Tin KHCN trong nước
APEC CEO Summit 2017: Việc làm trong kỷ nguyên số (12/11/2017)
-   +   A-   A+   In  

Với sự phát triển chóng mặt của khoa học công nghệ, nhiều nghề mới xuất hiện và nhiều việc làm truyền thống sẽ mất đi. Các nền kinh tế APEC với hàng triệu người lao động sẽ phải làm gì để thích ứng với sự vận động này? Làm thế nào để thúc đẩy thế hệ kế tiếp của các công ty, các ngành công nghiệp tạo nhiều công ăn việc làm hơn? Đó là nội dung của phiên thảo luận sáng 9/11 tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC.

Phiên thảo luận xoay quanh các giải pháp tạo sức sống cho nền kinh tế thông qua kết nối toàn cầu, khu vực và trong nước trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh. Theo các chuyên gia, thế hệ lao động tiếp theo sẽ được truyền năng lượng từ công nghệ mới. Sự phát triển của con người không chỉ dừng lại ở đây. Con người sẽ tiếp tục thông minh hơn và sẽ có khả năng sử dụng những công nghệ mới để hoàn thiện công việc của mình. Trong nền kinh tế toàn cầu, sự phát triển của công nghệ không chỉ hỗ trợ người lao động lành nghề mà cả lao động phổ thông thực hiện công việc của mình. Đặc biệt, phát triển công nghệ chính là một giải pháp để bảo đảm toàn cầu hoá bao trùm, giúp tất cả mọi người, từ những tập đoàn lớn, những công ty nhỏ, đến những người dân vùng sâu vùng xa hưởng những lợi ích của phát triển kinh tế toàn cầu.

Ông Jin Liqun, Chủ tịch của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), cho rằng trong thời gian tới cơ sở hạ tầng chưa thể theo kịp xu hướng của thời đại và cần được đầu tư nhiều hơn nữa. Sự phát triển của một nền văn minh phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của đô thị. Mục tiêu sắp tới là xây dựng các đô thị trở thành trung tâm thương mại để con người gặp gỡ và kết nối. Ông Jin cũng nhấn mạnh, trong quá trình đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, con người không thể bỏ qua việc bảo vệ môi trường, vượt qua những thách thức của biến đổi khí hậu. Do vậy, cần thiết tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt hệ thống giao thông để kết nối người dân vùng sâu vùng xa. Chính phủ nên tập trung vào các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục cho người dân để bảo đảm chất lượng cuộc sống. 

Về "Kỷ nguyên số", các đại biểu nhất trí cần tập trung đổi mới toàn diện công nghệ số. Chúng ta đang sống trong thế giới có rất nhiều công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo, robot, công nghệ và các thiết bị điện tử mới…, tất cả đều mang lại nhiều cơ hội và cách nhìn khác về thế giới, giáo dục đào tạo về công nghệ số là không thể thiếu. Đây chính là một vấn đề mấu chốt để biến kỷ nguyên số thành một kỷ nguyên thành công.

Nguồn: www.vista.gov.vn

Số lượt đọc: 4426

Về trang trước Về đầu trang