Tin KHCN trong nước
Thủ tướng chỉ đạo ngành KH&CN năm 2018: 4 trụ cột, 3 đột phá và 5 lưu ý trong phát triển KH&CN (10/01/2018)
-   +   A-   A+   In  
Ngày 9/1/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2018. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu ý kiến tại Hội nghị. Cùng dự, có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành địa phương.

Báo cáo của Bộ KH&CN cho biết, năm 2017 Bộ KH&CN đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII)... Năm 2018, Bộ KH&CN xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như: Hoàn thiện hành lang pháp lý hướng dẫn thi hành Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017; khuyến khích thực hiện các nhiệm vụ KH&CN gắn với doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao phục vụ phát triển nông nghiệp...
 

Quang cảnh Hội nghị

Trong phần báo cáo tổng kết, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đã nêu nhiều kết quả nổi bật ngành KH&CN đã đạt được trong năm 2017.

Theo đó, trong năm 2017, Bộ KH&CN đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu đưa KH&CN phục vụ trực tiếp cho phát triển các ngành, lĩnh vực; hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của quốc gia theo chuỗi giá trị; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; cải thiện Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu(GII); tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0). 

Nêu con số cụ thể, Thứ trưởng Phạm Công Tạc chỉ rõ, KH&CN đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Năng suất một số vật nuôi, cây trồng đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới: Lúa đứng đầu ASEAN; cá tra, hồ tiêu đứng đầu thế giới; cà phê, cao su đứng thứ hai thế giới.

Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được phát triển theo chuỗi giá trị với sự tham gia ngày càng đông đảo của các tập đoàn, doanh nghiệp. Kết quả hoạt động KH&CN đã đóng góp vào thành tích hoàn thành vượt mức chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) là 9,4%. Trong các lĩnh vực dịch vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ chủ chốt của CMCN4.0 được đẩy mạnh. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Namtăng 12 bậc (từ vị trí 59/128 lên vị trí 47/127 nước và nền kinh tế), đạt vị trí cao nhất từ trước đến nay.

Đặc biệt “Bộ KH&CN dẫn đầu trong việc thực hiện cải cách hành chính về hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ KH&CN quản lý, tương ứng với 96% lô sản phẩm, hàng hóa tại khâu thông quan được chuyển sang cơ chế hậu kiểm, giúp cắt giảm thời gian kiểm tra tại cửa khẩu từ 13 ngày xuống còn 01 ngày. Hệ thống bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ được tập trung hoàn thiện. Hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN được triển khai với trọng tâm là hợp tác hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, triển khai các nhiệm vụ trong năm APEC 2017" – Thứ trưởng Phạm Công Tạc nêu dẫn chứng.

Trong năm 2017, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã phát triển rộng khắp với hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm; 30 cơ sở ươm tạo (BI); 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA), góp phần thúc đẩy số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tăng nhanh với hơn 3.000 doanh nghiệp, gần gấp đôi số lượng năm 2015 (khoảng 1.800 doanh nghiệp). Số lượng và giá trị các thương vụ đầu tư đã tăng đáng kể...

 Dấu ấn trong các ngành

Phát biểu tại hội nghị đại diện ngành công thương, nông nghiệp, ngân hàng nhà nước… đã đánh giá cao những kết quả mà ngành KH&CN đã đạt được cũng như sự phối hợp của Bộ KH&CN với các bộ, ngành trong thời gian qua. 

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh ghi nhận, trong hàng loạt lĩnh vực lớn như khai khoáng, năng lượng, hóa chất… đều có nỗ lực, đóng góp của KH&CN. Đặc biệt năm 2017 Bộ KH&CN và Bộ Công thương đã chủ động kí kết chương trình công tác của 2 bên, không chỉ giúp ngành công thương tăng cường ứng dụng KH&CN mà còn giúp tái cơ cấu ngành theo hướng chính phủ kiến tạo.

 “Bộ KH&CN đóng vai trò quan trọng, tạo nền tảng nâng cao năng lực cạnh tranh hội nhập dựa trên yếu tố trụ cột là sở hữu trí tuệ và ứng dụng tiêu chuẩn quy chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế” – Bộ trưởng Bộ Công thương nói.

 Cùng chung quan điểm này, ở ngành nông nghiệp, y tế… các ý kiến đại diện cũng nêu nhiều con số minh họa ý nghĩa.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng khẳng định khoa học công nghệ thời gian qua đã giúp tăng giá trị gia tăng của nông nghiệp. Ví dụ Đà Lạt có những nông trại chỉ 1.000 m2 nhưng thu nhập mỗi năm lên tới trên 200 triệu đồng. Ở Bến Tre, cây dừa ngày càng mang tới thu nhập cao cho người dân nhờ áp dụng công nghệ trong chế biến. "Đặc biệt, trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, nhờ những tiến bộ và thành tựu khoa học công nghệ, công tác dự báo, hướng dẫn cho ngư dân ở hàng trăm nghìn tàu thuyền trên biển diễn ra thuận lợi, giảm đáng kể thiệt hại thời gian vừa qua", ông Thắng nói. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nông nghiệp cũng nêu một số vấn đề cấp bách cần ngành khoa học công nghệ vào cuộc mạnh hơn nữa, như mất bùn cát ở đồng bằng sông Cửu Long, thiên tai diễn biến phức tạp gây rủi ro nghiêm trọng. “Cần có những nghiên cứu khoa học công nghệ đột phá trong thời gian ngắn để tìm ra giải pháp cho các vấn đề này”, ông Thắng nói.

 

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng nông dân Việt Nam có nhiều sáng kiến giúp ích cho hoạt động sản xuất, thậm chí có người được gọi là “vua sáng chế”. Tuy nhiên, họ vẫn còn có khoảng cách lớn với cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, bên cạnh việc dạy người dân làm nông, cần có chương trình dạy họ tự biết tìm kiếm thông tin về thị trường, về cuộc sống và hoạt động sản xuất, giúp họ tiếp cận với công nghệ. "Ở Đồng Tháp, nông dân thành lập các hội quán mà ở đó hạ tầng công nghệ thông tin khá đầy đủ, giúp nông dân tiếp cận công nghệ. Nhờ đó, nhiều người đã biết thương mại điện tử là gì", ông Hoan nói và giới thiệu về món quà người dân Đồng Tháp muốn gửi tới Thủ tướng mang tên “Cây xoài nhà tôi” và tặng Bộ trưởng "cây cam vườn tôi" - một sản phẩm được mua bán qua thương mại điện tử, giúp người dân cả nước có thể mua dễ dàng.
 

Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Kim Anh chia sẻ nhờ chủ động tiếp cận với cuộc cách mạng 4.0, ngành ngân hàng đã thu được nhiều kết quả tốt trong ứng dụng bigdata, trí thông minh nhân tạo, nhân trắc học… "Nhiều ngân hàng có công cụ, thiết bị thông minh để khách hàng dễ dàng tương tác, triển khai một số hình thức ngân hàng không chi nhánh, chi nhánh ngân hàng không cần giao dịch viên…", Phó thống đốc cho hay.
 

 GS – TS - Thiếu tướng Đỗ Quyết – Giám đốc Học Viện Quân y, cho rằng đây là một năm rất thành công của KH&CN tất cả các lĩnh vực với những con số biết nói. "Đây là một năm khởi sắc, đột phá, kích hoạt được tiềm năng nghiên cứu của đất nước. Hoạt động nghiên cứu KH&CN không chỉ dừng lại ở trí thức mà mọi tầng lớp, kể cả những người già, lực lượng trẻ và cả những nông dân cũng say mê nghiên cứu" - GS Quyết nhấn mạnh và cho rằng những dấu hiệu này cũng dự báo cho những mùa gặt năm sau.
 

Nói về lĩnh vực của mình, ông Quyết nêu về đề tài ghép phổi mới đây đã được Học viện Quân y thực hiện thành công dựa trên nền tảng từ chương trình KH&CN Quốc gia cũng như các nghiên cứu được thực hiện trước đó từ nguồn đầu tư của KH&CN. Thành công này đã giúp Việt Nam ghi danh trên bản đồ thế giới trong tất cả các lĩnh vực ghép tạng.

 
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh cách thức tổng kết công tác của Bộ KH&CN với sự tham dự của đông đảo các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện, trường, tổ chức, các địa phương, nhất là có cả các doanh nghiệp khởi nghiệp. Thủ tướng cho rằng, Hội nghị đã làm rõ hơn “cơ quan quản lý Nhà nước cần làm gì” để làm sao tạo điều kiện cho phát triển KH&CN. “Tất cả 63 đồng chí Giám đốc Sở KH&CN có mặt ở đây, có làm nòng cốt, tham mưu tốt cho tỉnh ủy, ủy ban trong việc phát triển KH&CN ở địa phương các đồng chí hay không?”, Thủ tướng nêu vấn đề. “Qua hội nghị này, chúng ta rút ra những vấn đề như vậy”.

Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về nhiều sản phẩm KH&CN thành công được giới thiệu tại Hội nghị, từ các vấn đề về hệ thống tài chính ngân hàng, y tế, công nghiệp xây dựng, thủy sản…

Đánh giá cao các thành tích của Bộ KH&CN đã đạt được thời gian qua, góp phần tích cực vào kết quả chung của đất nước, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo các hoạt động về KH&CN. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã nhiều lần làm việc và có nhiều ý kiến chỉ đạo, giao nhiệm vụ đối với các cơ quan, tổ chức trong ngành như làm việc với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Khu Công nghệ cao TPHCM, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam… cũng như tham dự nhiều sự kiện quan trọng của ngành.

Theo Thủ tướng, các hoạt động KH&CN trong năm qua có nhiều tiến bộ. Tinh thần quốc gia khởi nghiệp phát triển và lan tỏa mạnh mẽ. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã phát triển rộng khắp với nhiều không gian làm việc chung, quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức kết nối hỗ trợ khởi nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Đến nay, chúng ta có hơn 900 dự án khởi nghiệp được ươm tạo với 300 sản phẩm khởi nghiệp đã được kết nối đến với cộng đồng và các quỹ đầu tư. Số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tăng nhanh với hơn 3.000 doanh nghiệp.

Nhận thức về cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngày càng nâng cao, có thể kể tới như việc hoàn thiện mạng truyền thông di động 4G, phát triển xa lộ thông tin; phát triển Hệ tri thức Việt số hoá kết nối, chia sẻ hệ dữ liệu mở.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt tồn tại, bất cập như thị trường KH&CN phát triển còn chậm. Kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chưa được ứng dụng nhiều trong sản xuất, kinh doanh; chưa có nhiều sản phẩm KH&CN được thương mại hóa.

Việc phát triển KH&CN chưa thực sự gắn với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Doanh nghiệp chưa trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động KH&CN. Cơ chế tài chính còn bất hợp lý, ràng buộc sự phát triển. Việc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập vẫn còn lúng túng.

Nêu 4 yêu cầu chính là tính đổi mới, tính đột phá, thích ứng và tính bền vững trong chiến lược ngành bám sát chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh 4 trụ cột lớn cần đổi mới, 3 đột phá cần tập trung và 5 lưu ý cần rà soát để triển khai hiệu quả hơn.

4 trụ cột chính cần đổi mới 
Thủ tướng chỉ rõ, thứ nhất, KH&CN phải góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, nhất là những mô hình hiện có năng suất thấp trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam; Thứ hai, thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa, khi mà hiện nay, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn ít. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo mới bước đầu, chỉ tập trung ở đô thị lớn; Thứ ba, tập trung phục vụ doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo, đặc biệt là có đột phá trong phát triển hệ thống doanh nghiệp KH&CN, công nghệ cao, thiết lập hệ thống sàn giao dịch công nghệ và các tổ chức trung gian để thúc đẩy thị trường công nghệ. “Một lần nữa chúng ta khẳng định, phải coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo”; Thứ tư, KH&CN phải góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Nêu 3 đột phá cần tập trung, Thủ tướng chỉ ra, thứ nhất là đột phá về thể chế, chính sách. Vì với thể chế KH&CN, cần xóa bỏ tư duy hành chính hóa, quy hoạch hóa KH&CN và tư duy thành lập mới tổ chức KH&CN phải theo quy hoạch…

Thứ hai, đổi mới về phương thức đầu tư, cơ chế đặt hàng cho KH&CN. Chi 2% ngân sách Nhà nước cho KH&CN phải sử dụng hiệu quả hơn, “đừng để tiền bạc thì lớn, mười mấy nghìn tỷ đồng nhưng hiệu quả thấp”. Bộ KH&CN hoặc Hội đồng Chính sách KH&CN cần trình Thủ tướng Chính phủ đưa ra các quyết sách lớn, đặt hàng vĩ mô cho KH&CN gắn liền với chất lượng sản phẩm của đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, cần tập trung đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ hoặc nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng mà Việt Nam đang cần. Phải huy động đầu tư của xã hội, chủ yếu từ doanh nghiệp, thông qua các quỹ KH&CN quốc tế, để có tỉ lệ đầu tư cho KH&CN cao hơn. Có thể chế, cơ chế thuận lợi cho các nhà nghiên cứu trong sử dụng kinh phí. Đổi mới chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN, trong đó quan tâm đến 3 đối tượng chính là các nhà khoa học đầu ngành, các nhà khoa học được giao chủ trì các nhiệm vụ quan trọng của quốc gia và các nhà khoa học trẻ tài năng. “Cuối cùng con người là quan trọng nhất. Phải làm sao trí thức ủng hộ mình để phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc”, Thủ tướng bày tỏ.

Cùng với 4 trụ cột, 3 đột phá, Thủ tướng cũng nêu ra 5 lưu ý cần rà soát, triển khai hiệu quả. Thứ nhất, chủ động phát triển cơ sở hạ tầng KH&CN theo hướng hiện đại, đồng bộ, trong đó có các khu công nghệ cao phải làm thành công trong năm 2018 và các năm tiếp theo để bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ hai, cần quan tâm triển khai vùng kinh tế trọng điểm dựa vào KH&CN, đặc biệt các vùng có lợi thế phát triển các sản phẩm nông nghiệp.

Thứ ba, KH&CN phải gắn với yêu cầu của hội nhập quốc tế và thích ứng với nền kinh tế trí thức của thế giới.

Thứ tư, bảo đảm tính bền vững trong hoạch định phát triển KH&CN, lộ trình, bước đi, giao trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương rõ hơn các nhiệm vụ cụ thể về KH&CN.

Thứ năm, Thủ tướng lưu ý về phẩm chất đạo đức của cán bộ KH&CN. Nhấn mạnh tạo cơ chế thoáng trong KH&CN, Thủ tướng nêu rõ, phải khắc phục bệnh thành tích trong KH&CN, bệnh không thiết thực, không vào cuộc sống của KH&CN. Xây dựng Bộ KH&CN, các đơn vị thuộc Bộ, các tổ chức KH&CN của Bộ KH&CN khỏe mạnh cả tư chất, thể chất cũng như phẩm chất.

Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong, trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân.

 

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 7156

Về trang trước Về đầu trang