Tin KHCN trong nước
Hội thảo Công nghệ bức xạ tiên tiến (29/11/2017)
-   +   A-   A+   In  
Ngày 23/11/2017 tại thành phố Đà Nẵng, Cục Năng lượng nguyên tử chủ trì, phối hợp với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Công nghệ bức xạ tiên tiến. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ sự kiện Ứng dụng, Chuyển giao và Đổi mới công nghệ năm 2017 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã tới dự và phát biểu khai mạc Hội thảo.

Mục tiêu của Hội thảo nhằm trao đổi thông tin, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, khai thác an toàn và hiệu quả trang thiết bị ứng dụng công nghệ bức xạ tiên tiến trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp....

Tham dự Hội thảo có hơn 170 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các bệnh viện, đại diện các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có quan tâm đến hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bức xạ tiên tiến, phóng viên báo chí Trung ương và địa phương. Hội thảo còn có sự tham gia của TS. Maria Helena de Oliveira Sampa, Chuyên gia Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), TS. Chung Byung Yeoup - Viện trưởng Viện Công nghệ bức xạ tiên tiến Hàn Quốc, TS. Lee Sung Beom - Viện CNBX tiên tiến Hàn Quốc, GS. Shin-ei Noda - Đại học Y khoa Saitama (Nhật Bản).

 

Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc Hội thảo


Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh, tại Việt Nam, công nghệ bức xạ tiên tiến đã được ứng dụng hiệu quả và có triển vọng phát triển trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Thứ trưởng đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo nhằm tăng cường hợp tác giữa nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác giữa các cơ quan trung ương và các địa phương, hợp tác giữa các cơ quan trong nước với các chuyên gia và tổ chức quốc tế về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bức xạ tiên tiến.

 

Thứ trưởng Trần Văn Tùng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội thảo


Tại Hội thảo, TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử đã trình bày báo cáo tổng quan về phát triển ứng dụng công nghệ bức xạ ở Việt Nam. TS. Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, trong thời gian qua, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ bức xạ trong phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều thành tựu và kết quả, đặc biệt là trong chẩn đoán và điều trị bệnh bằng các trang thiết bị và kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng công nghệ bức xạ trong chiếu xạ và xử lý bức xạ, soi chiếu an ninh hải quan. Trong y tế, nhiều kỹ thuật xạ trị hiện đại, ngang tầm khu vực và quốc tế hiện đã được triển khai tại Việt Nam như điều trị ung thư tế bào gan bằng kỹ thuật gây tắc mạch bằng các vi cầu phóng xạ, kỹ thuật điều trị miễn dịch phóng xạ bằng kháng thể đơn dòng Rituzumab gắn I-131,… Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ bức xạ cũng được triển khai trong các lĩnh vực soi chiếu hệ thống công nghiệp; chiếu xạ thủy hải sản và nông sản, đặc biệt là hoa quả phục vụ xuất khẩu; khử trùng dụng cụ y tế; chế tạo các vật liệu nhờ xử lý bức xạ. Hiện cả nước có 9 máy chiếu xạ ở quy mô công nghiệp, chủ yếu là do các doanh nghiệp đầu tư, đang hoạt động và đem lại giá trị kinh tế cao cho xuất khẩu thủy hải sản. Ngành hải quan đã chú trọng đầu tư và khai thác hiệu quả 11 hệ thống máy soi container hiện đại sử dụng máy gia tốc tia X tại 5 Cục Hải quan địa phương, đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc đẩy nhanh thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa.

 

TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử trình bày báo cáo tổng quan về phát triển ứng dụng công nghệ bức xạ ở Việt Nam

 

Trong thời gian 01 ngày, đã có 15 báo cáo, tham luận được trình bày tại Hội thảo, tập trung vào các nội dung về hiện trạng, kết quả nghiên cứu - ứng dụng và triển vọng ứng dụng công nghệ bức xạ tiên tiến trong y tế, công nghiệp chiếu xạ và một số vấn đề liên quan. Có nhiều báo cáo, tham luận đáng chú ý về ứng dụng công nghệ bức xạ tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh như: “Xạ phẫu bằng dao gamma quay điều trị u màng não nền sọ” của PGS.TS Trần Đình Hà (Bệnh viện Bạch Mai); “Liệu pháp phóng xạ có hình ảnh hướng dẫn đối với ung thư cổ tử cung” của TS. Shin-ei Noda (ĐH Y khoa Saitama Nhật Bản), “Ứng dụng máy gia tốc thẳng trong xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh” của KS. Nguyễn Trung Hiếu (Bệnh viện Ung bướu Tp. Hồ Chí Minh)…

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo


Hội thảo Công nghệ bức xạ tiên tiến đã thu hút sự quan tâm và tham gia thảo luận của các chuyên gia, nhà quản lý, các tổ chức nghiên cứu, ứng dụng và các doanh nghiệp. Bà Maria Helena de Oliveira Sampa, Chuyên gia IAEA, đánh giá cao những kết quả đã đạt được của cộng đồng ứng dụng công nghệ bức xạ tiên tiến tại Việt Nam, một lĩnh vực có nhiều triển vọng phát triển; IAEA sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam và các nước thành viên phát triển ứng dụng công nghệ bức xạ tiên tiến. Nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các chuyên gia và các đại biểu tập trung vào việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở nghiên cứu và các doanh nghiệp, hợp tác giữa các chuyên gia trong nước và quốc tế để thúc đẩy ứng dụng công nghệ bức xạ cho phát triển kinh tế - xã hội; nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực chuyên môn,  đặc biệt là ở các bệnh viện và cơ sở ứng dụng nhiều thiết bị công nghệ bức xạ tiên tiến, hiện đại./.

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 4039

Về trang trước Về đầu trang