Tin KHCN trong nước
Hai nhà khoa học nữ tiêu biểu trong khoa học vật liệu và đời sống (12/03/2018)
-   +   A-   A+   In  
Đàn ông làm nghiên cứu khoa học đã rất khó khăn, nhưng phụ nữ khi dấn thân vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học mà đàn ông vẫn đang chiếm ưu thế thì họ phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp mười lần để có được thành công.

Có hai trong số những nhà khoa học nữ tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học vật liệu và khoa học đời sống năm 2017 đã được vinh danh tháng 1/2018, do Hội đồng khoa học giải thưởng L’Oreal-UNESO Việt Nam lựa chọn. 

Đó là phó giáo sư tiến sỹ Nguyễn Thị Hoài - Trưởng khoa Dược, Đại học Y dược - Đại học Huế và tiến sỹ Trần Thị Ngọc Dung - Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. 

Có đam mê thành công sẽ đến 

 

Nhà khoa học Nguyễn Thị Hoài. (Ảnh: Hương Ly/Vietnam+)

Mới 35 tuổi, giảng viên Nguyễn Thị Hoài đã mang hàm Phó Giáo sư trẻ nhất Trường Đại học Y dược (Đại học Huế). Từng phát hiện bản thân bị ung thư, chị mày mò tìm kiếm dược liệu và nghiên cứu ra sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư thành công. 

Phó Giáo sư Hoài kể, phần lớn thời gian chị gắn liền với công việc nghiên cứu, lọ mọ với những lọ, chai trong phòng thí nghiệm. Tốt nghiệp phổ thông, chị thi đỗ vào 4 trường đại học cùng lúc nhưng vì yêu nghề Dược, chị đã lựa chọn trường đại học Y Dược để theo học. Năm 1999 chị tốt nghiệp trường Dược và được nhận về công tác tại Trường đại học Y Dược Huế. 

35 tuổi, chị nhận học hàm phó giáo sư và trở thành phó giáo sư trẻ nhất trường. Đến nay, chị đã có trong tay hàng chục công trình nghiên cứu khoa học, trong đó chủ nhiệm 1 đề tài Nafosted, 1 đề tài cấp Bộ Y tế, 4 đề tài cấp bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Ngoài ra, chị còn làm công việc chuyên môn, truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên suốt 17 năm qua. 

Chị Hoài tâm sự, năm 2005 sinh con đầu lòng. Con được 2 tuổi, chị phát hiện mình bị K tuyến giáp. “Khi đó, đất sụp dưới chân nhưng ý chí vẫn tự nhủ mình phải mạnh mẽ để làm càng nhiều việc càng tốt”. Từ đó, chị lao vào nghiên cứu nhiều công trình cấp bộ. Càng gần đến ngày báo cáo chị thức xuyên đêm để viết đề tài. 

Một tháng có 30 ngày thì đủ 30 ngày chị có mặt ở phòng thí nghiệm. Gần Tết, mọi người rục rịch mua sắm, nghỉ Tết nhưng chị vẫn làm việc đến khuya ngày 29 mới trở về nhà. Chị nói “Những người phụ nữ khác thích đi mua sắm, ngồi cà phê thì tôi lại dồn tất cả sở thích, niềm vui đó cho đam mê nghiên cứu khoa học”.

Một trong những nghiên cứu nổi bật của chị chính là tìm ra chất chống ôxy hóa và diệt tế bào ung thư từ cây thuốc nam của đồng bào Pako Vân Kiều ở miền Trung. Chị kể, để có được sản phẩm này, chị đã phải nằm vùng cùng bà con hàng tuần. Vì không biết tiếng nên phải nhờ đến cán bộ xã, bộ đội cùng vận động bà con tìm giúp nguyên liệu. 

Sau khi có nguyên liệu chị đã điều chế, tách chiết thành phẩm và gửi hàng chục mẫu đi đánh giá. “Khi nhận được email trả lời kết quả, loại thuốc này có thể ức chế được 70 tế bào ung thư, tôi đã rơi nước mắt vì mừng” - chị Hoài cho biết, hiện nay Việt Nam có quá nhiều bệnh nhân mắc bệnh ung thư. Chị rất mong, sẽ tạo được sản phẩm điều trị hiệu quả giúp người bệnh. 

Phó Giáo sư Nguyễn Thị Hoài cho rằng, phụ nữ làm khoa học rất vất vả bởi trước hết chị vẫn phải đảm trọn vai người vợ, người mẹ trong nhà. Bởi vậy, để vượt lên những vất vả đời thường ấy, theo chị nếu có cơ hội, phụ nữ hãy dành thời gian để phát triển sự nghiệp bản thân. “Khi có đam mê, thành công sẽ đến". 

Chỉ có tình yêu khoa học mới tạo nên thành công 

 

Nhà khoa học Trần Thị Ngọc Dung. (Ảnh: Hương Ly/Vietnam+)

Tiến sỹ Trần Thị Ngọc Dung, Trưởng phòng Công nghệ thân thiện môi trường, Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được ghi nhận vì những nghiên cứu mang tính ứng dụng về vật liệu nano. 

Sản phẩm đã được nghiên cứu đánh giá hoạt tính kháng khuẩn trên hàng chục loại vi sinh vật gây bệnh trên người và được thực hiện tại Viện Công nghệ môi trường và nhiều cơ sở y tế lớn trong nước như Học viện Quân Y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Viện Bỏng Quốc gia, Viện các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm Quốc gia, Bệnh viện Da liễu Trung ương... cho thấy sản phẩm được chế tạo có thể tiêu diệt tất cả các đối tượng vi sinh vật ở trên. 

Các nghiên cứu của tiến sỹ Trần Thị Ngọc Dung mang tính ứng dụng lớn vào các sản phẩm thiết thân và có khả năng thương mại hóa các sản phẩm này trên thị trường. Trong đó có thể kể đến băng gạc điều trị vết thương, vết loét lâu lành, bộ dụng cụ lọc dùng cho mục đích làm sạch nước quy mô gia đình, băng bỉm vệ sinh cho trẻ em, người lớn, người già và khẩu trang phòng chống ô nhiễm môi trường, dung dịch vệ sinh phụ nữ. 

Công nghệ gắn nano bạc lên vật liệu để sản xuất băng bỉm vệ sinh của Tiến sỹ Dung đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích. Công nghệ chế tạo vật liệu lọc nước ceramic xốp cố định nano bạc đã được cấp Bằng độc quyền sáng chế đã gắn tên tuổi của nữ tiến sỹ với công nghệ tiên tiến này.

Trong thời gian tới, tiến sỹ Dung cho biết sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nano bạc trong lĩnh vực nông nghiệp như công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch, xử lý bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi.

Làm sao để ứng dụng ngày càng nhiều hơn những kết quả nghiên cứu khoa học này vào đời sống và góp phần mang lại lợi ích cho đông đảo người dân ở một nước phát triển dựa nhiều vào nông nghiệp như Việt Nam vẫn luôn là niềm khao khát và động lực để chị bước tiếp trên con đường làm khoa học còn rất rộng mở và gian nan phía trước - tiến sỹ Dung đã tâm sự như vậy.

Nguồn: TTXVN

Số lượt đọc: 4419

Về trang trước Về đầu trang