Tin KHCN nước ngoài
Liệu pháp mới cho bệnh tiểu đường sẽ biến các tế bào gan thành nơi sản sinh insulin (29/08/2014)
-   +   A-   A+   In  

Khi liệu pháp ghép tế bào đảo tụy lần đầu tiên được đưa vào, nó đã mang hy vọng đến cho vô số bệnh nhân tiểu đường mệt mỏi vì phải tiêm insulin hàng ngày. Giờ đây, công ty y học tái tạo Orgenesis đặt tại Đại học Tel Aviv, Israel đang phát triển liệu pháp biến đổi các tế bào gan thành tế bào sản sinh insulin. Liệu pháp mới được cho là khắc phục những thiếu sót của liệu pháp đảo tụy.

Trong bệnh tiểu đường tuýp 1, tuyến tụy không còn sản sinh được insulin, hormone loại bỏ lượng đường dư thừa trong máu. Thông thường, insulin bị thiếu cần được cung cấp theo hình thức tiêm hàng ngày. Tuy nhiên, với liệu pháp đảo tụy, các cụm tế bào được ghép từ tuyến tụy hiến tặng của người chết vào bệnh nhân tiểu đường. Các cụm tế bào này được gọi là các đảo, sản sinh insulin trong cơ thể, vì vậy, không cần tiêm.

Tuy nhiên, một trong những hạn chế của phương pháp này là thực tế không có tuyến tụy hiến tặng phù hợp. Thậm chí nếu có, người nhận cần duy trì dùng thuốc ức chế miễn dịch để các cụm tế bào không bị đào thải và những loại thuốc có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.  

Hệ thống mới liên quan đến việc lấy các tế bào từ chính gan của bệnh nhân, sau đó nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Một gen chủ điều khiển gọi là PDX-1 được sử dụng để biến các tế bào gan nuôi cấy thành các tế bào sản sinh insulin tự thân, giống như chức năng của các đảo. Sau đó, các tế bào này được đưa trở lại gan bằng ống thông, ở đó, chúng bằng đầu tạo ra insulin.

Scott Carmer, Giám đốc điều hành Công ty Orgenesis cho biết: "Gan và các tuyến tụy có liên quan mật thiết với nhau về chức năng và có chung nguồn gốc từ phôi thai. Nếu bạn nhìn vào một số động vật nguyên thủy, chỉ có một cơ quan có chức năng của cả hai gan và tuyến tụy. Vì chúng có liên quan rất mật thiết, nên việc bổ sung gen chủ điều khiển PDX-1 vào các tế bào gan gây ra một chuỗi các biểu hiện gen, biến các tế bào này thành tế bào đảo tụy".

Lợi thế của công nghệ mới là vì chính các tế bào của bệnh nhân được sử dụng, nên không có tình trạng thiếu nguồn hiến tặng và không cần thuốc ức chế miễn dịch. Phương pháp này được cho là ít tốn kém hơn so với các phương pháp khác, không đòi hỏi phải tự theo dõi hoặc hoạt động khác trên cơ thể bệnh nhân và dẫn đến việc sản sinh insulin chỉ trong vài ngày kể từ khi đưa các tế bào sản sinh insulin vào.

Hệ thống này đã được thử nghiệm trên mô gan người trong phòng thí nghiệm và trên chuột mắc bệnh tiểu đường. Các thử nghiệm lâm sàng trên người có thể sẽ bắt đầu vào cuối năm nay.

Nguồn: vista

Số lượt đọc: 10044

Về trang trước Về đầu trang