Tin KHCN trong nước
Giải pháp toàn diện nuôi tôm công nghệ cao (07/06/2018)
-   +   A-   A+   In  

Chiều 5/6, tại Cục Công tác phía Nam đã diễn ra buổi kiểm tra định kỳ dự án “Hỗ trợ thương mại hóa hệ thống giám sát, cảnh báo tự động một số chỉ tiêu môi trường nước phục vụ nuôi tôm thâm canh nước mặn, lợ trong ao đất tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long” thuộc Chương trình quốc gia – Chương trình Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 (CTr2075) do Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ Khoa học và Công nghệ (Trung tâm STAS) thuộc Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị chủ trì.

Được biết, ngành nuôi tôm Việt Nam đứng trước cơ hội phát triển to lớn với quy hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng đến năm 2020 tầm nhìn 2030 là 100.000/670.000 ha (Quyết định số 5528/QĐ –BNN-TCTS do bộ NN&PTNT phê duyệt ngày 31/12/2015). Tính đến năm 2016, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ (tôm sú, tôm chân trắng) cả nước đạt 694.645 ha (tôm sú 600.399 ha chiếm 86,4%; tôm chân trắng 94.246 ha chiếm 15,6%; tổng sản lượng nuôi tôm nước lợ đạt 657.282 tấn (tôm sú 263.853 tấn, tôm thẻ 393.429 tấn). Do vậy, đảm bảo môi trường nước là yếu tố góp phần giúp tôm sinh trưởng, phát triển và việc xử lý môi trường vùng nuôi, ao nuôi phải được tập trung nghiên cứu để giảm dịch bệnh, tăng tỷ lệ thành công trong nuôi tôm.

 

Tuy nhiên, cùng với việc gia tăng sản lượng và diện tích, ngành nuôi tôm Việt Nam liên tiếp gặp mất mùa do dịch bệnh. Năm 2012 theo Tổng cục trưởng Thủy sản – Bộ NN&PTNT cả nước có hơn 100 nghìn ha diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại do dịch bệnh, ước tính thiệt hại trên 4.000 tỷ đồng.

 

Để giảm dịch bệnh, gia tăng tỷ lệ thành công trong nuôi tôm, đảm bảo chất lượng nước là chìa khóa để thành công. Muốn đảm bảo được chất lượng nước, thì trước hết cần phải theo dõi và giám sát. Tuy nhiên, cùng với việc gia tăng mật độ nuôi, việc giám sát chất lượng nước ảnh hưởng đáng kể tới sự sinh trưởng của tôm. Nếu chỉ dùng cách thông thường là bằng các kít đo, thực hiện 1 vài lần trong ngày hay trong tuần không còn đảm bảo được sự an toàn cho ao nuôi tôm.

 

Do đó, việc ứng dụng các công nghệ mới, có khả năng giám sát liên tục các chỉ tiêu chất lượng nước quan trọng, có tốc độ biến đổi nhanh trở thành một nhu cầu cần thiết. Những công nghệ như vậy đã được các nước ứng dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản khi nuôi với mật độ cao và đây cũng là xu hướng tất yếu của ngành nuôi tôm Việt Nam.

 

Tại buổi kiểm tra TS Phan Thanh Lâm, Phó Viện trưởng Viện nuôi trồng Thủy Sản làm chủ nhiệm đã giới thiệu chi tiết hệ thống giám sát cảnh báo tự động chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản (hệ thống e-AQUA). Hệ thống này có chức năng lấy mẫu từ các điểm đo (tối đa 8 điểm đo) trong các ao nuôi tôm đưa về bộ phận trung tâm hệ thống để phân tích. Kết quả sau đó được chuyển vào máy chủ và lưu trữ trên dữ liệu đám mây để người dùng có thể theo dõi qua các thiết bị di động. Các chức năng của hệ thống giám sát gồm: Giám sát tự động và liên tục các chỉ tiêu chất lượng nước cho nhiều điểm đo trên các ao nuôi sử dụng hệ thống đo; Cảnh báo tự động khi các chỉ tiêu giám sát nằm ngoài ngưỡng cho phép; Lưu trữ và phân tích dữ liệu lịch sử của mỗi vụ nuôi; Cảnh báo cúp điện tại ao nuôi”.

 

Hệ thống này gồm bộ điều khiển đo, giao diện giám sát và điều khiển, phần mềm thu thập và thống kê số liệu được thiết kế nhỏ gọn, với chỉ một bộ đầu dò (sensor) có thể bổ trí cho 8 điểm đo. Hệ thống sẽ tuần tự lấy nước từ các điểm đo về máy bơm. Từ đó, các sensor sẽ thực hiện đo tất cả các chỉ tiêu của nước như nhiệt độ, DO (nồng độ o xy hòa tan), pH, độ mặn.
 

Các dữ liệu này sẽ được cập nhật lên điện toán đám mây, giúp người giám sát từ xa thông qua các thiêt bị di động thông minh như điện thoại, máy tính bảng. Dữ liệu sẽ được so sánh với ngưỡng cho phép được cài đặt sẵn để thực hiện cảnh báo bật hay tắt các thiết bị vận hành tự động.

 

Hệ thống này có thể thực hiện liên tục suốt ngày đêm, điều mà con người không thể làm được. Nhờ đó, có thể cảnh báo kịp thời cho người nuôi tôm. Bên cạnh giám sát hàm lượng ôxy hòa tan, hệ thống còn có thể đánh giá các chỉ tiêu như NH3, H2S, mật độ tảo, mật độ vi sinh vật trong ao nuôi,… nhằm hạn chế rủi ro dịch bệnh, môi trường ao nuôi được xử lý kịp thời, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường nước.

 

Sau hơn 1 năm triển khai, dự án đã xây dựng được mô hình áp dụng hệ thống chuẩn hóa giám sát, cảnh báo tự động một số chỉ tiêu môi trường nước cho tôm thâm canh tôm nước mặn, lợ tại khu vực ĐBSCL. Hệ thống đã triển khai trình diễn công nghệ tại mô hình Bến Tre của dự án như doanh nghiệp Huy Thuận – Bến Tre. Bên cạnh đó, dự án đã có ký được 01 hợp đồng chuyển giao hệ thống giám sát, cảnh báo tự động chất lượng nước phục vụ nuôi thâm canh tôm nước mặn, lợ trong ao đất cho Công ty Khôi Nguyên ở Kiên Giang.

 

Sản phẩm hệ thống trên khi triển khai có thể sử dụng phục vụ lâu dài cho hoạt động nuôi tôm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời khi nghiên cứu hoàn thiện mô hình có thể áp dụng cho hoạt động nuôi trồng thủy sản trong cả nước. Hệ thống công nghệ thương mại thành công sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm công lao động trong việc theo dõi tình hình chất lượng nước nuôi tôm thường xuyên, cung cấp xã hội nguồn giải pháp kỹ thuật mới có chất lượng cao. Giúp các công ty trong lĩnh vực tự động hóa có được xu hướng mới trong việc cung cấp ra thị trường hệ thống công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với điều kiện Việt Nam và giá thành trong nước.

 

Đặc biệt, việc triển khai thành công dự án sẽ góp phần hình thành và phát triển mạng lưới tổ chức trung gian của thị trường KH&CN như triển khai những chính sách đã ban hành về hỗ trợ hoàn thiện kết quả nghiên cứu công nghệ; ứng dụng kết quả nghiên cứu công nghệ trong lĩnh vực tự động hóa vào các mô hình nông nghiệp nhằm đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả môi trường trồng thủy sản; Hỗ trợ các chương trình KH&CN cấp Nhà nước về nghiên cứu phát triển công nghệ, nâng cao năng lực phối hợp và dẫn dắt các tổ chức trung gian nhằm tạo liên kết mạnh giữa khối nghiên cứu và doanh nghiệp để phát triển, ứng dụng công nghệ, tiếp nhận hiệu quả công nghệ từ viện nghiên cứu/ trường đại học; Hỗ trợ quá trình nghiên cứu công nghệ đến giai đoạn tiền thương mại hóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn đầu tư cho giai đoạn này, thúc đẩy ứng dụng kết quả nghiên cứu công nghệ vào thực tiễn góp phần phát triển thị trường công nghệ….

 

Kết quả của dự án sẽ được chuyển giao cho các Trung tâm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt là Trung tâm Ưng dụng KH&CN tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau và Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư Bạc Liêu, Sóc Trăng va Cà Mau để áp dụng và chuyển giao rộng rãi cho các hộ nuôi sản xuất tôm chân trắng thâm canh của Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau cũng như các địa bàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và cả nước…

 

Phát biểu tại buổi kiểm tra, ông Mai Thế Bình – Phó Giám đốc Quỹ Phát triển KH&CN khẳng định: dự án đã bước đầu đạt được nhiều kết quả đề ra, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trong thời gian tới, những người thực hiện dự án cần tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai dự án đề hoàn thành dự án theo đúng tiến độ đã đề ra nhằm chuyển giao công nghệ không những giúp tôm sinh trưởng và phát triển mạnh mà còn đảm bảo việc kiểm soát môi trường, tránh dịch bệnh - khâu then chốt để nghề nuôi tôm phát triển hiệu quả và bền vững./. 

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 3421

Về trang trước Về đầu trang