Tin KHCN nước ngoài
Phương thức lưu trữ thông tin trong quần áo theo cách vô hình, không cần thiết bị điện tử (13/11/2017)
-   +   A-   A+   In  
Một loại vải thông minh mới do nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Washington chế tạo, sẽ mở đường cho ra đời loại áo khoác chứa mật mã vô hình và có khả năng mở cửa nhà hoặc văn phòng.

Các nhà khoa học đã tạo ra loại vải và phụ kiện thời trang có thể lưu trữ dữ liệu, từ mã bảo mật cho đến thẻ nhận dạng mà không cần bất cứ thiết bị điện tử hoặc cảm biến nào. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng tính chất từ tính của sợi dẫn điện trước đây từng chưa được khai thác. Dữ liệu có thể được đọc nhờ một thiết bị gắn trong điện thoại thông minh hiện có để cho phép thực hiện các ứng dụng định vị.

Shyam Gollakota, Phó giáo sư về Khoa học và Kỹ thuật máy tính cho rằng: "Đây là thiết kế hoàn toàn không sử dụng thiết bị điện tử, nghĩa là bạn có thể là vải thông minh hoặc đặt nó vào máy giặt và máy sấy. Bạn có thể nghĩ vải là một đĩa cứng, do đó, trên thực tế, bạn đang thực hiện việc lưu trữ dữ liệu trên quần áo bạn mặc".

Hiện nay, hầu hết mọi người đều kết hợp dây dẫn điện - sợi thêu mang dòng điện, với các loại thiết bị điện tử khác để tạo ra các trang phục, thú nhồi bông hoặc các phụ kiện phát sáng hoặc truyền thông. Nhưng nhóm nghiên cứu nhận thấy sợi dẫn điện này còn có tính chất từ tính nên có thể được điều chỉnh để lưu trữ dữ liệu số hoặc thông tin thị giác như chữ cái hoặc số. Dữ liệu này có thể được đọc bởi từ kế, công cụ giá rẻ để đo hướng và sức mạnh của từ trường và được gắn trong hầu hết mọi loại điện thoại thông minh.

Theo PGS. Gollakota, nhóm nghiên cứu đang sử dụng linh kiện sẵn có trên điện thoại thông minh và gần như không sử dụng điện, vì vậy, chi phí đọc dữ liệu không đáng kể. Trong thử nghiệm, các nhà khoa học đã lưu trữ mật mã vào khóa cửa điện tử gắn trên một miếng vải dệt dẫn điện được khâu vào cổ tay áo. Chỉ cần vẫy tay áo trước một dãy từ kế là có thể mở khóa cửa.

Nhóm nghiên cứu cũng tạo ra các phụ kiện thời trang như cà vạt, thắt lưng, vòng cổ và vòng tay và giải mã dữ liệu bằng cách vuốt điện thoại thông minh qua các phụ kiện đó. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng máy may thông thường để dệt vải từ sợi dẫn điện, trong đó, các cực từ tính khởi động theo thứ tự ngẫu nhiên. Bằng cách chà xát nam châm lên vải, các nhà nghiên cứu có thể sắp xếp các cực theo chiều dương hoặc âm, tương ứng với số 1 và số 0 trong dữ liệu số.

Giống như khóa thẻ từ ở khách sạn, độ mạnh của tín hiệu từ tính yếu đi khoảng 30% sau 1 tuần, mặc dù vải có thể được từ hóa lại và tái lập trình nhiều lần. Trong các bài kiểm ứng suất khác, tấm vải vẫn lưu trữ được dữ liệu thậm chí sau khi giặt, sấy và là ở nhiệt độ lên đến 3200F. Điều này trái ngược với nhiều sản phẩm may mặc thông minh hiện nay vẫn cần có các thiết bị điện tử hoặc cảm biến để hoạt động. Đây là hạn chế vì nếu gặp trời mưa hoặc quên tháo các thiết bị điện tử đó trước khi đưa các sản phẩm này vào máy giặt. Rào cản này đã kìm hãm việc áp dụng rộng rãi các thiết kế công nghệ mang theo người.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đã chứng minh vải từ tính có thể được sử dụng để tương tác với điện thoại thông minh trong khi nó ở trong túi. Các nhà khoa học đã tạo ra một chiếc găng tay, trong đó vải dẫn điện được dùng để may phần đầu ngón tay, được sử dụng để thực hiện các cử chỉ trên điện thoại thông minh. Mỗi cử chỉ phát ra một tín hiệu từ tính khác nhau, thể hiện các hành động cụ thể như dừng lại hoặc chơi nhạc.

Justin Chan, tác giả chính của nghiên cứu cho rằng: "Với hệ thống này, chúng ta có thể dễ dàng tương tác với các thiết bị thông minh mà không phải thường xuyên bỏ nó ra khỏi túi”. Trong các thử nghiệm, điện thoại có thể nhận diện sáu cử chỉ - vuốt bên trái, vuốt phải, vuốt lên, vuốt xuống, nhấp và quay lại với độ chính xác lên đến 90%. Nghiên cứu trong tương lai tập trung tạo ra loại vải tùy chỉnh phát ra từ trường mạnh hơn và có khả năng lưu trữ mật độ dữ liệu cao.

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 3868

Về trang trước Về đầu trang