Tin KHCN trong nước
Khoa học công nghệ tạo nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực sản xuất (24/01/2018)
-   +   A-   A+   In  
Năm 2017, điểm sáng trong hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) địa phương là việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bộ KH&CN đã cùng với địa phương đưa KH&CN vào phát triển các sản phẩm chủ lực nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.

KH&CN đưa năng suất lúa Việt Nam đứng đầu ASEAN
Theo Bộ KH&CN, KHCN đã đóng góp tích cực vào quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu. KH&CN đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, 100% diện tích điều trồng mới sử dụng giống của Việt Nam. Năng suất một số vật nuôi, cây trồng đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới: Lúa đứng đầu ASEAN; cá tra, hồ tiêu đứng đầu thế giới; cà phê, cao su đứng thứ 2 thế giới.

Bên cạnh đó, tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp cũng được đẩy mạnh. Số lượng máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp tăng 1,5-2% so với năm 2016. Xuất hiện các mô hình nuôi trồng thủy sản, sản xuất theo chuỗi giá trị như: Chuỗi sản xuất nuôi tôm, cá tra, nuôi giống tôm hùm. Điển hình là chuỗi sản xuất tôm từ khâu giống (Công ty Việt Úc), thức ăn cho tôm (Công ty Tôm King), nuôi tôm (Công ty Trúc Xuân, Công ty Việt Úc), chế biến tôm thành phẩm (Tập đoàn Minh Phú), chế biến phụ phẩm tôm (Công ty Vietnam Food).Các tập đoàn, doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp:Tập đoàn TH True Milk, VinEco, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Giống thủy sản Việt Úc…

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, giao thông và xây dựng, kết quả hoạt động KH&CN đã đóng góp vào thành tích hoàn thành vượt mức chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) là 9,4% (năm 2016 là 7,4%). KH&CN góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của ngành thông qua việc tập trung xây dựng nhiệm vụ KH&CN có quy mô lớn, theo cụm nhiệm vụ để giải quyết những vấn đề cấp thiết, trọng tâm, trọng điểm.

Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế, năm 2017 đánh dấu bước tiến mới với việc các bác sĩ Học viện Quân y đã phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện thành công ca ghép phổi từ người hiến tạng còn sống; các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện thành công ca ghép thận trao đổi chéo đầu tiên trên cả nước. Đã nghiên cứu và sản xuất thành công 10/11 loại vắc xin phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, giúp đẩy lùi và hạn chế nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Việt Nam trở thành nước thứ 4 tại châu Á sản xuất được vắc xin phối hợp Sởi - Rubella và một trong 43 nước sản xuất được vắc xin.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, Bộ cùng với địa phương đưa KH&CN vào phát triển các sản phẩm chủ lực. Đi đầu trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo là Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Nghệ An với việc hình thành không gian làm việc chung tạo môi trường thuận lợi để ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, việc quan tâm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục đem lại lợi ích thiết thực cho địa phương và doanh nghiệp. Các sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý có giá bán tăng so với trước khi được cấp văn bằng bảo hộ. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia hình thành và phát triển nhanh, kết nối sâu rộng, thực chất hơn với các hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong khu vực và thế giới, tạo môi trường thuận lợi cho mọi thành phần xã hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tạo bước chuyển mạnh mẽ năm 2018
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, năm 2018 bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, Bộ sẽ khuyến khích thực hiện các nhiệm vụ khoa học gắn với doanh nghiệp, phát triển theo chuỗi giá trị các sản phẩm trọng điểm của quốc gia có tiềm năng xuất khẩu, giá trị kinh tế cao; tăng cường ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao phục vụ phát triển nông nghiệp, tập trung vào các mặt hàng nông nghiệp chủ lực xuất khẩu.

Bộ KH&CN cũng đề nghị, Chính phủ tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp đề xuất phương án trao quyền tự chủ vốn, tài sản để tổ chức KH&CN công lập thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Đồng thời được quyền sở hữu và có cơ chế phân chia lợi ích hợp lý đối với kết quả nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách nhà nước, tạo điều kiện và thúc đẩy quá trình ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu; ưu đãi cho doanh nghiệp ứng dụng, nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ triển khai các biện pháp huy động nguồn vốn xã hội và nguồn vốn nước ngoài nhằm gia tăng đầu tư cho KH&CN, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng tỉ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo từ xã hội đạt mức cao hơn so với đầu tư từ ngân sách nhà nước, trong đó có cơ chế hợp tác công-tư đồng tài trợ với sự hỗ trợ của Nhà nước.

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, với sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp và chung sức của các bộ ngành, địa phương, ngành khoa học và công nghệ sẽ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2018 và các năm tiếp theo, đóng góp vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội và giữ vững quốc phòng, an ninh đất nước.

Nguồn: Báo điện tử ĐCSVN

Số lượt đọc: 4067

Về trang trước Về đầu trang