Tin KHCN trong nước
Sáng chế cùng sự sáng tạo của phụ nữ đã và đang làm thay đổi thế giới (13/04/2018)
-   +   A-   A+   In  
Nhận định trên được Cục trưởng Đinh Hữu Phí đưa ra tại hội thảo “Nữ trí thức và công cụ sở hữu trí tuệ trong đổi mới, sáng tạo” do Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Hội Nữ Trí thức Việt Nam và Sở KH&CN Hà Nội tổ chức.

Theo ông Đinh Hữu Phí, chiến dịch kỷ niệm Ngày sở hữu trí tuệ thế giới năm nay tôn vinh tài năng, sự khéo léo, ham học hỏi và sự can đảm của phụ nữ - những người bằng lao động sáng tạo của mình đang thay đổi thế giới và định hình tương lai chung.

Sáng chế cùng sự sáng tạo của phụ nữ đã và đang làm thay đổi thế giới - ảnh 1

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí phát biểu khai mạc hội thảo 

“Những đóng góp đầy cảm hứng và quan trọng của phụ nữ khắp thế giới đang tạo ra thay đổi trong thế giới của chúng ta,” ông Phí nói.

Cũng theo ông, phụ nữ đã và đang đảm nhận vai trò lãnh đạo và có tiếng nói quyết định trong giới khoa học, công nghệ, kinh doanh và nghệ thuật.

“Chủ đề kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay là cơ hội để nêu bật cách thức mà hệ thống sở hữu trí tuệ có thể hỗ trợ những phụ nữ vốn luôn có tố chất đổi mới và sáng tạo trong nỗ lực tìm kiếm nhằm đưa những ý tưởng mới lạ của họ ra thị trường,” ông Phí cho biết.

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ thông tin về các hoạt động sáng tạo của nhà khoa học nữ, vai trò của sở hữu trí tuệ đối với hoạt động nghiên cứu triển khai và kinh nghiệm đăng ký, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các nhà khoa học và trách nhiệm của các cơ quan quản lý.

Sáng chế cùng sự sáng tạo của phụ nữ đã và đang làm thay đổi thế giới - ảnh 2

Bà Nguyễn Thị Trâm, người đã có hơn 16 tỷ đồng từ chuyển nhượng các giống lúa 

Ông Phí cũng kỳ vọng sự kiện sẽ mở ra những hướng hợp tác trong tương lai giữa Cục Sở hữu trí tuệ với Hội Nữ trí thức trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nhằm phát huy hơn nữa vai trò của nữ trí thức trong hoạt động đổi mới sáng tạo dựa trên công cụ sở hữu trí tuệ.

Tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Trâm người có hơn 16 tỷ đồng từ chuyển nhượng các giống lúa, đánh giá cao tầm quan trọng của việc đăng ký sở hữu trí tuệ.

Nhờ chuyển nhượng bản quyền giống lúa TH3-3, nhóm nghiên cứu của bà Trâm đã thu hồi được kinh phí sự nghiệp khoa học và có tiền để mở rộng nghiên cứu theo hướng mới. Trong gần 20 năm, nhóm đã tạo ra nhiều giống lúa mới như TH3-4, Hương cốm, TH3-5; sở hữu 10 bằng bảo hộ, đã nhượng được 6 bản quyền trọn gói với tổng giá trị 16,4 tỷ đồng, một bản quyền chuyển nhượng theo hình thức cùng khai thác và nhiều khoản tiền khác.

Sáng chế cùng sự sáng tạo của phụ nữ đã và đang làm thay đổi thế giới - ảnh 3

Toàn cảnh hội thảo 

Từ thành công của bản thân, bà Trâm cho rằng các nhà nghiên cứu khoa học cần đăng ký sở hữu cho sản phẩm của mình. "Nghiên cứu khoa học là tạo ra sản phẩm khoa học mới. Muốn sản phẩm mới được ứng dụng, tác giả phải biến nó thành công nghệ có bản quyền", bà Trâm nhận định và cho rằng có như vậy các khoản vốn đầu tư cho nghiên cứu của nhà nước mới tạo ra hiệu quả kinh tế cao và hiệu quả xã hội tích cực.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 8654

Về trang trước Về đầu trang