đổi mới và sáng tạo là chìa khóa của thành công.

Hội thi Sáng tạo kỹ thuật không chỉ vinh danh các tác giả đoạt giải mà còn góp phần dẫn hướng phong trào lao động sáng tạo để ngày càng phục vụ thiết thực hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, việc nâng cao tính mới và sáng tạo trong các tiêu chí của các hội thi đã trở thành bức thiết.

GS, TSKH, NGND Nguyễn Thiện Phúc cho rằng: Ðể phong trào lao động sáng tạo có thể đáp ứng được những đòi hỏi của thị trường cạnh tranh khốc liệt ngày nay, các cấp có thẩm quyền cần quan tâm đến yêu cầu về tính mới và sáng tạo trong hoạt động khoa học. Cần mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về phương pháp và kỹ năng trong nghiên cứu sáng tạo, tổ chức triển lãm, hội thảo, giao lưu về những nội dung khoa học công nghệ trong các công trình đoạt giải, sản xuất thử và nhân rộng một số kết quả nổi bật, v.v.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang xây dựng các dự án trong hai chương trình của Nhà nước về hỗ trợ đổi mới và sáng tạo khoa học, có tài trợ lớn của Phần Lan và Ngân hàng Thế giới. Các chương trình đó cần có sự tham gia triển khai của Quỹ VIFOTEC nhằm tổ chức hỗ trợ cho phong trào lao động sáng tạo trên toàn quốc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Nguồn: Báo Nhân dân

Số lượt đọc: 16368

Về trang trước Về đầu trang