Tin KHCN nước ngoài
Làm mát hành tinh theo cách nhân tạo là chiến lược nguy hiểm (23/11/2017)
-   +   A-   A+   In  
Đó là kết luận của một nghiên cứu mới đã được công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications vào ngày 14 tháng 11 vừa qua. Theo nghiên cứu, các đề xuất giảm ảnh hưởng của nóng lên toàn cầu bằng cách mô phỏng các vụ phun trào núi lửa có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến cho nhiều khu vực trên thế giới có xu hướng bị bão lớn hoặc trải qua các đợt hạn hán kéo dài.

Địa kỹ thuật (Geoengineering) là sự điều chỉnh khí hậu có chủ ý để chống lại ảnh hưởng của nóng lên toàn cầu bằng cách bơm sol khí một cách nhân tạo vào bầu khí quyển, đã được đưa ra như một phương thức để giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới do các chuyên gia khí hậu tại trường Đại học Exeter dẫn đầu cho thấy công nghệ địa kỹ thuật được triển khai nhằm vào một bán cầu có thể gây tác động lớn bất lợi đến bán cầu còn lại. Dù giải pháp bơm sol khí ở bán cầu bắc sẽ làm giảm hoạt động của bão nhiệt đới, gây ra những sự kiện bất thường gần đây như bão Katrina, nhưng cũng có thể gây hạn hán ở Sahel - khu vực cận Sahara châu Phi nằm ở phía Nam sa mạc Sahara. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới điều chỉnh các chương trình địa kỹ thuật đơn phương quy mô lớn trong tương lai để ngăn ngừa các thảm hoạ tự nhiên xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.

TS. Anthony Jones, chuyên gia về khoa học khí hậu và là đồng tác giả nghiên cứu cho rằng: "Kết quả nghiên cứu của chúng tôi khẳng định công nghệ địa kỹ thuật năng lượng mặt trời mang tính cục bộ là chiến lược nguy cơ cao, mang lại lợi ích cho một khu vực nhưng lại gây hại cho khu vực khác. Các nhà hoạch định chính sách cần áp dụng thận trọng công nghệ địa kỹ thuật và hành động nhanh để có sự điều chỉnh hiệu quả".

Phương pháp bơm sol khí vào tầng bình lưu đang gây tranh cãi, được thiết kế để làm mát bề mặt trái đất một cách hiệu quả bằng cách phản xạ phần nào ánh nắng mặt trời trước khi ánh nắng đi đến bề mặt trái đất. Các đề xuất mô phỏng hậu quả của các vụ phun trào núi lửa, khi sol khí được bơm theo cách tự nhiên vào khí quyển.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng các mô phỏng hiện đại với mô hình khí quyển - đại dương hoàn toàn được kết hợp để nghiên cứu ảnh hưởng của việc bơm sol khí ở tầng bình lưu trên bán cầu đến tần suất của bão nhiệt đới ở Bắc Đại Tây Dương. Nhóm nghiên cứu nhận thấy việc bơm sol khí vào bán cầu bắc sẽ làm giảm tần suất bão nhiệt đới ở Bắc Đại Tây Dương, trong khi thực hiện thao tác này ở nam bán cầu lại làm tăng tần suất bão.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng lên tiếng cảnh báo, dù hoạt động của bão nhiệt đới ở Bắc Đại Tây Dương có thể được ngăn chặn bằng cách bơm sol khí ở bán cầu bắc, nhưng đồng nghĩa với việc gây hạn hán ở Sahel. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc tác động của công nghệ địa kỹ thuật mặt trời - một phương thức được đề xuất để chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 5067

Về trang trước Về đầu trang