Tin KHCN trong nước
Hợp tác, đầu tư, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng và bảo vệ môi trường (28/11/2017)
-   +   A-   A+   In  
Trong khuôn khổ sự kiện Ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ năm 2017, ngày 24/11, tại Đà Nẵng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo quốc tế xúc tiến hợp tác, đầu tư và chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và xử lý môi trường.

Tham dự có ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ KH&CN, ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và các chuyên gia đến từ các tổ chức, học viện, doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga.
 


Hội thảo thu hút sự tham gia của các chuyên gia đến từ các tổ chức, học viện,

doanh nghiệp trong và ngoài nước
 

Khuyến khích nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực năng lượng

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, hội thảo này là một hoạt động chính nằm trong chuỗi sự kiện nhằm góp phần thực hiện Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 và triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ công nghiệp hóa hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách và các chương trình cụ thể nhằm định hướng, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực năng lượng.

Trong Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020, Bộ đã xác định chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn, nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như nghiên cứu các giải pháp KH&CN nhằm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả trong các khâu sản xuất, truyền tải và tiêu thụ năng lượng.

Trên cơ sở đó, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu trọng điểm nhằm giải quyết các bài toán công nghệ trong ngành năng lượng, trong đó có Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 đã góp phần tháo gỡ khó khăn và tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động chuyển giao công nghệ nói chung và hoạt động chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nói riêng. Luật đã bổ sung cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam và đặc biệt là bổ sung các quy định Nhà nước chú trọng hỗ trợ thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra trong nước.

Hiện nay, Nhà nước đã và đang thúc đẩy cải thiện hiệu quả phát triển năng lượng thông qua thiết lập khung chính sách, đa dạng hóa các nguồn cung cấp và đồng thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các nguồn năng lượng mới, tái tạo nâng cao năng lực, hiệu quả, tính bền vững và thích ứng cho ngành năng lượng quốc gia cũng như thực hiện các cam kết quốc tế hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, nhu cầu năng lượng nói chung, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đang tăng trưởng với mức độ cao, cung cầu năng lượng, đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng cơ chế chính sách theo nhiều hướng tiếp cận như sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đa dạng hóa các nguồn năng lượng và áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến và thân thiện với môi trường. Do đó, để có thể đáp ứng được nhu cầu năng lượng của một nền kinh tế đang phát triển, một trong những vấn đề then chốt là cần làm chủ công nghệ để từng bước nội địa hóa công nghệ, thiết bị, tránh phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu.

Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế-xã hội đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là kiểm soát ô nhiễm, ứng phó sự cố môi trường. Việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong bảo vệ môi trường ngày càng trở nên quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý môi trường.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21 đó là sự nóng lên toàn cầu, sự kiện băng tan và mực nước biển dâng. Việc sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống trong sản xuất, kinh doanh đã làm tăng giá trị các chất độc hại ảnh hưởng tới môi trường…. nên việc ứng dụng các dạng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và công nghệ xử lý môi trường tiên tiến là một biện pháp cấp bách, tối ưu giúp ngăn biến đổi khí hậu và nguy cơ ô nhiễm môi trường trong thời điểm hiện nay.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung xem xét, đánh giá thực trạng nhu cầu công nghệ và những giải pháp nhằm hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động đầu tư, phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng và bảo vệ môi trường như: giải pháp công nghệ tiên tiến sử dụng năng lượng mặt trời; hệ thống phát điện tổng hợp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và vật liệu kính xây dựng; hố ga nhựa PVC và công nghệ xây dựng hồ điều tiết ngầm chống ngập cục bộ do mưa...

Đồng thời, các đại biểu cũng đã thảo luận các giải pháp thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng và bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện của các địa phương; tiếp tục giới thiệu các công nghệ, kết quả nghiên cứu, sản phẩm KH&CN tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng và bảo vệ môi trường của của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, qua đó, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập và hợp tác phát triển bền vững giữa các quốc gia. Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra các phiên kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài.

Theo PGS.TS. Phạm Hoàng Lương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Việt Nam đang là quốc gia sử dụng nhiều năng lượng để phát triển kinh tế. Nhiều chính sách, chiến lược nhằm thúc đẩy các công nghệ hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo đã được ban hành. Tuy nhiên, các chính sách chiến lược này vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

“Để phát triển bền vững, cần thiết phải đảm bảo việc cung cấp năng lượng một cách ổn định và có hiệu quả kinh tế, đồng thời phải giảm ô nhiễm môi trường do sử dụng năng lượng. Phát triển và áp dụng các công nghệ hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo cần phải được quan tâm trong lộ trình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn trung và dài hạn”, PGS.TS. Phạm Hoàng Lương nhấn mạnh.

Tại thành phố Đà Nẵng, ý thức được vấn đề môi trường, thành phố đã ban hành đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường” với mục tiêu hướng đến năm 2020, các yêu cầu về chất lượng môi trường đất, môi trường nước và môi trường không khí trên toàn thành phố được bảo đảm, tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước khi đến Đà Nẵng.

Ông Huỳnh Phước - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật thành phố Đà Nẵng cho biết, nhu cầu hợp tác đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và bảo vệ môi trường tại thành phố Đà Nẵng rất lớn. Qua khảo sát, có 1/3 doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ. Theo định hướng, trong giai đoạn tới, thành phố Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển mạnh về công nghiệp dịch vụ, kinh doanh khách sạn và du lịch, thúc đẩy ký kết nhiều chương trình, dự án, hướng đến hợp tác đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và bảo vệ môi trường.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 3103

Về trang trước Về đầu trang