Tin KHCN trong nước
Công nghiệp 4.0 cần song hành với giáo dục 4.0 (28/02/2018)
-   +   A-   A+   In  
Hệ thống giáo dục và đào tạo phải nhanh chóng thay đổi từ phương pháp quản lý cho tới giảng dạy và học tập theo tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn Giáo dục 4.0, để phát triển nguồn nhân lực bắt kịp với tốc độ thay đổi của công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nguy cơ đã thành hiện thực
Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đem lại sự kết hợp giữa hệ thống ảo và thực dựa trên nền tảng các phát minh, phát kiến thuộc ba “đại xu hướng”: vật lý, số hóa, và sinh học.

Với tính chất đó, CMCN 4.0 được xem là sẽ làm thay đổi cơ bản cách con người sống, làm việc, và tương tác với nhau. Trong lĩnh vực kinh doanh, toàn bộ các mô hình và phương thức truyền thống đều có nguy cơ bị đảo lộn, mà được đề cập nhiều nhất là nguy cơ các công việc trước đây do con người thực hiện sẽ bị thay thế bằng dây chuyền tự động hóa.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới được tổ chức vào tháng 1/2016 dự báo, năm 2020, con người sẽ mất 5 triệu việc làm do bị thay thế bởi robot. Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng dự báo, trong 2 thập niên tới, khoảng 56% số lao động kỹ năng thấp cùng một số công việc hành chính, văn phòng tại 5 quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, có nguy cơ mất việc vì robot. Cụ thể hơn, 86% lao động trong ngành dệt may - da giày và 75% lao động trong ngành điện - điện tử ở Việt Nam đối mặt với nguy cơ mất việc làm cao do tự động hóa.

Những dự báo trên đã không còn là nguy cơ nữa, khi mà mới đây, 90% công nhân thuộc một nhà máy ở Bình Dương phải nghỉ việc vì robot. Hay như Nhà máy sữa Việt Nam - Mega Factory của Vinamilk được đầu tư dây chuyền tự động hóa toàn bộ các khâu sản xuất từ chế biến, đóng gói cho tới lưu kho. Ở nhà máy thông minh này, tỷ lệ lao động phổ thông chỉ còn chiếm 15% chứ không cao như trước đây.

Nhìn ra nước ngoài, Foxconn, một doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) từng làm giàu từ việc dùng lao động phổ thông để gia công phụ kiện cho các hãng Apple, Sony và Nokia - nay cũng đã cắt giảm hơn 1/2 tổng số lao động, tương đương 60.000 công nhân, để thay thế bằng robot.

Theo dự báo của ILO, đến năm 2030, phần lớn các doanh nghiệp đều áp dụng kỹ thuật số cho phép tích hợp các quy trình thiết kế sản phẩm, sản xuất, chế tạo và cung ứng với hiệu quả cao.

Thực trạng chất lượng đào tạo nhân lực
Nhân lực đào tạo hằng năm của nước ta tăng nhưng thiếu chuyên gia trình độ cao, thiếu công nhân lành nghề, năng suất lao động thấp và tăng chậm so với các quốc gia trong khu vực. Một trong những nguyên nhân cơ bản là hệ thống giáo dục của nước ta hiện nay chưa chú trọng đúng mức tới đào tạo kỹ năng nghề nghiệp. Nhiều trường phổ thông chú trọng việc luyện thi để lấy thành tích thi cử cao hơn là đào tạo học sinh có kỹ năng, nghề nghiệp giỏi. Tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ nghề còn thấp. Khả năng sử dụng ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin làm công cụ làm việc hạn chế.

Xu hướng mất cân đối trong đào tạo khiến những ngành quan trọng phục vụ công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước như công nghệ biển, công nghệ vật liệu mới, công nghệ nanô, công nghệ sinh học… đều thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới” của Quốc hội, cả nước ta có 164.744 người tham gia hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D), trong đó số cán bộ nghiên cứu có trình độ cao đẳng và đại học trở lên là 128.997 người. Nếu quy đổi toàn thời gian (FTE- full time equivalent), số lượng cán bộ R&D của Việt Nam chỉ đạt 7 người/vạn dân.

Như vậy, mặc dù Nhà nước đã xác định khoa học và công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc phát triển kinh tế xã hội bền vững, nhưng nhìn chung hiện nay nhân lực khoa học công nghệ còn mỏng và yếu. Trong đó, số đông chưa đáp ứng yêu cầu nghiên cứu các vấn đề mới, đặc biệt là những vấn đề phức hợp liên ngành, một số lĩnh vực khoa học thiếu cán bộ trẻ kế cận có trình độ cao. Hiệu quả thực tế của các đề tài nghiên cứu còn hạn chế và chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học.

Trong các doanh nghiệp, việc chuẩn bị nhân lực khoa học công nghệ chưa đầy đủ khiến năng lực làm chủ, vận hành, chuyển giao công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu.

Mô hình Giáo dục 4.0
Xu hướng tốc độ thay đổi công nghệ rất nhanh đang đặt ra những yêu cầu mới đối với nguồn nhân lực. Vì vậy, trong giáo dục và đào tạo, từ phương pháp quản lý cho tới giảng dạy và học tập cần được nhanh chóng thay đổi theo tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn Giáo dục 4.0.

Trong đó, dạy học 4.0 gồm nhiều hình thức học tập mới (cả trực tiếp và trực tuyến), thời gian và địa điểm học tập không bị ràng buộc, có sự thay đổi phù hợp với đối tượng học, cung cấp nhiều kỹ năng phù hợp hơn.

Quá trình dạy cần chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất và phát triển năng lực người học (tổ chức nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp); chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng cả số lượng, chất lượng và hiệu quả; chuyển từ chỉ chú trọng giáo dục nhân cách nói chung sang kết hợp giáo dục nhân cách với phát huy tốt nhất tiềm năng cá nhân; chuyển từ quan niệm cứ có kiến thức là có năng lực sang quan niệm kiến thức chỉ là yếu tố quan trọng của năng lực. Việc học cần chuyển từ học thuộc, nhớ nhiều sang hình thành năng lực vận dụng, thích nghi, giải quyết vấn đề, tư duy độc lập.

Đối với quản lý giáo dục 4.0, cần xây dựng những công cụ thông minh, gồm cả công cụ quản lý đại học và săn sóc sinh viên dựa trên thẻ thông minh, phần mềm trí tuệ nhân tạo, bản địa hóa kho tài liệu học và đẩy mạnh liên kết quốc tế.

Kết hợp với việc ứng dụng các mô hình giáo dục: Phòng học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo, phòng thí nghiệm, thư viện ảo… dưới sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh; tạo điều kiện và yêu cầu sinh viên từ năm thứ 3 phải tham gia các nhóm nghiên cứu, thực hiện các đề tài gắn liền với giải quyết những vấn đề cụ thể trong chuyên môn, hoặc trong đời sống kinh tế, xã hội...

Gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp đồng thời đẩy mạnh hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp là cần thiết để chia sẻ các nguồn lực chung. Thay đổi từ chỗ dạy những gì giới học thuật sẵn có sang dạy những gì thị trường cần, doanh nghiệp cần, hoặc thậm chí xa hơn - dạy những gì thị trường và doanh nghiệp sẽ cần.

Chỉ có nhờ những thay đổi căn bản như vậy, chúng ta mới đào tạo được những con người có năng lực tư duy và sáng tạo đổi mới, có khả năng làm việc độc lập và ra quyết định dựa trên cơ sở phân tích các chứng cứ và dữ liệu, có “kỹ năng công nghệ” (technology skill), kỹ năng làm việc nhóm (với cả những người không quen biết trên thế giới có cùng chung chí hướng), có khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải…

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tác động tới tất cả các ngành, lĩnh vực trên diện rộng. Việc chuyển đổi mô thức giáo dục cho phù hợp với yêu cầu mới cần thực hiện ngay với sự hợp tác - liên kết giữa các bộ, ban, ngành và các nguồn lực xã hội. Việc chuyển đổi đào tạo, nên tiến hành với ngay những lớp cán bộ lãnh đạo trẻ, các nhân sự chủ chốt tại các cơ sở đào tạo… Có như vậy, Việt Nam mới có hy vọng bắt kịp sự thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra.

Công nghệ đang từng bước giúp cá nhân hóa việc đào tạo thay vì giảng dạy một chương trình chung như hiện nay. Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp xác định rõ các điểm mạnh, yếu của từng người để đưa ra chương trình đào tạo riêng phù hợp với mong muốn của người học. Kỹ năng tại chỗ khi phỏng vấn tuyển dụng sẽ thay thế việc tuyển dụng dựa vào bằng cấp, trường uy tín, hay bảng điểm cao. Tấm bằng tiến sĩ, thạc sĩ sẽ không còn là tấm hộ chiếu cho bất kỳ một chức vị nào

Nguồn: Vista.gov.vn

Số lượt đọc: 4257

Về trang trước Về đầu trang