Tin KHCN trong nước
Hội thảo “Thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ từ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm từ Pháp” (20/11/2017)
-   +   A-   A+   In  
Ở Pháp, một công trình nghiên cứu khoa học phải có thời gian ít nhất 7 năm với rất nhiều vòng gọi vốn mới có sản phẩm hoàn chỉnh để vào thị trường. Đây là chia sẻ của TS Jean-Charles Guilbert, Cố vấn công nghệ cho Tổng giám đốc Viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử Pháp (CEA) tại hội thảo “Thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ từ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm từ Pháp”. Hội thảo được tổ chức tại Saigon Innovation Hub ngày 14/11/2017.

TS Charles Guilbert nhìn nhận, hoạt động nghiên cứu tạo ra sản phẩm từ phòng thí nghiệm chưa phải là sản phẩm cuối cùng. Đó là một quá trình kéo dài nhiều năm với nhiều vòng gọi vốn mới có thể hoàn thiện để đưa sản phẩm ra thị trường.

Vì lẽ đó tại Viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử Pháp, các công trình nghiên cứu sẽ được chia thành 2 giai đoạn chính: ươm mầm và tăng trưởng.

Giai đoạn ươm mầm chỉ ở dạng ý tưởng hoặc sản phẩm ở giai đoạn sơ khai. Vốn đầu tư chỉ vào khoảng vài trăm ngàn đô la. Đây là giai đoạn mà Nhà nước nên đầu tư 100% để phát triển các dự án ở dạng ươm mầm.

“Giai đoạn này, các công trình nghiên cứu rất khó tiếp cận với các quỹ đầu tư tư nhân. Vì thế Nhà nước nên là người kích hoạt đầu tư đầu tiên cho các dự án” - ông Charles Guilbert nói.

Hiện tại, ở CEA luôn có một quỹ đầu tư vào khoảng 27 triệu USD để đầu tư cho các dự án ở giai đoạn ươm mầm. Khi doanh nghiệp đã có những thành tựu về mặt sản phẩm thì các quỹ tư nhân sẽ tham gia đầu tư với mức độ lớn hơn, có thể lên đến hàng triệu, hàng chục triệu USD cho một dự án.

Tỉ lệ đầu tư thất bại tại CEA là khoảng 29%, số doanh nghiệp còn tồn tại sẽ được mua lại hoặc phát triển độc lập.

 

TS Charles Guilbert trao đổi với các khách mời tại hội thảo. Ảnh: Hà Thế An.

Mặt khác ở CEA luôn có một đội ngũ chuyên gia chuyên làm công việc phân tích, đánh giá thị trường cho mỗi một sản phẩm nghiên cứu khoa học. Quá trình này được thực hiện để tiếp cận với nhu cầu thị trường và sự phù hợp của công nghệ đó với nhu cầu khách hàng.

TS Charles Guilbert cho hay, nhóm chuyên gia này sẽ đánh giá tất cả những yếu tố tác động đến khách hàng khi sản phẩm này ra mắt, cũng như những rào cản có thể gặp phải khi sản phẩm vào thị trường. Từ các hoạt động nghiên cứu đó, chuyên gia sẽ dự báo được doanh thu của doanh nghiệp và đưa ra những tư vấn phù hợp.

“Đây là đánh giá mang tính thị trường toàn cầu chứ không phải ở riêng một quốc gia nào. Từ đó, chúng ta mới có thể nhìn nhận về nhu cầu thị trường một cách toàn diện hơn. Vì thế, để đưa sản phẩm từ phòng thí nghiệm lên kệ hàng của siêu thị phải mất khoảng thời gian dài. Chúng ta không thể nào ‘một bước lên trời’ được” - TS Charles Guilbert nói.

TS Charles Guilbert nói thêm, khó khăn về vốn là vấn đề mà hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp đều gặp phải. Nhiều doanh nghiệp chỉ nghĩ đến việc duy trì hoạt động qua ngày mà thiếu tầm nhìn và kế hoạch phát triển lâu dài. Và đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của nhiều doanh nghiệp startup.

Nước Pháp có nhiều chính sách hỗ trợ cho nhà khoa học
Tại Viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử Pháp, nhà khoa học sẽ được Nhà nước hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).

Cụ thể, nhà khoa học sẽ được hỗ trợ 3 đến 6 tháng lương (nếu làm việc tại Viện) và được vay tối đa 40.000 USD để làm R&D trong khoảng thời gian 4 năm. Sau 4 năm, nếu dự án thất bại thì có thể quay về lại làm việc tại cơ quan cũ nếu có nhu cầu.

Ngoài ra, Nhà nước Pháp còn hỗ trợ đến 60% chi phí cho hoạt động R&D của nhà khoa học, bao gồm 30% chi phí ban đầu và 30% còn lại nếu nhà khoa học ký hợp đồng hợp tác với doanh nghiệp làm nghiên cứu.

Nguồn: Tạp chí khám phá

Số lượt đọc: 4104

Về trang trước Về đầu trang