Hợp tác quốc tế
Hội nghị điều phối viên và các nhà khoa học trong khuôn khổ Chương trình hợp tác song phương giữa VINATOM, Việt Nam và QST, Nhật Bản (12/03/2018)
-   +   A-   A+   In  
Trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác song phương về “Xử lý chiếu xạ tận dụng vật liệu polyme” giữa Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) và Viện Khoa học Công nghệ Bức xạ và Lượng tử quốc gia Nhật Bản (QST), ngày 06/03/2018, Hội nghị điều phối viên và các nhà khoa học trong lĩnh vực ứng dụng bức xạ đã diễn ra tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội.

Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Quang Long Phó Giám đốc, Trần Minh Quỳnh điều phối viên chương trình hợp tác phía Việt Nam, ông Naotsugu Nagasawa, chuyên gia về vật liệu chức năng cao cấp, đại diện điều phối viên phía Nhật Bản và các nghiên cứu viên thuộc các lĩnh vực liên quan của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội.

Thay mặt Lãnh đạo Trung tâm, ông Nguyễn Quang Long, Phó Giám đốc Trung tâm đã phát biểu chào mừng Hội nghị. Đánh giá cao nỗ lực của các điều phối viên và điểm lại các mốc đáng chú ý trong quá trình hợp tác, ông Long gửi lời cảm ơn lãnh đạo VINATOM và QST đã hỗ trợ hoạt động chương trình. “Cho đến nay, chương trình hợp tác song phương chủ yếu tập trung thúc đẩy các ứng dụng vật liệu polyme biến đổi bức xạ trong lĩnh vực nông, công nghiệp, y tế và môi trường. Với việc chuyển viện Nghiên cứu Hóa bức xạ Takasaki trực thuộc QST, một trong những viện nghiên cứu quốc gia mạnh về Công nghệ gia tốc và Y học hạt nhân, và việc thiết bị gia tốc cyclotron của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội được cấp phép sản xuất dược chất phóng xạ 18FDG, chúng tôi mong muốn các nhà khoa học hai bên tích cực trao đổi, đưa ra các giải pháp để mở rộng phạm vi hợp tác để Chương trình đạt hiệu quả cao”, ông Long nhấn mạnh.

 

Ông Nguyễn Quang Long phát biểu khai mạc Hội nghị

Mở đầu hội nghị, ông Trần Minh Quỳnh, điều phối viên Chương trình phía Việt Nam đã giới thiệu về cơ cấu tổ chức, nguồn lực và các lĩnh vực hoạt động của Trung tâm, đồng thời tóm tắt một số kết quả hoạt động nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ bức xạ trong thời gian gần đây. Ông cũng nêu một số khó khăn của Trung tâm trong việc thẩm định hệ đo liều, phân tích đánh giá ảnh hưởng của chiếu xạ đến đặc tính một số vật liệu polyme tự nhiên như dịch chiết từ thực vật, bảo dưỡng thiết bị gia tốc, chế tạo modul tổng hợp và phát triển dược chất phóng xạ mới. Một số đề xuất mới cũng đã được các nghiên cứu viên của Trung tâm đưa ra để trao đổi nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác, với mong muốn QST hỗ trợ thêm về đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ.

Thay mặt các nhà khoa học Nhật Bản, ông Naotsugu Nagasawa giới thiệu cơ cấu tổ chức mới và tóm tắt các thành tựu gần đây của viện Hóa bức xạ Takasaki trong lĩnh vực xử lý chiếu xạ polyme. Đặc biệt nhấn mạnh các ứng dụng xử lý chiếu xạ trên máy gia tốc trong việc thiết kế và sản xuất khuôn “scaffold” cho nuôi cấy mô, tế bào; cấy ghép ion sản xuất vật liệu bán dẫn, màng khâu mạch trong pin nhiên liệu, cũng như đẩy mạnh ứng dụng sản phẩm polysaccharide phân hủy bức xạ làm chất kích thích tăng trưởng thực vật (PGP) với những kết quả mới trong việc thúc đẩy phát triển một số loại rêu để giữ ẩm cho cây cảnh, hay chống nóng cho các tòa nhà…

Đại diện cho nhóm nghiên cứu ứng dụng Công nghệ bức xạ trong Nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Thơm đã trình bày một số kết quả mới trong việc ứng dụng xử lý chiếu xạ gamma giảm số lượng bào tử Bacillus thuringiensis (Bt) trong thuốc trừ sâu sinh học VBT nhằm hạn chế ảnh hưởng không mong muốn của vi khuẩn Bt đến môi trường. Đây cũng là hướng đi mới để đẩy mạnh việc sử dụng không chỉ thuốc trừ sâu sinh học mà cả một số sản phẩm phân bón thân thiện khác nhằm đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam.

Trước khi kết thúc Hội nghị, ông Naotsugu Nagasawa cũng được giới thiệu về năng lực của các nhóm nghiên cứu thông qua việc tham quan các phòng thí nghiệm, xem xét một số sản phẩm nghiên cứu và quá trình bảo dưỡng máy gia tốc cyclotron. Đánh giá cao cơ sở hạ tầng của Trung tâm, ông Naotsugu Nagasawa cho rằng Trung tâm có thể thực hiện các nghiên cứu về công nghệ gia tốc sử dụng chùm proton hiện có bên cạnh việc sản xuất dược chất phóng xạ.

Kết thúc Hội nghị, hai bên thống nhất đề nghị VINATOM và QST tăng cường hỗ trợ kinh phí để mở rộng hợp tác, đặc biệt là tạo điều kiện để MEXT và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam hỗ trợ một số nghiên cứu hợp tác theo nghị định thư giữa hai nước trong lĩnh vực chiếu xạ polyme và Y học hạt nhân. Hai bên cũng đề nghị QST và VINATOM tiếp tục hỗ trợ kinh phí tổ chức Hội nghị thường niên, cũng như tổ chức Hội nghị tiếp theo tại Viện Hóa bức xạ Takasaki để các nghiên cứu viên Việt Nam có cơ hội tiếp cận công nghệ mới. Phía Việt Nam cũng này tỏ mong muốn QST hỗ trợ cho ít nhất 01 nghiên cứu viên trẻ của Trung tâm được thực tập tại QST về các lĩnh vực liên quan./.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 2921

Về trang trước Về đầu trang