Tin KHCN trong nước
Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ đứng ở tốp đầu (07/05/2018)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 2/5/2018, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2017 của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017. Theo đó, chỉ số CCHC năm 2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng 11 Bộ, cơ quan ngang Bộ đạt trên 80% và đứng ở tốp đầu.

Theo báo cáo, đây là năm thứ sáu triển khai công tác xác định kết quả triển khai CCHC thông qua công cụ đánh giá, đo lường và xếp hạng Chỉ số CCHC của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chỉ số CCHC tiếp tục khẳng định qua thực tiễn là công cụ quản lý mới trong triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020. 

Theo đó, kết quả Chỉ số CCHC năm 2017 của các bộ, ngành được chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất, đạt kết quả từ 80% trở lên, bao gồm 12 Bộ, trong đó, Ngân hàng Nhà nước đạt chỉ số cao nhất với 92,36%. Bộ Thông tin và Truyền thông xếp thứ hai, đạt chỉ số 86,13%. Tiếp theo đó lần lượt là: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Nhóm thứ 2 gồm 7 bộ có kết quả từ 70-80%, gồm: Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông Vận tải, Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Ủy ban dân tộc.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, giá trị trung bình chỉ số cải cách hành chính của 19 Bộ, cơ quan ngang Bộ đạt được là 79,92%. Không có Bộ nào có kết quả chỉ số CCHC dưới 70%. Có 12 Bộ, cơ quan ngang Bộ có chỉ số cải cách hành chính năm 2017 trên mức trung bình.

So với năm 2016, năm nay, có 9 đơn vị tăng điểm số, gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động và Thương binh và Xã hội.

Mục tiêu của hoạt động này là theo dõi, đánh giá một cách toàn diện, thực chất, khách quan, công bằng kết quả việc triển khai CCHC hằng năm của các Bộ, ngành, địa phương. Thông qua Chỉ số CCHC xác định rõ mặt mạnh, mặt yếu trong thực hiện CCHC của các Bộ, ngành, địa phường. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các nội dung CCHC. Việc đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ CCHC bằng định lượng, trên cơ sở đó so sánh, xếp hạng kết quả thực hiện CCHC hằng năm giữa các Bộ, ngành, địa phương với nhau.

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 3363

Về trang trước Về đầu trang