Tin KHCN nước ngoài
Thao tác sơn biến đổi các bức tường thành cảm biến, bề mặt tương tác (07/05/2018)
-   +   A-   A+   In  

Các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Carnegie Mellon và Mạng lưới phòng thí nghiệm Disney Research đã biến đổi những bức tường vô tri thành bức tường thông minh với chi phí tương đối thấp, khoảng 20 USD/m vuông nhờ sử dụng các công cụ và kỹ thuật đơn giản như lăn sơn. Loại tường này được gọi là Wall ++.

Tường thông minh với các tính năng mới cho phép người sử dụng đặt hoặc di chuyển công tắc đèn hay các bộ điều khiển khác ở mọi trí trên tường sao cho thuận tiện hoặc để điều khiển trò chơi điện tử bằng cách sử dụng cử chỉ. Thông qua theo dõi hoạt động trong phòng, hệ thống này có thể điều chỉnh cường độ ánh sáng khi tivi bật hoặc báo cho người sử dụng ở một vị trí khác khi máy giặt hoặc ấm siêu tốc tắt.

Chris Harrison, phó giáo sư tại Viện tương tác giữa người - máy tính và cũng là đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Tường thường là diện tích bề mặt lớn nhất, nhưng không được sử dụng cho nhiều mục đích khác ngoài việc ngăn cách không gian và treo ảnh, kệ. Khi Internet kết nối vạn vật và tính toán phân tán rộng khắp (ubiquitous computing) trở nên thực tế, thật thú vị khi nghĩ rằng tường có thể trở thành những bộ phận có thể hoạt động và môi trường hoạt động”.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng có thể sử dụng sơn dẫn điện để chế tạo các điện cực trên bề mặt của tường, cho phép tường hoạt động vừa như chuột cảm ứng để theo dõi tiếp xúc của người sử dụng và vừa như cảm biến điện từ để phát hiện và theo dõi các thiết bị điện. Các nhà khoa học không cần đến loại sơn đắt tiền như sơn chứa bạc và lựa chọn sơn nước chứa niken.

Nhóm nghiên cứu cũng mong muốn tạo thuận lợi cho việc sử dụng lớp phủ đặc biệt với các công cụ đơn giản nhưng không cần đến các kỹ năng đặc biệt. Sử dụng loại băng của họa sỹ, các nhà khoa học đã lập mô hình đường chéo trên một bức tường để tạo ra mạng lưới kim cương, mà trong thử nghiệm cho thấy đây là mô hình điện cực hiệu quả nhất. Sau khi phết 2 lớp sơn dẫn điện bằng con lăn, các nhà nghiên cứu đã loại bỏ băng và kết nối các điện cực. Sau đó, họ đã hoàn thiện bức tường bằng lớp sơn latex tiêu chuẩn để cải thiện độ bền và che giấu các điện cực.

Tường điện cực có thể hoạt động ở hai chế độ - cảm biến điện dung và cảm biến điện từ. Với chế độ cảm biến điện dung, tường hoạt động như mọi loại chuột cảm ứng điện dung: khi một người chạm vào tường, cảm ứng bóp méo tĩnh điện trường ở điểm đó. Trong chế độ cảm biến điện từ, điện cực có thể phát hiện ra các tín hiệu điện từ đặc biệt của các thiết bị điện hoặc điện tử, cho phép hệ thống nhận dạng các thiết bị và vị trí của chúng. Tương tự, nếu một người đang đeo một thiết bị phát ra tín hiệu điện từ, hệ thống có thể theo dõi vị trí của người đó.

Wall ++ không được tối ưu hóa để tiêu thụ năng lượng, nhưng ước tính các điện cực có kích thước bằng bức tường tiêu thụ năng lượng ước chừng bằng màn hình cảm ứng thông thường, một khu vực với tập hợp các đường song song giao nhau.

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 2800

Về trang trước Về đầu trang