Tin KHCN trong nước
Cách mạng công nghiệp 4.0: “Khát” nhân lực trình độ cao (20/11/2017)
-   +   A-   A+   In  
Dưới tác động của Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, máy móc tự động hóa sẽ thay thế con người, theo đó nguồn nhân lực phải trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.

Nâng cao kỹ năng, kiến thức đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới

 

Thách thức lớn

Tại buổi làm việc giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 diễn ra mới đây, ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết, vấn đề phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh CMCN 4.0 đang đặt ra bài toán hết sức cấp bách. Theo nhiều cảnh báo, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, sẽ có 1/3 số lao động bị thay đổi kỹ năng nghề. Đồng thời, sẽ có sự phân hóa chất lượng nguồn nhân lực, có người đáp ứng được các yêu cầu đặt ra nhưng cũng có người bị mất việc vì không kịp thay đổi. Khoảng cách về thu nhập, giàu nghèo sẽ bị kéo xa dẫn đến hàng loạt vấn đề về an sinh xã hội.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ)- cho rằng, CMCN 4.0 ảnh hưởng sâu sắc đến các ngành công nghiệp của Việt Nam. Đặc biệt, trong ngành may mặc, điện tử, nhiều công đoạn sẽ bị thay thế bởi hoạt động tự động hóa. Người công nhân lúc đó sẽ giảm đi, đồng thời đòi hỏi tay nghề của người vận hành cao lên, đủ kỹ năng để kiểm soát vận hành máy móc, thiết bị. Để áp dụng công nghệ mới, tự động hóa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả, các doanh nghiệp (DN) buộc phải tìm kiếm nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn quản lý và kỹ năng làm việc tốt.

Chủ động ứng phó

Theo các chuyên gia, khi một cuộc cách mạng phát triển, nhiều ngành nghề sẽ biến mất, nhưng cũng xuất hiện nhiều việc làm mới với kỹ thuật công nghệ mới, đòi hỏi người lao động phải nâng cao trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. Công tác đào tạo nguồn nhân lực nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng bắt buộc phải đổi mới cũng như có hướng đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động.

Trước vấn đề này, ông Đào Quang Vinh cho hay, Bộ LĐ-TB&XH đang tích cực triển khai, đánh giá, nghiên cứu liên quan đến CMCN 4.0. Có thể kể đến Báo cáo “Đánh giá về cơ hội, thách thức, tác động của cuộc CMCN 4.0 đến lĩnh vực lao động, việc làm ở Việt Nam”; phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) triển khai nghiên cứu “Nhu cầu về kỹ năng trong kỷ nguyên công nghệ mới” nhằm nắm bắt hiện trạng cung - cầu kỹ năng lao động trong các DN, xu hướng việc làm mới và yêu cầu về kỹ năng lao động tại các DN thuộc ngành điện tử, dệt may. Bên cạnh đó, để đào tạo nguồn nhân lực trước bối cảnh CMCN 4.0, Bộ đã triển khai Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy và học nghề đến năm 2020”; Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dạy nghề và hệ thống quản lý thông tin các trường nghề”.

Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ xây dựng kế hoạch triển khai chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ về Chủ đề “Cơ sở lý luận và thực tiễn về tác động của CMCN 4.0 tới thị trường lao động”; xây dựng kế hoạch triển khai Đề án 2469 về “Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ nghiên cứu và đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2017-2025”; chính sách, giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, giảm thiểu tác động của CMCN 4.0 đối với nhóm lao động yếu thế…

Ông Nguyễn Quang Việt - Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp): Cần có đề án nghiên cứu tổng thể về nhân lực, từ đó xây dựng các chương trình đào tạo nghề đặc thù dành cho người Việt Nam, tránh sao chép, bắt chước không đúng với thực tiễn xã hội.

Nguồn: Báo điện tử Công thương

Số lượt đọc: 4381

Về trang trước Về đầu trang