Tin KHCN trong nước
Cách mạng công nghiệp 4.0 - Những thách thức với doanh nghiệp (18/04/2018)
-   +   A-   A+   In  
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam. Trong xu hướng này, doanh nghiệp nếu không bắt “đúng nhịp” sẽ bị tụt hậu, thậm chí bị đào thải khỏi thị trường. Đây là những vấn đề đặt ra tại hội thảo “Doanh nghiệp Việt với Cách mạng công nghiệp 4.0” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) vừa tổ chức.

Nhiều thách thức

Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, trong tương tác với quá trình toàn cầu hóa, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động đáng kể đến Việt Nam. Những ngành được hưởng lợi là du lịch, thương mại nội địa, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế, xây dựng. Một số ngành có thể bị tác động tiêu cực, cần có kế hoạch tái cơ cấu phù hợp, như: năng lượng, điện, điện tử, công nghiệp chế tạo, dệt may. Nhóm lao động chịu tác động mạnh nhất là lao động giản đơn bởi rất dễ được thay thế bởi người máy, kể cả nhóm lao động có kỹ năng nhưng gắn với công nghệ cũ cũng dễ bị mất việc.

 

Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải đã tự động hóa nhiều công đoạn sản xuất.

 

Trong khi đó, thực trạng từ giáo dục, năng lực sáng tạo, năng lực các nhà máy sản xuất trong nước… chưa sẵn sàng cho sự thay đổi này. Kết quả khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có tới 75% doanh nghiệp sản xuất trong nước đang sử dụng máy móc hết khấu hao. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang sử dụng các thiết bị, máy móc có công nghệ đã lạc hậu từ 2 đến 3 thế hệ. Ngoài ra, có tới 24% doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ ở mức trung bình và chỉ có 1% doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến.

Ông Lê Đình Phong, Tiến sĩ Robotics và tự động hóa - Nghiên cứu viên Trung tâm triển khai (thuộc Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh) dẫn chứng sự thay đổi về sản xuất trong thời đại công nghệ. Theo đó, nhiều thương hiệu giày nổi tiếng trên thế giới đã cho phép khách hàng tự thiết kế mẫu giày riêng cho mình, sau đó đặt hàng với số lượng tùy thích với giá cả không khác biệt nhiều so với giày sản xuất theo dây chuyền.

Đây là điều các nhà máy truyền thống không thể thực hiện được vì chỉ có thể cho ra đời từng lô hàng theo kế hoạch đã định sẵn. Các sản phẩm cá biệt này chỉ có thể được sản xuất từ các nhà máy thông minh có hệ thống linh hoạt tự phân tích, tự thích nghi và tự động chạy toàn bộ quá trình sản xuất. Trong khi đó, nền công nghiệp sản xuất Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tự động hóa từng phần đến tự động hóa toàn bộ.

Không chỉ trong sản xuất, với lĩnh vực bán hàng, theo ông Liêu Hưng Tiến, Giám đốc kinh doanh Công ty Haravan, công nghệ đang làm thay đổi hành vi và thói quen của người dùng. Cách đây khoảng 10 năm sẽ khó hình dung câu chuyện người tiêu dùng có thể đặt hàng từ nước ngoài về Việt Nam, nhưng những năm gần đây có thể nhập hàng từ nước ngoài về dễ dàng thông qua công cụ như Amazon, Alibaba, Lazada… và đó là thách thức của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Bắt đúng nhịp, đi đúng hướng

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit phân tích, trong thời đại 4.0, doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải hướng tới, không chỉ là công nghệ số, kỹ thuật dữ liệu hay kỹ thuật vật lý, mà ngay cả công nghệ sinh học cũng phải được quan tâm, nhất là với lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm. Khi kết hợp nhiều công nghệ mới, sản phẩm mang tính độc đáo đột phá sẽ tạo sức hấp dẫn người tiêu dùng.

Ông Trịnh Thành Nhơn, Tổng Giám đốc Công ty Hóa mỹ phẩm quốc tế ICC cho biết, công ty đang dần đổi mới máy móc thiết bị tự động hóa. Nhờ ứng dụng công nghệ mới, nếu trước đây nhà máy sản xuất phải cần hơn 150 công nhân thì hiện chỉ cần 50 người vận hành là có thể đạt sản lượng gấp 3 lần so với trước.

Ông Huỳnh Dũng Sáng, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Công nghiệp và Thiết bị chiếu sáng Duhal cũng cho rằng, công nghệ được xác định là giá trị cốt lõi để tăng trưởng. Trong 3 năm qua, Duhal đã đầu tư 30 triệu USD cho 2 nhà máy ở Tiền Giang và Bến Tre. Đây là nền móng cho mục tiêu đến năm 2020 đạt doanh số 250 triệu USD/năm và đầu tư cho sản xuất đến năm 2020 tăng gấp 5 lần hiện nay.

Theo ông Lê Hoài Quốc, các doanh nghiệp nếu bắt đúng nhịp, đi đúng hướng, phát triển theo chiều sâu sẽ tận dụng được những cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Về phía TP Hồ Chí Minh, cần chuyển đổi cơ cấu lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng giảm thâm dụng lao động phổ thông, tăng lao động công nghệ và có kỹ năng chuyên môn cao bằng chính sách, cơ chế ưu đãi áp dụng cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, phải có cơ chế ràng buộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia phát triển chuỗi cung ứng nội địa, có cơ chế đặc biệt khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư tham gia chuỗi cung ứng nội địa. Hiện, tỷ lệ chuỗi cung ứng nội địa trong Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh là khoảng 10%, mục tiêu đến năm 2020 nội địa hóa tối thiểu 35% tổng giá trị xuất khẩu.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng cần hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo. Hiện, hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố rất thiếu các quỹ đầu tư mạo hiểm để phát triển các công nghệ mới.

Nguồn: Báo Hà Nội Mới

Số lượt đọc: 5572

Về trang trước Về đầu trang