Tin KHCN trong nước
Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức họp báo thường kỳ Quý IV/2017 (26/01/2018)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 25/01/2018, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức họp báo thường kỳ Quý IV/2017 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Phạm Công Tạc. Tham dự họp báo có đại diện một số đơn vị chức năng và các đơn vị báo chí thuộc Bộ cùng đại diện gần 60 cơ quan thông tấn, báo chí. Tại buổi họp báo, Lãnh đạo Bộ KH&CN, Chánh Văn phòng Bộ và Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời trực tiếp nhiều vấn đề báo chí và dư luận quan tâm trong thời gian gần đây.


Cơ chế, chính sách, pháp luật KH&CN
Trong Quý IV/2017, chính sách, pháp luật về KH&CN tiếp tục được Bộ KH&CN tập trung hoàn thiện. Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 119/NĐ-CP ngày 01/11/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Quyết định số 46/2017/QĐ-TTg ngày 24/11/2017 về Quy chế tổ chức và hoạt động của mạng lưới các cơ quan thông báo, hỏi đáp và Ban liên ngành về hàng rào kỹ thuật trong thương mại; Quyết định số 2079/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 về việc phê duyệt nhiệm vụ KH&CN đặc biệt cấp quốc gia;... 

Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký ban hành Thông tư (TT) số 13/2017/TT-BTC ngày 06/11/2017 hướng dẫn thành lập và hoạt động của Hội đồng quản lý trong tổ chức KH&CN công lập; TT số 15/2017/TT-BKHCN ngày 05/12/2017 ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với máy gia tốc tuyến tính dùng trong xạ trị”; Quyết định số 3482/QĐ-BKHCN ngày 08/12/2017 công bố sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN;… 

Bộ KH&CN đang trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện KH, CN và Đổi mới sáng tạo; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định về doanh nghiệp KH&CN;... 

Nhiều sự kiện lớn
Trong Quý IV/2017, bên cạnh công tác xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về KH&CN, Bộ KH&CN đã tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như: Ngày Hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2017 (Techfest 2017); trình diễn Đổi mới sáng tạo và công bố Chương trình quan hệ đối tác về đổi mới sáng tạo Australia - Việt Nam; Lễ Khởi động Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST); Lễ ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực SHTT với Tổng cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc; Hội nghị giao ban KH&CN vùng Đông Nam bộ lần thứ XIV với chủ đề “Thúc đẩy phát triển liên kết Vùng”;... Đặc biệt, triển khai Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 04/05/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng 4.0, Bộ KH&CN với vai trò là cơ quan chủ trì đã tổ chức làm việc, trao đổi với các Bộ, ngành về tình hình triển khai Chỉ thị 16: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch… Cùng với đó, Bộ KH&CN đã phối hợp với Ban Khoa giáo (VTV2), Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện Chương trình “Ấn tượng Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2017” nhằm tôn vinh những ấn tượng tiêu biểu của ngành KH&CN Việt Nam. 

Sự kiện nổi bật trong trong ngày đầu năm 2018: vào 10 giờ 10 phút 10 giây ngày 01/01/2018, Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hoá” đã chính thức khởi động dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam với mục tiêu “Chia sẻ tri thức - Cổ vũ sáng tạo - Kết nối cộng đồng - Vì tương lai Việt Nam”. Hệ tri thức Việt số hóa được triển khai nhằm mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái toàn diện, đáp ứng nhu cầu của xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam về một sân chơi sáng tạo, phát triển các công nghệ tiên tiến trên nền tảng của dữ liệu lớn, IoT, trí thông minh nhân tạo.... 

Ngày 09/01/2018, Bộ KH&CN đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng nhiều đại diện các Bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu trường Đại học, doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bên cạnh việc đánh giá tích cực về thành tích của Bộ KH&CN đã đạt được thời gian qua, Thủ tướng đã đưa ra 4 trụ cột chính Bộ cần đổi mới, 3 đột phá cần tập trung và 5 lưu ý trong thời gian tới.

Theo kế hoạch, trong Quý I/2018, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về KH&CN. Đồng thời, tổ chức các hoạt động theo kế hoạch như: Lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương năm 2017; Lễ kỷ niệm Ngày Đo lường Việt Nam; Hội nghị “Phối hợp hoạt động KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang”;... 

 

Những nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 của ngành KH&CN:
(1) Hoàn thiện hành lang pháp lý hướng dẫn thi hành Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). (2) Ưu tiên tăng cường hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ KH&CN gắn với doanh nghiệp, phát triển theo chuỗi giá trị các sản phẩm trọng điểm của quốc gia có tiềm năng xuất khẩu, giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao. (3) Rà soát, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đăng ký doanh nghiệp KH&CN; triển khai các nhiệm vụ năng cao năng lực hấp thụ công nghệ tiến tới dịch chuyển trọng tâm và chủ thể của hoạt động nghiên cứu ứng dụng sang khu vực doanh nghiệp. (4) Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn đăng ký xác lập quyền và thực thi quyền sở hữu công nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ phát triển và khai thác tài sản trí tuệ. (5) Hợp tác theo chiều sâu với các đối tác quốc tế. (6) Chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường năng lực tiếp cận xu hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại của cuộc CMCN4.0. (7) Tiếp tục triển khai chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành rà soát, sắp xếp, tổ chức lại hệ thống tổ chức KH&CN công lập. (8) Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin KH&CN; đẩy mạnh truyền thông về KH&CN.

Giải đáp các vấn đề mà báo chí quan tâm
Tại buổi họp báo, các vấn đề như sự chủ động trong việc tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển nguồn nhân lực phục vụ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tiêu chuẩn, quy chuẩn và công tác kiểm soát chất lượng xăng E5; giải pháp về cơ chế, chính sách trong việc phát triển doanh nghiệp KH&CN; kế hoạch của Bộ KH&CN thời gian tới để tiếp tục thăng hạng chỉ số GII; cơ chế đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc; cơ chế, chính sách đối với các nhà sáng chế không chuyên, nhà khoa học trẻ; hoạt động của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội; triển khai Đề án xây dựng hệ tri thức Việt số hóa;... đã được Lãnh đạo Bộ KH&CN, Chánh Văn phòng Bộ và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời, giải đáp thoả đáng. 

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và cách mà Việt Nam đang tham gia cũng dành được nhiều sự quan tâm của báo giới. Trả lời các câu hỏi này, ông Đàm Bạch Dương đã đưa ra nhiều thông tin cho thấy cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo. Theo ông Đàm Bạch Dương cuộc cách mạng này đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, tạo ra những tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội. “Mỗi quốc gia có cách tiếp cận khác nhau. Có quốc gia vào cuộc nhanh, tích cực (các quốc gia G7 như: Đức, Mỹ, Nhật, Pháp… ) nhưng cũng có nhóm quốc gia phản ứng tiêu cực, tức là không quan tâm nhiều thậm chí không để ý – đây là những quốc gia mức độ phát triển không cao. Nhóm thứ ba là nhóm ở giữa – chiếm đại đa số các quốc gia trên thế giới là tìm hiểu về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đánh giá một cách bài bản, từ đó đưa ra được ứng xử của mỗi quốc gia đối với cuộc cách mạng này” - ông Dương phân tích và cho biết trong xu thế này Việt Nam thuộc các quốc gia chủ động tìm hiểu để có bước đi phù hợp. Theo đó, ông Dương cho rằng, quan điểm của Bộ khi tham mưu cho Chính phủ là Việt Nam nên tiếp cận cuộc Cách mạng 4.0 hết sức thận trọng, tỉnh táo. Không chối bỏ nhưng cũng không để nó “hù dọa” một cách quá mức. Bộ KH&CN cùng với Ngân hàng Nhà nước xây dựng các chính sách để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi; đầu tư cho các nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, đổi mới công nghệ tại các tập đoàn, doanh nghiệp…. Đây là một trong số những công việc cụ thể Bộ KH&CN thể hiện “vai” của mình đối với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã gửi gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các nhà báo, phóng viên, biên tập viên và các cơ quan thông tấn báo chí trong năm qua luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thuộc Bộ KH&CN. Đồng thời, mong muốn năm 2018 và những năm tiếp theo, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, đồng hành của các nhà báo, phóng viên và các cơ quan thông tấn báo chí nhằm chuyển tải rộng rãi các thông tin KH&CN, kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, hoạt động của Bộ KH&CN,… tới xã hội.

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 5019

Về trang trước Về đầu trang