Tin KHCN trong nước
Hai chủ nhân giải thưởng Tạ Quang Bửu vào top 100 nhà khoa học châu Á (06/04/2018)
-   +   A-   A+   In  

Danh sách do Asian Scientist - tạp chí khoa học và công nghệ xuất bản bằng tiếng Anh tại Singapo - bình chọn.


Với thành tích giành giải thưởng Tạ Quang Bửu - giải thưởng do Bộ KH&CN trao hàng năm cho các công trình nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên - GS.TS Phan Thanh Sơn Nam (ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh) và PGS.TS Nguyễn Sum (ĐH Quy Nhơn) đã được tạp chí Asian Scientist lựa chọn vào danh sách 100 nhà khoa học châu Á.

GS Phan Thanh Sơn Nam hiện là Trưởng khoa Kỹ thuật hóa học, Trưởng phòng thí nghiệm nghiên cứu cấu trúc vật liệu, Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM). 

 

GS Phan Thanh Sơn Nam trong danh sách "Asian Scientist 100" năm 2018.

Năm 2017, ông được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu với công trình "Tổng hợp propargylamine từ N-methylaniline và alkyne đầu mạch thông qua con đường methyl hóa và hoạt hóa trực tiếp liên kết C-H sử dụng vật liệu Cu2(BDC)2(DABCO) làm xúc tác".

Đây là một trong số các công trình nghiên cứu ứng dụng vật liệu MOFs làm chất xúc tác cho phản ứng điều chế các hợp chất họ propargylamine theo con đường hoạt hóa trực tiếp liên kết C-H. Trong đó, các hợp chất chứa cấu trúc propargylamine có nhiều ứng dụng quan trọng trong lĩnh vực hóa dược, hóa chất nông nghiệp, vật liệu chức năng.

Đặc biệt, trong quá trình nghiên cứu, nhóm của GS Phan Thanh Sơn Nam đã phát hiện ra một chuyển hóa của N-methylaniline chưa từng được thế giới công bố trước đó. Bài báo khoa học này được các nhà khoa học trên thế giới rất quan tâm và được trích dẫn 21 lần.

GS Phan Thanh Sơn Nam được phong hàm giáo sư năm 2015 khi mới 36 tuổi và là một trong những giáo sư trẻ tuổi nhất Việt Nam.

Chia sẻ về việc lọt vào top 100 nhà khoa học châu Á, GS Phan Thanh Sơn Nam viết trên trang cá nhân: "Khi thấy tên của Bách khoa có cơ hội đứng chung list với các trường nổi tiếng của châu Á như NUS, NTU, Tokyo, Osaka, Pohang thì tự nhiên cũng cảm thấy vui vui".

GS Nam hi vọng sự có mặt của mình cùng cái tên Bách khoa trong danh sách này sẽ truyền cảm hứng để các sinh viên đi theo con đường nghiên cứu khoa học.

PGS Nguyễn Sum hiện là giảng viên khoa Toán, trường ĐH Quy Nhơn. Ông được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 nhờ công trình “Về bài toán hit của Peterson” (On the Peterson hit problem). Đây là một trong những vấn đề trọng tâm của tôpô đại số được xuất bản toàn văn trên tạp chí Advances in Mathematics và các chứng minh chi tiết cho trường hợp k = 4 được xuất bản online trên website arXiv của Đại học Cornell, Mỹ.

 

PGS Nguyễn Sum trong danh sách "Asian Scientist 100" năm 2018.

Những kết quả thu được từ việc nghiên cứu bài toán này có thể ứng dụng để nghiên cứu dãy phổ Adams đối với đồng luân ổn định của mặt cầu thông qua đồng cấu chuyển đại số của Singer; lý thuyết biểu diễn của các nhóm tuyến tính mà thường được sử dụng trong Hóa học lượng tử và ứng dụng trong một số bài toán khác của lý thuyết đồng luân.

PGS Nguyễn Sum từng được các lãnh đạo 'thuyết phục' trở thành Phó hiệu trưởng trường ĐH Quy Nhơn. Tuy nhiên, ông đã kiên quyết từ chối để dành thời gian cho nghiên cứu.

Có lần ông chia sẻ: "Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về mục đích quan trọng của nhà nghiên cứu và cuối cùng đi đến quyết định xin nghỉ làm quản lý để trở lại với vị trí một giảng viên bình thường của Khoa Toán. Chỉ có giải quyết theo cách này, tôi mới có nhiều thời gian hơn cho nghiên cứu".

Asian Scientist là tạp chí khoa học và công nghệ xuất bản bằng tiếng Anh tại Singapo. Do hơn một phần tư số nhà khoa học trên thế giới xuất thân từ châu Á, tạp chí tự đặt ra cho mình sứ mệnh mang những câu chuyện thú vị nhất về cộng đồng này đến công chúng toàn cầu.

Năm nay là năm thứ ba tạp chí xuất bản ấn phẩm “Asian Scientist 100”, giới thiệu 100 nhà nghiên cứu, viện sĩ, và nhà sáng tạo hàng đầu ở châu Á - những người có đóng góp đáng kể trong các lĩnh vực khác nhau, từ thăm dò vũ trụ cho đến sinh học cấu trúc.

Mỗi người trong trong danh sách này đều đã giành một giải thưởng quốc gia hoặc quốc tế trong năm 2017 cho hoạt động nghiên cứu hoặc lãnh đạo trong lĩnh vực khoa học. 

"Chúng tôi hy vọng rằng thành công của Asian Scientist 100 sẽ truyền cảm hứng cho các nhà khoa học trẻ ở châu Á tiến tới những thành tựu xuất sắc trong khoa học" - Asian Scientist chia sẻ kỳ vọng của mình về danh sách này.

Nguồn: KH&PT

Số lượt đọc: 2690

Về trang trước Về đầu trang

TIN TỨC KHÁC
  • Hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ chất lượng cao (22/10/2018)
  • Bộ KH&CN giải đáp cho doanh nghiệp về hiệu lực Giấy chứng nhận hợp quy (22/10/2018)
  • Hiện trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ bảo quản trên tàu khai thác xa bờ và tàu hậu cần thuỷ sản của tỉnh BR-VT (22/10/2018)
  • Công nghệ chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng từ nguyên liệu còn lại trong công nghiệp chế biến cá (19/10/2018)
  • Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN không chính thức lần thứ 10 (IAMMST-10) (19/10/2018)
  • Giải pháp ứng dụng công nghệ thủy phân đối với nguyên liệu cá tạp và triển vọng ứng dụng (18/10/2018)
  • Giải pháp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm surimi và sản phẩm mô phỏng từ surimi trong quá trình chế biến và bảo quản tại các nhà máy chế biến surimi trên địa bàn tỉnh (18/10/2018)
  • Ứng dụng kỹ thuật sấy bằng bơm nhiệt (heat pump) để cải thiện chất lượng và tiết kiệm năng lượng cho quá trình sản xuất các sản phẩm khô thủy sản (18/10/2018)
  • Những giải pháp công nghệ mới trong sản xuất chitin, chitosan từ phế liệu của các nhà máy chế biến (tôm, mực, ghẹ, …) trên địa bàn tỉnh BR-VT (18/10/2018)
  • Công nghệ sản xuất collagen, gelatine từ nguyên liệu còn lại của nhà máy chế biến thủy sản (xương, da, vây, vẩy) và khả năng ứng dụng trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)