Tin KHCN trong nước
Cần bàn tay chính phủ để tạo thị trường cho kết quả nghiên cứu (08/11/2017)
-   +   A-   A+   In  
Việc tạo lập thị trường đối với các kết quả nghiên cứu không chỉ phụ thuộc vào sự năng động của đơn vị nghiên cứu mà cần cả bàn tay hữu hình của Chính phủ để đẩy mạnh hoạt động này.

Từ kinh nghiệm của Viện Nghiên cứu cơ khí - Narime (Bộ Công Thương) về việc đo nhu cầu thị trường để ra quyết định nghiên cứu gì, làm chủ công nghệ nào, có thể thấy việc tạo lập thị trường đối với các kết quả nghiên cứu không chỉ phụ thuộc vào sự năng động của đơn vị nghiên cứu mà cần cả bàn tay hữu hình của Chính phủ để đẩy mạnh hoạt động này.

Xin nhắc lại câu chuyện cũ khi Bộ Công Thương xác định có thể chế tạo trong nước thiết bị cơ khí thủy công (cửa van cung xả mặt các loại, đường ống áp lực...) nhưng chúng ta chưa có năng lực thiết kế, bộ đã giao cho Narime mua, nhận chuyển giao công nghệ thiết kế của nước ngoài. Chỉ với 3 dự án chỉ định thầu, chúng ta đã hoàn toàn làm chủ thị trường này.

Trước đây, chúng ta phải mua của Trung Quốc, Nga với giá 1,7USD/kg thiết bị; nhưng sau khi Narime làm chủ được thiết kế, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động chế tạo thiết bị với giá chỉ khoảng 1USD/kg. Đến nay, thiết kế này đã làm lợi khoảng 10-20 nghìn tỷ đồng cho đất nước.

Thành công này cho thấy, việc Nhà nước có định hướng cho hoạt động của các đơn vị nghiên cứu khoa học công lập sẽ giúp đem lại thành công. Tuy nhiên, thực tế hầu hết các đơn vị nghiên cứu thiết kế công lập không hề có sự định hướng đó nên phải loay hoay tự tìm hướng phát triển, tìm công ăn việc làm, thậm chí tự xác định lĩnh vực hoạt động.

Tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN) đã nhỏ, yếu lại càng bị phân tán và hầu như không đóng góp gì cho chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm của đất nước. Đó là việc nghiên cứu, còn khi đã có kết quả, nhiều trường hợp Nhà nước vẫn cần bảo hộ thị trường để KH&CN có đất phát triển, nếu không sẽ giống như chuyện nhà máy nhiệt điện.

Để phát triển các thiết bị phụ cho nhà máy nhiệt điện, Chính phủ đã có chính sách cụ thể tại Quyết định 1791; Bộ Công Thương và Bộ KH&CN cũng đã phê duyệt dự án KH&CN có chi phí hàng trăm tỷ đồng, nhưng lại chưa có cơ chế buộc chủ đầu tư áp dụng kết quả của dự án. Do đó, dù Narime đã chế tạo thành công các thiết bị phụ nhưng khi đấu thầu các dự án của Việt Nam, nhiều nhà đầu tư lại chọn đấu thầu quốc tế.

Từ thực tế đó, trong một số trường hợp, tôi cho rằng cần gắn kết hoạt động KH&CN với công tác điều hành của Chính phủ. Nếu Chính phủ để các viện "tự bơi" thì việc các kết quả nghiên cứu bị "đút ngăn kéo" không có gì là khó hiểu.

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 4219

Về trang trước Về đầu trang